Góc nhìn chuyên gia chứng khoán: Tìm cơ hội ở các cổ phiếu “bị lãng quên”
Giai đoạn này ưu tiên đánh giá để tìm ra các cổ phiếu đi ngược dòng, ngược xu hướng hoặc có thể là các cổ phiếu "bị quên lãng" để tìm kiếm các cơ hội đang ít dần đi trên TTCK.
Sự khởi sắc của nhóm cổ phiếu bluechip nói chung và dòng bank nói riêng, đã giúp chỉ số VN-Index “lừ lừ” tiến qua mốc 1.420 điểm, đâu là ngưỡng kháng cự của thị trường trong tuần tới, theo các ông/bà?
Ông Phan Dũng Khánh - Giám đốc Tư vấn đầu tư CTCK Maybank Kim Eng (MBKE)
Hiện Index đang ở vùng kháng cự này 1.420-1.430, tuần tới Index sẽ kiểm tra vùng này.
Ông Lê Đức Khánh - Giám đốc phát triển năng lực đầu tư, Công ty chứng khoán VPS
Dưới quan điểm phân tích kỹ thuật, mốc 1.425 - 1.430 điểm là vùng kháng cự mạnh của thị trường. Phiên giao dịch ngày thứ Sáu, VN-Index đã có lúc tăng chạm vùng kháng cự nói trên và điều chỉnh về cuối phiên.
Nhiều khả năng thị trường có thể bước vào đoạn điều chỉnh vài phiên tại mốc kháng cự tâm lý này. Thị trường cũng đã tăng gần như liên tục 2 - 3 tháng trở lại đây.
Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS)
Thị trường sau khi vượt mốc 1.400 đã có phần giao dịch chậm lại một chút và có sự phân hóa mạnh qua từng phiên. Đặc điểm trong những phiên vừa qua là dòng tiền không quá mạnh nhưng chỉ số vẫn duy trì động lực tốt nhờ những cổ phiếu trụ lớn thay phiên kéo chỉ số. Cho đến cuối tuần qua, dòng tiền đã dồi dào nhiều hơn cho một tín hiệu rất tích cực trong tuần giao dịch mới.
Thời điểm tháng 7 giao dịch hàng năm cũng khá sôi động nhờ vào mùa báo cáo bán niên. Thị trường sẽ tiếp tục duy trì sự tích cực trong tuần mới và có thể hướng đến mục tiêu xa hơn 1.450 trong ngắn hạn.
Không nằm ngoài dự báo, việc các công ty chứng khoán bung margin sau khi chốt NAV đã giúp thị trường giao dịch sôi động hơn. Thêm nữa, hệ thống giao dịch HOSE chính thức đi vào vận hành từ ngày 5/7/2021. Điều này có tạo thêm động lực kích thích thị trường giao dịch khởi sắc?
Ông Phan Dũng Khánh - Giám đốc Tư vấn đầu tư CTCK Maybank Kim Eng (MBKE)
Khả năng sẽ không thay đổi quá nhiều, về mặt giá trị có thể cải thiện phần nào nhưng khối lượng đã giảm mạnh liên tục trong 1 tháng qua nên sẽ khó vì điều này mà tăng trở lại.
Thị trường có tích cực sẽ do các yếu tố khác như vĩ mô, doanh nghiệp chứ yếu tố này theo tôi chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ.
Ông Lê Đức Khánh - Giám đốc Phát triển năng lực đầu tư, Công ty chứng khoán VPS
Ông Lê Đức Khánh
VN-Index đang có nhiều cơ hội để vận động đi lên trong giai đoạn tới nhưng chúng ta đừng quên rằng cho dù xu hướng trung hạn của thị trường nhưng các chỉ số chứng khoán Việt Nam có thể điều chỉnh ngắn hạn. Dù thế nào đi nữa thì năm nay, dòng tiền chảy vào TTCK quá ấn tượng.
Hệ thống giao dịch HOSE mới vận hành từ thứ 2 tuần tới đương nhiên là yếu tố giúp thị trường giao dịch ổn định và khởi sắc hơn. Nhưng nhà đầu tư cũng nên chú ý cẩn trọng hơn với diễn biến "rung lắc" của thị trường bắt đầu tư giai đoạn này trở đi.
Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS)
Thông tin hệ thống mới đưa vào giao dịch trong tuần đầu tháng 7 rõ ràng giúp nhà đầu tư hưng phấn hơn rất nhiều sau thời gian dài chịu đựng tình trạng nghẽn lệnh trên thị trường.
Việc giao dịch thông suốt giúp gia tăng giá trị giao dịch trên sàn lên rất nhanh và điều này rõ ràng kích thích dòng tiền đầu tư mạnh mẽ hơn và nhà đầu tư cũng mạnh dạn gia tăng margin trên thị trường mà không còn phải e ngại như trước.
Ngoài ra, từ tháng 7 là mùa báo cáo hoạt động quý 2 vì vậy rất thu hút dòng tiền mới nhà đầu tư đón đầu kết quả kinh doanh các doanh nghiệp. Trong quý II vừa qua, giá trị giao dịch chung trên sàn HOSE đã đạt trung bình 20 ngàn tỷ, tăng đến 40% so với quý I và khả năng nếu hệ thống giao dịch mới thông suốt, giá trị giao dịch trung bình có thể tăng hơn 20% trong quý III này.
Dòng tiền là yếu tố quan trọng giữ “lửa” cho thị trường. Mức tập trung vốn vẫn ở nhóm ngân hàng, nhóm này đóng tỷ trọng lớn điểm số tăng cũng như nằm trong top thanh khoản lớn nhất trong tuần qua. Nhóm cổ phiếu ngân hàng còn dư địa tăng hay có thể điều chỉnh bởi áp lực chốt lãi cũng là băn khoăn của nhiều nhà đầu tư lúc này. Quan điểm của các ông?
Ông Phan Dũng Khánh - Giám đốc Tư vấn đầu tư CTCK Maybank Kim Eng (MBKE)
Nhóm tài chính nói chung (Ngân hàng - Chứng khoán) vẫn đang dẫn dắt, khả năng trong ngắn hạn vẫn duy trì được nhưng tốc độ của nhóm này đã rất mạnh và đi xa trong một khoảng thời gian dài, ngay cả khi lợi nhuận của ngân hàng và chứng khoán vẫn rất tuyệt vời thì giá vẫn vượt trội hơn nhiều trong bối cảnh các ngành nghề kinh tế khác đều đi xuống. Do đó trong trung hạn nhóm này sẽ dần nhường chỗ cho những nhóm khác tiềm năng hơn, khả năng sinh lợi tốt hơn.
Ông Lê Đức Khánh - Giám đốc Phát triển năng lực đầu tư, Công ty chứng khoán VPS
Nhóm cổ phiếu ngân hàng chắc chắn sẽ không thể lặp lại chuỗi phiên tăng điểm giống như giai đoạn trước. Quan sát diễn biến tăng giá thì nhiều cổ phiếu sau khi kết thúc đợt tăng giá lớn đã bước vào giai đoạn điều chỉnh lớn và "xu hướng điều chỉnh trung gian" vẫn đang diễn ra. Có lẽ một vài cổ phiếu ngân hàng riêng lẻ có thể vận động lệch xu hướng so với cả nhóm.
Tiềm năng, triển vọng doanh thu/lợi nhuận, dư địa tăng giá của nhóm ngân hàng khác nhau. Áp lực chốt lãi ở môt số cổ phiếu vẫn sẽ diễn ra nhưng còn vài cổ phiếu sẽ có tích lũy tích cực và giữ giá tốt hơn.
Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS)
Ông Nguyễn Hồng Khanh
Nhóm cổ phiếu ngân hàng đang trong mùa tăng vốn trong năm nay, vì vậy tạo nên cuộc đua chia cổ tức bằng cổ phiếu khá dồn dập trong thời gian tới. Cuộc đua tăng vốn khiến tạo nên bức tranh cạnh tranh giữa các ngân hàng rất hấp dẫn mà nhà đầu tư kỳ vọng sau giai đoạn tăng vốn các ngân hàng nâng cao thêm năng lực và mở rộng hệ thống kinh doanh hiệu quả hơn.
Định giá chung của cổ phiếu ngân hàng hiện trung bình P/Bv trên 2 - rõ ràng là khá cao so với đầu năm nhưng vẫn còn khá nhiều ngân hàng vẫn còn trong vùng giá hấp dẫn. Tôi cho rằng sóng cổ phiếu ngân hàng sẽ còn tiếp diễn từ này đến cuối năm sau khi hoạt động tăng vốn của các ngân hàng hoàn thành.
Tháng 7 cũng là thời điểm các doanh nghiệp niêm yết công bố kết quả kinh doanh quý II/2021, trong đó nhóm ngân hàng, chứng khoán, sắt thép… được dự báo sẽ duy trì được đà tăng trưởng tốt. Tuy nhiên, triển vọng này được cho là đã phản ánh một phần vào giá của cổ phiếu. Theo các ông, biến động cổ phiếu sẽ theo xu hướng ra sao khi các doanh nghiệp chính thức “ra tin”?
Ông Phan Dũng Khánh - Giám đốc Tư vấn đầu tư CTCK Maybank Kim Eng (MBKE)
Giống câu trả lời trên, ảnh hưởng tốt ngắn hạn và đã phản ánh phần nào vào giá.
Ông Lê Đức Khánh - Giám đốc Phát triển năng lực đầu tư, Công ty chứng khoán VPS
Từ ước tính về thời điểm thuận lợi giữa giai đoạn tăng giá và giai đoạn điều chỉnh 2 tuần đầu tháng 7 cũng như thời điểm công bố số liệu kết quả kinh doanh quý II của các doanh nghiệp niêm yết cũng là cơ sở đưa ra các dự báo về những đợi điều chỉnh "lớn" tiềm tàng của thị trường.
Điều có lẽ sẽ khiến nhà đầu tư chú ý hơn đó là khối lượng giao dịch ra vào thị trường cũng như ở những cổ phiếu chủ chốt, nhóm cổ phiếu dẫn sóng - áp lực bán ra đang tăng cao ở nhiều cổ phiếu.
Có lẽ thông tin tích cực phần nào cũng đã phản ánh vào diễn biến tăng giá của nhiều cổ phiếu - dư địa tăng điểm của một số cổ phiếu triển vọng vẫn còn - Có lẽ dòng tiền sẽ vẫn phân hóa giữa các nhóm cổ phiếu của các nhóm ngành nghề và kể cả trạng thái cung cầu ở các cổ phiếu trong cùng 1 nhóm.
Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS)
Trước khi các doanh nghiệp ra tin thì giá cổ phiếu đã vận động trước dựa theo các dự phóng định giá của nhà đầu tư. Người ta thường có câu: “tin ra là bán” thể hiện cho việc khi tin kết quả kinh doanh chính thức công bố thì thường giá cổ phiếu sẽ điều chỉnh dù kết quả lợi nhuận rất tốt. Tuy nhiên, đó chỉ là dao động cổ phiếu trong ngắn hạn theo cung cầu của thị trường.
Với những cổ phiếu tăng trưởng tốt trong năm thì sau các nhịp điều chỉnh thì xu hướng giá vẫn tiếp tục tăng trưởng là điều hiển nhiên vì cơ bản doanh nghiệp vẫn tiếp tục có thể thu lợi nhuận cao trong các quý sắp tới.
Vì vậy nhà đầu tư có thể nhìn doanh nghiệp ở chu kỳ dài hơn từ đó có thể quyết định tham gia cổ phiếu ở vùng giá hợp lý và kiên định nắm giữ thay vì chạy theo các nhịp sóng ngắn hạn trên thị trường.
Rủi ro đối với thị trường lúc này có thể đến từ khả năng điều chỉnh của các thị trường bên ngoài, nhưng cũng là cơ hội để nhà đầu tư mở vị thế mua. Còn đâu là chiến lược của các ông?
Ông Phan Dũng Khánh - Giám đốc Tư vấn đầu tư CTCK Maybank Kim Eng (MBKE)
Ông Phan Dũng Khánh
Tái cơ cấu danh mục, hạn chế margin, chuyển bớt dòng tiền sang các ngành chưa tăng nhiều, có yếu tố tiềm năng thu hút dòng tiền trong tương lai như năng lượng, vận tải, thủy sản sản, khoáng sản, nguyên vật liệu, hàng tiêu dùng..., đặc biệt ở những lúc thị trường tăng giảm bớt những mã tăng nóng thời gian qua và tăng cường mua vào những mã ở nhóm tiềm năng, có yếu tố phòng thủ tốt như trên.
Ông Lê Đức Khánh - Giám đốc Phát triển năng lực đầu tư, Công ty chứng khoán VPS
Có lẽ chiến lược đầu tư giá trị, tầm nhìn dài hơn sẽ được ưu tiên hơn là việc giao dịch ngắn hạn. Tỷ trọng cổ phiếu/tiền mặt vẫn sẽ được các nhà đầu tư ưu tiên chú ý điều chỉnh hơn là việc mua full tiền cả danh mục.
Giai đoạn này ưu tiên đánh giá để tìm ra các cổ phiếu đi ngược dòng, ngược xu hướng hoặc có thể là các cổ phiếu "bị quên lãng" để tìm kiếm các cơ hội đang ít dần đi trên TTCK.
Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS)
Nếu nhìn chung hoạt động doanh nghiệp trong năm nay sẽ có sự phân hóa rất lớn khi có nhiều ngành gặp khó khăn do dịch bệnh nhưng cũng có một số ngành hưởng lợi. Một điểm nghịch lý nhưng hợp lý là khi dịch bệnh kéo dài trong 1 năm qua nhưng thị trường chứng khoán quốc tế lẫn Việt Nam vẫn tăng trưởng tốt và vượt đỉnh.
Dĩ nhiên trong xu hướng tăng chung của thị trường vẫn có những ngành không tăng trưởng và đi ngược xu hướng. Vì vậy điểm cốt lõi vẫn là lựa chọn những nhóm ngành đang hưởng lợi và chọn doanh nghiệp duy trì đà tăng trưởng tốt là hiệu quả nhất.
Nhà đầu tư cũng tính đến giai đoạn sau khi dịch được khống chế thì những ngành và doanh nghiệp nào sẽ hồi phục trở lại.
Về ngắn hạn tôi vẫn có cái nhìn lạc quan về thị trường và dù hiện tại chỉ số VN-Index đã vượt đỉnh nhưng định giá chung của thị trường với PE quanh 20 - vẫn chấp nhận được và không quá đắt để phải e ngại.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận