Góc nhìn đầu tư 2023: Ngành điện (Kỳ 1) - Năng lượng sạch là xu hướng
Ngành điện Việt Nam là một trong những ngành then chốt, hấp dẫn nhà đầu tư do tốc độ tăng trưởng kinh tế, nhu cầu sử dụng điện năng tại Việt Nam ngày một tăng cao và được kỳ vọng tiếp tục phát triển trong tương lai.
Nhu cầu không ngừng tăng
Tốc độ công nghiệp hóa và đô thị hóa của Việt Nam ở mức cao khiến nhu cầu sử dụng điện liên tục tăng trong những năm qua.
Theo Kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện quốc gia năm 2023 do Bộ Công Thương phê duyệt, điện thương phẩm toàn quốc dự kiến đạt khoảng 251.28 tỷ kWh. Tổng điện năng sản xuất của các nhà máy điện (tại đầu cực máy phát) và nhập khẩu của toàn quốc năm 2023 là 284.5 tỷ kWh, trong đó mùa khô là 137.1 tỷ kWh và mùa mưa là 147.4 tỷ kWh.
Tốc độ tăng trưởng sản lượng điện vẫn duy trì ở mức ổn định và dự kiến sẽ tiếp tục tăng trong những năm tới. Tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR - Compounded Annual Growth Rate) của sản lượng điện toàn hệ thống trong giai đoạn 2010 - 2022 lên đến 9.23%.
Sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống, giai đoạn 2010 - 2023F
(Đvt: kWh)
Kinh tế phát triển, quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng, dân số tăng cao khiến nhu cầu năng lượng gia tăng nhanh. Trong khi đó, các nguồn năng lượng hóa thạch đang cạn dần theo thời gian. Giải pháp phát triển các nguồn năng lượng tái tạo và tiết kiệm năng lượng đang được nhiều nước trên thế giới quan tâm thực hiện, trong đó có Việt Nam.
Theo quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; năng lượng tái tạo tiếp tục là xu hướng chính trong tương lai.
Cơ cấu nguồn điện theo sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống giai đoạn 2025 - 2050
(Đvt: Phần trăm)
Năng lượng tái tạo là xu hướng toàn cầu
Bên cạnh đó, cam kết mức phát thải ròng về 0 năm 2050 (Net Zero by 2050) tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hiệp quốc năm 2021 (COP26) sẽ thúc đẩy đầu tư mạnh tay vào nhiệt điện khí và năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió ngoài khơi.
Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), sự phát triển bùng nổ của công nghệ năng lượng sạch sẽ được mở rộng trong tương lai, quy mô của thị trường này sẽ đạt giá trị lên đến 27 ngàn tỷ USD đến năm 2050.
Ước tính quy mô thị trường công nghệ năng lượng sạch theo công nghệ và khu vực giai đoạn 2020 - 2050
(Đvt: Tỷ USD)
Tổng công suất lắp đặt và phát điện theo nguồn trong kịch bản NZE giai đoạn 2010 - 2050
Chú thích:
Stated Policies Scenario (STEPS): Chính sách quốc gia - là kịch bản có thể xảy ra mà Cơ quan Năng lượng Quốc tế xem xét, có tính đến chính sách khí hậu thực tế.
Net Zero Emissions (NZE): Phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 - Kế hoạch nhằm đạt mục tiêu "net zero" về khí thải nhà kính trước năm 2050.
Khung giá điện cho năng lượng tái tạo giảm
Ngày 03/10/2022, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 15/2022/TT-BCT quy định phương pháp xây dựng khung giá phát điện của nhà máy điện mặt trời và điện gió chuyển tiếp (không kịp hưởng giá FIT), có hiệu lực ngày 25/11/2022.
Khung giá điện được đề xuất thấp hơn 20-30% so với giá FIT, điều này tác động lớn đến doanh thu và tỷ suất lợi nhuận đầu tư của các nhà phát triển dự án. Tuy nhiên, chi phí đầu tư (LCOE) của điện mặt trời và điện gió giảm dần trong thời gian qua và về mức có thể cạnh tranh so với nguồn điện truyền thống; nhờ đó sẽ làm giảm tác động tiêu cực đến tỷ suất lợi nhuận của các nhà phát triển dự án.
Khung giá phát điện năng lượng tái tạo theo Quyết định số 21/QĐ-BCT
Chi phí điện quy dẫn (LCOE) tiêu chuẩn toàn cầu
Các doanh nghiệp tiêu biểu trong mảng năng lượng tái tạo
Với xu hướng như trên, chúng ta có thể xem xét đầu tư dài hạn vào CTCP Cơ Điện Lạnh (HOSE: REE) và CTCP Điện Gia Lai (HOSE: GEG).
Trong đó, tiêu biểu nhất là cổ phiếu GEG khi sở hữu nhiều dự án năng lượng tái tạo với giá FIT ưu đãi. Kết quả kinh doanh của doanh nghiệp cũng liên tục tăng trưởng trong những năm trở lại đây.
Các dự án năng lượng tái tạo tiêu biểu của những doanh nghiệp trong ngành
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận