24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Hoàng Hảo
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Góc nhìn chuyên gia tuần mới: Những nhóm cổ phiếu có nhiều cơ hội trong năm 2022

Trong năm 2021 đã chứng kiến nhiều nhóm ngành thay nhau nổi sóng, bắt đầu là nhóm ngân hàng và thép, rồi tới dầu khí, cảng biển và sóng mạnh nhất là bất động sản cuối năm. Năm Nhâm Dần 2022, đâu là nhóm có nhiều cơ hội? Cùng Đầu tư Chứng khoán tìm câu trả lời từ các chuyên gia.

Ở phiên cuối cùng của năm Tân Sửu, thị trường đã có diễn biến khá tích cực cả về chỉ số và thanh khoản, độ phủ của thị trường cũng trải khá rộng đến các nhóm. Tuần giao dịch đầu tiên của năm Nhâm Dần sẽ chuyển động theo xu hướng nào, theo cảm nhận của các ông/bà?

Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Phát triển năng lực đầu tư, Công ty Chứng khoán VPS

Có thể tuần giao dịch đầu tiên của năm Nhâm Dần sẽ diễn biến tích cực. Hai chỉ số VN30 và VN-Index diễn biến khởi sắc - Có thể tuần đầu tiên tăng điểm sẽ là tuần lì xì đầu năm đối với các nhà đầu tư.

Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS)

Sau cú sốc liên tiếp từ nhóm cổ phiếu FLC cho đến bất động sản, dòng tiền giao dịch của nhà đầu tư trở nên thận trọng hơn nhất là gần thời điểm nghỉ lễ. Dư âm của nhịp điều chỉnh nhóm cổ phiếu đầu cơ vẫn chưa chấm dứt khi trên sàn vẫn còn khá nhiều cổ phiếu bị bán sàn với khối lượng lớn trùng với thông tin kết quả kinh doanh trái chiều với giá cổ phiếu thời gian qua. Dù vậy, dòng tiền đã có sự chuyển biến tích cực hơn khi lan tỏa vào các nhóm cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán và nhiều nhóm ngành nhỏ khác.

Góc nhìn chuyên gia tuần mới: Những nhóm cổ phiếu có nhiều cơ hội trong năm 2022
Ông Nguyễn Hồng Khanh

Trong 1 tuần nghỉ lễ vừa qua, hoạt động địa kinh tế thế giới vẫn chưa có biến động gì đáng kể và cũng là khoảng thời gian giúp nhà đầu tư có thời gian cảm nhận thị trường và chuẩn bị chiến lược đầu kỹ càng hơn trong năm mới. Thanh khoản vài phiên đầu có thể chưa cao lắm, nhưng thị trường giao dịch sẽ hứng khởi và sôi động hơn vào những ngày đầu năm mới.

Tôi cho rằng, thị trường sẽ có những nhịp tăng tốc tích cực ngay sau khi giao dịch trở lại tiếp nối đà tăng phiên cuối năm.

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam

Tôi cho rằng, thị trường sẽ có diễn biến tích cực ở tuần đầu sau tết âm lịch, nhưng dòng tiền có thể sẽ phân hóa khi dòng tiền chủ yếu có khả năng sẽ tập trung ở nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, đặc biệt là nhóm cổ phiếu ngân hàng.

Ông Bùi Văn Huy, Giám đốc môi giới Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC)

Khả năng thị trường sẽ tiếp nối đà tích cực trong phiên đầu năm vì trong kỳ nghỉ Tết dài, diễn biến của thị trường chứng khoán thế giới không quá xấu. Tuy nhiên, thị trường thế giới vẫn tồn tại nhiều rủi ro với việc lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ 10 năm tiệm cận mức 2.0%.

Thị trường trong nước có thể tích cực trong những phiên đầu năm, tuy nhiên để đi xa hơn cần tìm động lực mới, bởi hiện tại cũng không có động lực gì quá cụ thể.

Tích cực

Tiêu cực

- Dòng tiền dồi dào từ nhà đầu mới gia nhập thị trường và margin.

- Tính mùa vụ (seasonal) của thị trường khi qua thềm năm mới.

- Tâm lý phản ứng thái quá (theo cả chiều lên và xuống) của nhà đầu tư cá nhân.

- Ẩn số từ yếu tố liên thị trường trong bối cảnh lạm phát toàn cầu. Thị trường thế giới diễn biến xấu.

Có nhận định cho rằng, thị trường đã có sự đổi trụ thành công với sự dẫn dắt của nhóm cổ phiếu ngân hàng, dòng tiền chuyển dịch từ nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ sang nhóm cổ phiếu bluechips, tạo động lực cho chỉ số VN-Index sớm test lại mức đỉnh cũ 1.530 điểm. Quan điểm của ông bà?

Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Phát triển năng lực đầu tư, Công ty Chứng khoán VPS

Tôi vẫn nghĩ TTCK đang ở pha điều chỉnh và việc quay lại đỉnh cũ chỉ là vấn đề thời gian. Năm nay, việc dự báo VN-Index có thể lên vùng 1.600 - 1.700 điểm thì giai đoạn tốt nhất của TTCK có lẽ là giai đoạn tháng 2 đến tháng 4, khi mà các chỉ số chứng khoán vẫn còn có dư địa tăng điểm.

Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS)

Nhóm cổ phiếu trụ đã có thời gian tích lũy khá lâu, đặc biệt nhóm cổ phiếu Vingroup, thép và cả cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán cũng đã có thời gian điều chỉnh từ 10 - 20%. Mốc 1.530 hiện tại vẫn là đỉnh kháng cự mang tính tâm lý khá lớn, dù rằng ngưỡng này có thể dễ dàng chinh phục chỉ cần sau vài phiên tăng tốc của nhóm bluechip.

Sau giai đoạn tăng nóng, dòng tiền thị trường đã hạ nhiệt trở lại và vẫn còn khá nhiều nhà đầu tư kẹt hàng ở vùng đỉnh. Có thể cần thêm khoảng thời gian để nhóm tài khoản này cơ cấu danh mục và tham gia xoay vòng lướt sóng trở lại.

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam

Tôi cho rằng, điều này có thể xảy ra khi đây là thời điểm công bố kết quả kinh doanh quý IV/2021 và kế hoạch kinh doanh năm 2022, cho nên dòng tiền sẽ thường tìm đến các bluechips.

Đồng thời, định giá của nhóm cổ phiếu buechips đang ở mức hấp dẫn, nên yếu tố định giá cũng được xem là động lực thúc đẩy dòng tiền quay trở lại nhóm cổ phiếu bluechips, trong đó có nhóm cổ phiếu ngân hàng. Do đó, tôi kỳ vọng chỉ số VN-Index có thể sẽ kiểm định lại đỉnh cũ 1.530 điểm và xác lập đỉnh kỷ lục mới trong ngắn và trung hạn.

Ông Bùi Văn Huy, Giám đốc môi giới Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC)

Xu hướng của thị trường trong những ngày giáp Tết nhìn chung là giằng co, chưa rõ xu hướng. Thị trường tạm cân bằng sau những phiên giảm sâu và hiện tại xu hướng là đi ngang.

Góc nhìn chuyên gia tuần mới: Những nhóm cổ phiếu có nhiều cơ hội trong năm 2022
Ông Bùi Văn Huy

Về bản chất, đợt điều chỉnh trước Tết là nhịp chốt lời các cổ phiếu vừa và nhỏ đã tăng nóng. Cổ phiếu trụ gần như không tăng được mấy trong quý IV, do đó cũng không có cớ gì bị bán tháo nhiều, gây cảm giác khỏe hơn các cổ phiếu vừa và nhỏ đợt vừa qua. Tuy nhiên, để nói là đã luân chuyển hoàn toàn thì không chắc vì lực mua không phải quá quyết liệt.

Với 2 nhịp sóng lớn trong năm 2021, bắt đầu từ nhóm ngành ngân hàng và thép, rồi tới dầu khí, cảng biển và sóng mạnh nhất phải kể đến bất động sản, đẩy giá chứng khoán lên một mặt bằng mới. Nhìn nhận về năm 2022, đâu là nhóm có nhiều cơ hội, theo các ông/bà?

Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Phát triển năng lực đầu tư, Công ty Chứng khoán VPS

Tôi cho rằng, có thể đó là nhóm xây dựng và vật liệu, hàng tiêu dùng, bất động sản khu công nghiệp, nhóm điện nước xăng dầu và khí đốt...

Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS)

Với năm 2022 thị trường sẽ có khó có sự bứt phá như năm vừa qua khi nhiều cổ phiếu hiện nay vẫn ở vùng định giá khá cao so với giá trị thật. Sự phân hóa của thị trường vì vậy sẽ càng sâu rộng hơn và những cổ phiếu đang ở vùng giá thấp sẽ có nhiều cơ hội hơn trong năm nay.

Nhóm ngành đáng quan tâm nhất năm nay vẫn tập trung vào các nhóm chính ngân hàng, chứng khoán và bất động sản khu công nghiệp. Một số nhóm ngành khác đang hồi phục sau đại dịch cũng lưu ý sẽ có những con sóng đầu tư như dệt may, thủy sản, bán lẻ. Ngay cả ngành thép sau giai đoạn điều chỉnh mạnh thì nhiều cổ phiếu đang có mức định giá hấp dẫn trở lại và có thể đưa vào danh mục chờ đầu tư trong năm nay.

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam

Góc nhìn chuyên gia tuần mới: Những nhóm cổ phiếu có nhiều cơ hội trong năm 2022
Ông Nguyễn Thế Minh

Tôi cho rằng, sẽ có ba nhóm là tâm điểm của thị trường trong năm 2022 là ngân hàng, bất động sản và hàng tiêu dùng. Trong đó, nhóm ngân hàng được kỳ vọng sẽ quay trở lại dẫn dắt xu hướng của thị trường trong giai đoạn tới.

Ông Bùi Văn Huy, Giám đốc môi giới Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC)

Năm 2022 sẽ là năm nhiều biến động, đặc biệt là thời điểm nền kinh tế toàn cầu bước qua một pha mới sau quá trình hồi phục hậu Covid. Việt Nam cũng không nằm ngoài sự dịch chuyển đó, nhưng có thể trễ hơn một chút do sự lệch pha, chúng ta bị Covid sau.

Năm 2022, cần chú ý tránh các cổ phiếu chu kỳ đã đạt đỉnh, ví dụ cụ thể là nhóm cổ phiếu thép quý IV/2021, một khi cổ phiếu chu kỳ tạo đỉnh, mức độ suy giảm là rất lớn.

Về nhóm ngân hàng, cá nhân tôi nghĩ có sự phân hóa. Có thể chú ý các ngân hàng có câu chuyện riêng, rủi ro thấp với nợ xấu và kết quả kinh doanh đã tạo đáy trong giai đoạn 2020-2021.

Góc nhìn chuyên gia tuần mới: Những nhóm cổ phiếu có nhiều cơ hội trong năm 2022
VNFinlead (chú yếu các cổ phiếu ngân hàng) chưa qua đỉnh.

Về nhóm bất động sản, cá nhân tôi nghĩ vẫn có sóng và là động lực quan trọng với thị trường, vì là nhóm hưởng lợi chính từ gói kích thích kinh tế, bên cạnh xây dựng, hạ tầng, vật liệu xây dựng… Tuy nhiên, cần chú ý mức định giá của nhiều cổ phiếu bất động sản.

Ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư CTCK Agriseco

Tôi cho rằng sẽ có ba chủ đề đầu tư lớn với nhiều triển vọng trong năm 2022, đầu tiên là việc đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Theo quan sát, trong gói hỗ trợ phục hồi kinh tế giá trị gần 350.000 tỷ đồng mới được thông qua thì có tới gần 114.000 tỷ đồng (tương đương 35%) sẽ được sử dụng vào hoạt động phát triển cơ sở hạ tầng.

Góc nhìn chuyên gia tuần mới: Những nhóm cổ phiếu có nhiều cơ hội trong năm 2022
Ông Nguyễn Anh Khoa

Tôi đánh giá 2 nhóm chính được hưởng lợi từ xu thế này là bất động sản (hưởng lợi từ việc giá đất tăng cao khi hạ tầng phát triển) và xây dựng (hưởng lợi kép từ việc giá nguyên vật đang vào xu hướng điều chỉnh cũng như các chính sách đẩy nhanh quá trình đô thị hoá).

Chủ đề đầu tư đáng quan tâm tiếp theo trong năm 2022 liên quan đến triển vọng hồi phục sau đại dịch Covid. Ảnh hưởng của dịch bệnh trong 2 năm vừa qua đã gây ra rất nhiều khó khăn khi làm đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, Chính phủ phải liên tục triển khai các đợt giãn cách xã hội và khiến hoạt động giải ngân vốn FDI đạt mức thấp. Do đó, tôi kỳ vọng khi dịch bệnh được kiểm soát vào năm 2022 thì thị trường sẽ chứng kiến sự hồi phục mạnh mẽ từ các doanh nghiệp. Các nhóm ngành chính mà tôi lựa chọn trong chủ đề này bao gồm: khu công nghiệp (Việt Nam có lợi thế thu hút FDI do giá thuê đất và chi phí nhân công hấp dẫn so với khu vực), dệt may - thuỷ sản (hưởng lợi từ việc nối lại chuỗi cung ứng toàn cầu và các hiệp định thương mại tự do) và cảng biển.

Ngân hàng là nhóm ngành có nhiều triển vọng cuối cùng trong năm 2022 mà tôi muốn đề cập. Ngành ngân hàng đã cho thấy sự hồi phục tăng trưởng tín dụng vào quý IV/2021 kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng tích cực trong năm 2022 (dự báo trung bình từ 14 - 15%). Bất chấp việc nợ cần chú ý (Nợ nhóm 2) của các ngân hàng đã tăng lên trong quý III/2021 và có thể gây áp lực tăng nợ xấu trong tương lai, tôi đánh giá điều này cơ bản vẫn nằm trong tầm kiểm soát khi mặt bằng giá bất động sản (tài sản đảm bảo chính của các ngân hàng) đang đạt đỉnh cao mới và sẽ là những điều kiện thuận lợi để các ngân hàng xử lý nợ trong trường hợp xấu.

Dường như nhà đầu tư đang có xu hướng chú ý vào các cổ phiếu có mức định giá thấp, cùng với đó là yếu tố tăng trưởng cơ bản cao, để đón đầu xu hướng tăng mới của thị trường, chiến lược này có phù hợp ở giai đoạn này, theo các ông/bà?

Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Phát triển năng lực đầu tư, Công ty Chứng khoán VPS

Tôi nghĩ là hoàn toàn hợp lý - duy chỉ có điều việc đánh giá kỹ lưỡng từng cơ hội và áp dụng chiến lược đầu tư hay đầu cơ thế nào với từng cơ hội đó mới là quan trọng. Tất nhiên, các cổ phiếu nếu là các doanh nghiệp cơ bản, bị định giá thấp so với tiềm năng tăng trưởng hay so với giá trị thực nội tại là cổ phiếu được ưu tiên mua và nắm giữ.

Góc nhìn chuyên gia tuần mới: Những nhóm cổ phiếu có nhiều cơ hội trong năm 2022
Ông Lê Đức Khánh

Cung cầu cổ phiếu cũng đưa ra thông tin là có nên giao dịch ngắn hay đầu tư với tầm nhìn dài cổ phiếu đó nữa hay không.

Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS)

Sau cú sốc cổ phiếu đầu cơ bất động sản và xây dựng vừa qua thì nhà đầu tư sẽ trở nên thận trọng hơn và dĩ nhiên sẽ lưu ý đến yếu tố đầu tư cơ bản nhiều hơn trước. Tuy nhiên, hoạt động chứng khoán luôn có tính hai mặt và không thể vắng bóng những con sóng đầu cơ. Chỉ cần một vài cổ phiếu tạo sóng liên tục 2, 3 phiên sẽ lập tức thu hút dòng tiền đổ vào bất chấp yếu tố doanh nghiệp và nhà đầu tư sau khi có lợi nhuận trở lại sẽ nhanh chóng quên đi bài học đã qua.

Dù vậy, với các nhà đầu tư mới tiếp cận thị trường thì cơn sóng cổ phiếu vừa qua cũng là một bài học quý giá giúp nhà đầu tư có kinh nghiệm hơn trong việc phân bổ đầu tư khoa học và lựa chọn cổ phiếu hợp lý hơn.

Việc tham gia đầu cơ vào cổ phiếu nóng luôn tồn tại tuy nhiên cần xác định mục tiêu khi vào ra và có phương án dự phòng nếu diễn biến thị trường không thuận lợi là những yếu tố cần hoạch định trước.

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam

Tôi cho rằng lạm phát và lãi suất có thể sẽ tăng trong năm 2022, nên dòng tiền sẽ có khuynh hướng tìm đến các cổ phiếu có mức định giá thấp, cùng với đó là đi kèm tăng trưởng cơ bản vì yếu tố tăng trưởng vẫn chính là yếu tố chính để thu hút dòng tiền.

Ông Bùi Văn Huy, Giám đốc môi giới Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC)

Như đã đề cập, năm 2022 nhiều cơ hội nhưng rất biến động. Do đó, cần chọn lọc và quản trị rủi ro thật kỹ. Một trong những yếu tố để giúp việc đầu tư an toàn hơn là phải chú trọng nhiều hơn đến các yếu tố cơ bản.

Một lần nữa, cá nhân tôi nghĩ cẩn trọng với các cổ phiếu chu kỳ, đặc biệt có liên quan đến giá hàng hóa. Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ đang tăng nhanh có thể gây nguy hiểm cho thị trường hàng hóa bất cứ lúc nào.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Mã chứng khoán liên quan bài viết
1,228.10 -0.23 (-0.02%)
1,047.71 +0.72 (+0.07%)
PTKT
prev
next

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả