Gỡ "điểm nghẽn" cho thị trường bất động sản
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện 1164/CĐ-TTg về tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản và phát triển nhà ở, yêu cầu các cơ quan quản lý chủ động, tích cực rà soát khó khăn, vướng mắc trong triển khai các dự án để giải quyết, tháo gỡ...
Nhận diện "điểm nghẽn"
Theo chia sẻ của ông Nguyễn Văn Sinh - Thứ trưởng Bộ Xây dựng tại Diễn đàn “Phát triển bền vững thị trường bất động sản” diễn ra mới đây, thị trường đang bộc lộ một số vấn đề, có dấu hiệu phát triển không ổn định: Nguồn cung nhà ở đang gặp rất nhiều khó khăn; Nhiều dự án đầu tư vướng thủ tục pháp lý chưa triển khai thực hiện hoặc dừng thi công khiến nguồn cung giảm…
Các thống kê cho thấy tính đến hết quý III năm nay, cả nước chỉ có 104 dự án nhà ở đang triển khai, bằng 51% cùng kỳ năm 2021; số lượng dự án nhà ở thương mại hoàn thành chỉ có 63, bằng 50,4% cùng kỳ.
Bên cạnh đó, cơ cấu sản phẩm bất động sản cũng mất cân đối, chưa phù hợp nhu cầu thị trường; số lượng nhà ở thương mại cao cấp nhiều, trong khi dự án nhà ở giá trung bình phù hợp với đại đa số người dân rất ít, nhất là nhà ở xã hội, nhà ở công nhân chưa được đầu tư thỏa đáng.
Lượng giao dịch bất động sản thời gian qua cũng suy giảm rất mạnh, nhất là trong quý IV năm nay. Tuy nhiên, giá nhà vẫn cao, không phù hợp với đại đa số người dân dẫn tới khó tiếp cận với nhà ở.
Với nguồn cung thấp nhưng giao dịch suy giảm, giá nguyên vật liệu neo cao, việc huy động vốn gặp nhiều thách thức… các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản đang phải đối mặt với không ít khó khăn. Kết quả là nhiều doanh nghiệp buộc phải giãn tiến độ, thậm chí dừng thi công dự án, thu hẹp quy mô đầu tư, cắt giảm lao động...
Theo ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), 2022 có thể nói là năm khó khăn toàn diện của ngành bất động sản. Bối cảnh này đang ảnh hưởng rất tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; tác động đến nhiều doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực khác nhau như nguyên vật liệu, trang trí nội ngoại thất...
Theo ông Phạm Tấn Công, khó khăn của thị trường bất động sản gồm cả nguyên nhân khách quan và chủ quan từ phía doanh nghiệp.
Về khách quan, các thị trường vốn, tài chính trên thế giới đều diễn biến xấu đi. Tại Việt Nam, dòng vốn cho bất động sản suy giảm.
Đối với nguyên nhân chủ quan, ông Công thẳng thắn đặt vấn đề, các doanh nghiệp bất động sản đã huy động, sử dụng vốn đúng và khoa học hay chưa? Theo ông Công, hiện nguồn vốn huy động được của doanh nghiệp bất động sản có một tỷ lệ không nhỏ đã đổ vào đầu cơ, mở rộng quỹ đất, thâu tóm dự án…
Tháo gỡ bằng cách nào?
Nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã đã ký Công điện 1164/CĐ-TTg về tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản và phát triển nhà ở. Trong đó yêu cầu Bộ trưởng Bộ Xây dựng tiếp tục làm việc và cùng với các địa phương, doanh nghiệp chủ động, tích cực rà soát khó khăn, vướng mắc trong triển khai các dự án; Hướng dẫn, đôn đốc các địa phương để giải quyết, tháo gỡ ngay các nội dung thuộc thẩm quyền; Tích cực triển khai Nghị quyết số 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, trong đó lập danh mục các dự án, rà soát quỹ đất, hoàn thiện các thủ tục pháp lý, lựa chọn các chủ đầu tư để thực hiện các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân ở các thành phố, khu công nghiệp, cải tạo xây dựng lại chung cư cũ; Triển khai có hiệu quả hơn nữa Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030”.
Thủ tướng cũng chỉ đạo hệ thống ngân hàng thương mại tích cực cho vay, giải ngân nhanh các dự án bất động sản có đủ điều kiện, ưu tiên các dự án nhà ở xã hội, nhà ở thương mại…
Trước đó, Thủ tướng đã cho thành lập Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản cho các địa phương, doanh nghiệp. Thời gian qua, Tổ công tác đã làm việc với một số địa phương, doanh nghiệp và ghi nhận một số nhóm vấn đề vướng mắc có thể tác động đến thị trường bất động sản thời gian tới.
Còn hiện tại, những vướng mắc lớn liên quan đến các quy định pháp luật chồng chéo mâu thuẫn và việc thực thi pháp luật chưa nghiêm ở một số địa phương, dự án. Bên cạnh đó là câu chuyện đền bù giải phóng mặt bằng; các vấn đề liên quan đến quy hoạch. Ngoài ra còn có những vướng mắc pháp lý liên quan đến đầu tư, phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân...
Ông Nguyễn Văn Sinh cho biết, các đơn vị chức năng đã làm việc với các địa phương, doanh nghiệp để đôn đốc tháo gỡ khó khăn; trong quá trình làm việc những nội dung nào cần tháo gỡ thì Tổ công tác giải thích, hướng dẫn ngay; phân rõ từng nội dung, nội dung nào thuộc thẩm quyền của địa phương thì yêu cầu các địa phương có những giải pháp tháo gỡ cho doanh nghiệp; những nội dung nào vượt thẩm quyền địa phương thì báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Đồng thời, tích cực đôn đốc triển khai, thúc đẩy các dự án nhất là rà soát các dự án đang triển khai đủ pháp lý nhưng có khó khăn thì tiếp tục đôn đốc triển khai. Những dự án vướng pháp lý thì rà soát để báo cáo, làm rõ nội dung vướng mắc để trên cơ sở đó có giải pháp tháo gỡ, thúc đẩy các dự án nhà ở thương mại.
Hiện cả nước còn hơn 1.000 dự án đang gặp các vướng mắc khác nhau, nếu được tháo gỡ sẽ tạo nguồn cung đáng kể cho thị trường bất động sản. Tuy nhiên về lâu dài, thời gian tới các bộ, ngành cần tập trung sửa đổi các văn bản pháp luật còn chồng chéo, mâu thuẫn gây khó khăn cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các địa phương cần tích cực tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp bất động sản, nắm bắt tình hình doanh nghiệp trên địa bàn để có giải pháp tháo gỡ, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận