Góc nhìn chuyên gia chứng khoán tuần mới: Cổ phiếu thép đã tạo đáy?
Nhóm cổ phiếu thép đã tăng mạnh trở lại trong phiên cuối tuần, đi ngược xu hướng thị trường. Liệu nhóm cổ phiếu này đã tạo đáy sau nhịp giảm hơn 20% từ tháng 10? Cùng Đầu tư Chứng khoán tìm câu trả lời từ các chuyên gia chứng khoán.
Tuần qua, VN-Index lần đầu tiên vượt ngưỡng 1.500 điểm, nhưng chịu áp lực bán mạnh ở phiên cuối tuần sau thông tin về biến chủng virus Covid mới. Đặc biệt, dù VN-Index chỉ giảm 7,78 điểm, nhưng số mã giảm gấp 2 lần số mã tăng. Đâu là góc nhìn của ông/bà về xu hướng giao dịch tuần tới?
Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Phát triển năng lực đầu tư, Công ty Chứng khoán VPS
Nhóm cổ phiếu chứng khoán, nhóm cổ phiếu ngân hàng tạm thời giữ nhịp và cũng chưa thấy có tín hiệu đáng báo động từ nhóm cổ phiếu quan trọng này.
Ngưỡng cản quan trọng của VN-Index vẫn ở quanh mốc 1.500 - 1.520 điểm và dư địa cho điều chỉnh và tích lũy, kể cả hồi phục trở lại vẫn còn. Nhà đầu tư cũng không nên quá lo lắng về chủng Covid mới Omicron mà bán tháo cổ phiếu. Tuy nhiên, áp lực điều chỉnh của TTCK trong các phiên đầu tuần lớn là cao, nhưng đà giảm sẽ không nhiều khi thị trường sẽ có lực cầu bắt đáy gia tăng.
Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư, Công ty Chứng khoán Maybank KimEng Việt Nam
Không chỉ chứng khoán Việt Nam mà chứng khoán Mỹ, châu Á đều giảm rất mạnh, ngoại trừ vàng và USD-Index tăng, còn dầu, hàng hóa khác, ngoại hối và cả thị trường tiền số đều lao dốc. Nhiều khả năng, tâm lý thị trường sẽ bị ảnh hưởng vào đầu tuần nhưng sẽ tích cực dần lên khi dòng tiền vẫn còn mạnh, đặc biệt từ các nhà đầu tư cá nhân, bên cạnh đó hỗ trợ thị trường được giữ vững nhiều tuần nay sẽ là bệ đỡ cho thị trường.
Ông Ngô Quốc Hưng, Chuyên viên nghiên cứu cao cấp, Bộ phận Chiến lược thị trường, CTCK MBS
Tuần tới tôi cho rằng, thị trường vẫn còn áp lực điều chỉnh ở 1 đến 1,5 phiên đầu tuần. Tuy vậy, sẽ không có sự hoảng hốt của nhà đầu khi thị trường đang ghi nhận những bước tiến gần đây về vaccine, các loại thuốc đặc trị Covid và các phương pháp khác để chống lại căn bệnh này.
Trước đó, nhà đầu tư cũng đã trải qua hết làn sóng này đến làn sóng khác của Covid và các biến chủng khác nhau của virus, kết quả là thị trường luôn tạo các đỉnh cao hơn. Một phần là do dòng tiền có sự xoay vòng giữa các nhóm cổ phiếu, một phần là do sau mỗi làn sóng Covid, chúng ta lại học thêm được cách sống chung và ứng phó với virus. Do vậy, tôi không cho rằng Covid sẽ là một chủ đề khiến thị trường phải lo lắng quá lâu.
Sau khi bị chốt lời, dòng tiền lại trở lại với nhóm cổ phiếu penny và midcap. Các ông/bà đánh giá thế nào về tỷ lệ rủi ro và lợi nhuận khi đầu tư vào nhóm cổ phiếu này hiện nay?
Ngay kể cả nhóm mid cap và penny có tín hiệu tăng điểm rất tốt giai đoạn vừa qua và đôi lúc nhiều cổ phiếu cũng đã xuất hiện điều chỉnh ngắn hạn. Các cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ cũng có thể đang ở pha điều chỉnh tiếp diễn, chưa kể có nhóm vẫn tăng không ngừng nghỉ bất chấp thị trường diễn biến như thế nào.
Có lẽ vẫn có cổ phiếu vừa và nhỏ tăng điểm tiếp và có những cổ phiếu điều chỉnh tích lũy, quan trọng hơn cả là cổ phiếu gì mà thôi. Riêng với nhóm cổ phiếu này, nhà đầu tư hoặc phải am hiểu rõ doanh nghiệp và chọn điểm mua giá hời hấp dẫn, bởi nếu thị trường, thị giá cổ phiếu có thể điều chỉnh nhưng cổ phiếu phải được đánh giá thấp hơn so với triển vọng thì rủi ro với các nhà đầu tư là thấp hơn nhiều.
Rủi ro khi đầu tư nhóm cổ phiếu này, đặc biệt là nhóm cổ phiếu cơ bản yếu kém thì sau khi sóng tăng điểm trôi qua, cổ phiếu yếu kém sẽ điều chỉnh sâu và rủi ro đối với các nhà đầu tư là không thể lường hết được.
Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư, Công ty Chứng khoán Maybank KimEng Việt Nam
Cả rủi ro và lợi nhuận của nhóm này đều rất cao, đáng để thử với số lượng nhỏ có thể mất vốn, nhóm này được xem là hàng xổ số. Nhóm này chỉ phù hợp với nhà đầu tư tâm lý vững, chịu được rủi ro tốt và có kinh nghiệm lướt sóng cũng như không tất tay vào cổ phiếu dạng này nhờ kiểm soát được bản thân.
Ông Ngô Quốc Hưng, Chuyên viên nghiên cứu cao cấp, Bộ phận Chiến lược thị trường, CTCK MBS
Tuần vừa qua thị trường tiếp tục chứng kiến sự dịch chuyển của dòng tiền giữa các nhóm cổ phiếu khác nhau. Vào đầu tuần, nhà đầu tư rút vốn khỏi cổ phiếu vừa và nhỏ cùng các các phiếu đầu cơ để đổ tiền vào cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán, bất động sản. Phiên cuối tuần thị trường giảm mạnh, nhà đầu tư lại chứng kiến sự chảy ngược lại của các dòng vốn. Tuy vậy về tổng thể, dòng tiền đã có sự suy yếu ở nhóm Midcap và Smallcap.
Chuỗi tăng 7 tuần liên tiếp của nhóm Smallcap đã bị chắn ngang trong tuần vừa qua với mức giảm 0,57%, bên cạnh đó thanh khoản nhóm này cũng giảm mạnh gần 30% và thanh khoản nhóm Midcap giảm 15%. Vì vậy tôi cho rằng, dòng tiền sẽ tiếp tục dịch chuyển dần dần sang nhóm bluechips, đặc biệt là nhóm cổ phiếu ngân hàng khi các tín hiệu cho thấy dòng tiền yếu đi ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ.
Nhóm ngân hàng vẫn nhận được sự quan tâm của giới đầu tư và cũng là nhóm cổ phiếu kéo VN-Index lập đỉnh lịch sử. Tưởng rằng nhóm cổ phiếu này trở lại dẫn dắt thị trường, thì rất nhanh chóng đã hạ nhiệt ngay phiên sau giống như thời gian qua. Quan điểm của các ông/bà thế nào về nhóm cổ phiếu ngân hàng ở giai đoạn hiện nay?
Tôi không nghĩ nhóm ngân hàng sẽ quay lại giống như giai đoạn cách đây 4 tháng. Nhóm cổ phiếu Bank hiện tại chỉ đóng vai trò giữ nhịp cho thị trường để cùng đồng thuận tăng điểm, giúp thị trường tăng điểm vượt đỉnh như các phiên giữ tuần trước.
Vẫn có những cổ phiếu ngoại lệ như MSB, TPB, HDB nhưng không phải lúc nào chúng ta cũng có thể đầu tư lớn được nhóm cổ phiếu này, cũng như nắm giữ lâu dài và hiệu quả. Nhóm cổ phiếu ngân hàng có lẽ chỉ đóng vai nhóm điều tiết thị trường hơn là nên đầu tư.
Do vậy, nhà đầu tư nếu thích thì chỉ phân bổ 1 tỷ trọng vào 1 cổ phiếu bank nào triển vọng nhất, hơn là giải ngân mạnh hay cầm nhiều cổ phiếu ngân hàng.
Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư, Công ty Chứng khoán Maybank KimEng Việt Nam
Nhóm cổ phiếu ngân hàng ít nhất đến hết năm và có thể cả sang đầu năm sẽ khó lập lại được kỷ lục trước kia khi nhóm này đã tăng một thời gian quá dài, nhiều năm khiến tỷ suất sinh lời trở nên thấp hơn trong khi rủi ro tăng lên.
Nhiều cổ phiếu ngân hàng đã lập đỉnh cách đây 6 tháng, nên việc một vài cổ phiếu tăng lại một vài phiên không có nghĩa là áp lực lên nhóm cổ phiếu này đã kết thúc. Ngoài ra, chính vì còn nhiều nhóm khác chưa tăng hoặc chỉ mới tăng thời gian ngắn hơn nhóm ngân hàng đã hút bớt dòng tiền từ nhóm này.
Bên cạnh đó, những thông tin cơ bản về nhóm ngân hàng không thật sự nổi bật, những thông tin tích cực đều đã được phản ánh vào giá và được "xào đi xào lại" thời gian qua không có tin mới đột phá nên cũng khó hút dòng tiền quay lại.
Ông Ngô Quốc Hưng, Chuyên viên nghiên cứu cao cấp, Bộ phận Chiến lược thị trường, CTCK MBS
Nhóm cổ phiếu ngân hàng chính là điểm nhấn trong tuần vừa qua khi kéo lần lượt các chỉ số lên đỉnh cao lịch sử mới. VN-Index đã không điều chỉnh mà trái lại, có một tuần mạnh bất ngờ và ngược dòng phần lớn các thị trường trên thế giới.
Nhóm cổ phiếu này tuần vừa qua có mức tăng bình quân 6,25% nhờ một số cổ phiếu nổi bật như: VIB (+15,38%), STB (+10,57%), TPB (+9,2%), VPB (+8,3%)… Đáng chú ý là mức tập trung vốn đã quay lại nhóm này với tỷ trọng 31,4% trong tuần vừa qua, tương đương với cơ cấu kể từ đầu năm. Biên độ tăng lớn, thanh khoản rất cao gợi nhớ lại thời kỳ đỉnh cao của nhóm này cách đây 4 tháng. Yếu tố thúc đẩy làn sóng ngân hàng trở lại có lẽ được xuất phát từ thông tin về hạn mức tăng trưởng tín dụng hoặc câu chuyện tăng vốn.
Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng chưa vượt đỉnh, trong khi các nhóm khác như chứng khoán, bất động sản hay nhóm midcap, smallcap… đều đã có đỉnh cao mới. Do vậy, nhìn chung nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn còn nhiều dư địa để tăng trưởng ở thời điểm hiện tại cũng như giai đoạn từ nay đến cuối năm.
Cũng liên quan đến chuyển động dòng tiền, nhóm cổ phiếu thép đã bắt đầu tăng mạnh trở lại trong phiên cuối tuần, đi ngược xu hướng thị trường. Liệu đây có phải là tín hiệu về việc xu hướng giảm của nhóm cổ phiếu thép đã chấm dứt?
Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Phát triển năng lực đầu tư, CTCK VPS
Nhóm thép đã trải qua giai đoạn điều chỉnh và tích lũy tạo đáy. Nhóm cổ phiếu thép cho dù có kết quả kinh doanh quý III và triển vọng quý IV tốt, nhưng phần nào thông tin cơ bản đã phản ánh vào giá, dư địa cho nhóm cổ phiếu này không còn nhiều.
Có lẽ nhóm cổ phiếu thép cần thêm 1 nhịp điều chỉnh nhỏ nữa trước khi tạo đáy thật sự. Nếu có 1 lời khuyên đối với các nhà đầu tư hiện tại đó là cũng chưa nên vội mua, bắt đáy sớm. Đợi nhóm cổ phiếu thép tạo đáy rõ nét hơn.
Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư, Công ty Chứng khoán Maybank KimEng Việt Nam
Nhóm này vốn đã giảm quá nhiều nên việc tăng lại một vài phiên là điều bình thường, chỉ mang tính điều chỉnh chứ chưa thể thay đổi xu hướng tiêu cực của nhóm này nhanh như vậy. Do nhóm này là nhóm bứt phá, dẫn dắt và cũng có mức tăng hàng đầu thị trường suốt 2 năm qua, nên dòng tiền cũng có xu hướng tìm kiếm những nhóm tiềm năng hơn.
Ông Ngô Quốc Hưng, Chuyên viên nghiên cứu cao cấp, Bộ phận Chiến lược thị trường, CTCK MBS
Tôi cho rằng, sau thời gian giảm kể từ giữa tháng 10 cho tới nay với mức giảm bình quân khoảng
20%, nhóm cổ phiếu thép đang trong quá trình tạo đáy hoặc đã tìm được điểm cân bằng. Tuy nhiên, tín hiệu về việc xu hướng giảm của nhóm cổ phiếu này đã chấm dứt hay chưa vẫn chưa được xác nhận khi thanh khoản ở các phiên phục hồi trong tuần vừa qua vẫn ở mức thấp hơn so với bình quân 10 phiên trước đó.
Do vậy, cần quan sát thêm diễn biến của nhóm cổ phiếu này trong thời gian tới, để xem liệu nhóm này vẫn đang trong quá trình tạo đáy hay đây chỉ là nhịp nghỉ trước khi có xu hướng rõ ràng hơn.
Ở mỗi giai đoạn chỉ số VN-Index lập đỉnh thường ít nhiều có những rung lắc sau đó. Vậy đâu là chiến lược phù hợp, theo các ông/bà?
Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Phát triển năng lực đầu tư, CTCK VPS
Tôi vẫn ưa thích phong cách đầu tư với tầm nhìn dài ở một vài cổ phiếu được lựa chọn kỹ bên cạnh vẫn muốn tư vấn khách hàng ưa thích giao dịch ngắn hạn là linh hoạt điều chỉnh tỷ trọng các cổ phiếu trong danh mục. Mua và lựa chọn cổ phiếu cũng đã khó, nhưng để kiên trì nắm giữ cổ phiếu triển vọng với thời gian đủ lâu cũng không hề là nhiệm vụ dễ dàng.
Trước mắt, tuần tiếp theo với áp lực điều chỉnh mạnh ở các phiên đầu tuần trước khi thị trường có thể hồi phục trở lại thì các nhà đầu tư, theo những cảnh báo diễn biến điều chỉnh của thị trường ở 1 đến 1,5 phiên tuần hiện nay là hãy thận trọng kiểm soát tốt tâm lý và hạ tỷ trọng cổ phiếu. Nếu cần, chỉ vài cổ phiếu triển vọng nhất trong khi hạn chế việc giao dịch ngắn hạn, mua bắt đáy sớm. TTCK không phải trong giai đoạn lo sợ quá, nhưng cũng không vì thế mà không có những cẩn trọng trong việc giải ngân mới, giao dịch dàn trải. Hạn chế giao dịch ở các cổ phiếu vừa và nhỏ - căn giảm bán những cổ phiếu tăng nhiều, nhanh ở tuần qua.
Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư, Công ty Chứng khoán Maybank KimEng Việt Nam
Dòng tiền liên tục chạy qua lại giữa các nhóm ngành, do đó cần quan sát kỹ xu hướng dịch chuyển của dòng tiền và mức hỗ trợ quan trọng của VN-Index hiện nay là mốc 1.450. Ngoài ra, thanh khoản cũng cần tăng lại khi khối lượng giao dịch đang có xu hướng giảm dần đều những ngày gần đây. Nếu những điều này đều không bị vi phạm thì việc giải ngân sẽ an toàn hơn, hứa hẹn xu hướng tích cực. Ngược lại, cần lưu ý để giảm bớt tỷ trọng đặc biệt không tất tay “all in”, margin tẹt ga vào lúc này.
Ông Ngô Quốc Hưng, Chuyên viên nghiên cứu cao cấp, Bộ phận Chiến lược thị trường, CTCK MBS
Tôi cho rằng, những phiên rung lắc hoặc các nhịp điều chỉnh là cơ hội để tích lũy cổ phiếu với chiến lược mua gom cổ phiếu bluechips, đặc biệt là nhóm cổ phiếu ngân hàng với các mã có thanh khoản đột biến và đang có lực tăng tốt như VCB, VPB, STB… song song với đó sẽ là quá trình chốt lời dần và dịch chuyển dòng tiền ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận