Giới CEO Mỹ chạy đua 'lên thuyền' với ông Trump
Từ những đối thủ gay gắt đến những đồng minh dè dặt, giới doanh nhân Mỹ đang hối hả đổ về Mar-a-Lago để xây dựng quan hệ với Tổng thống đắc cử Donald Trump.
Ted Sarandos, CEO Netflix, vốn nổi tiếng là nhà tài trợ lớn cho Đảng Dân chủ, nhưng vào ngày 17/12 vừa qua, ông đã trở thành một trong những doanh nhân hàng đầu tiếp bước vào khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago của ông Trump để thể hiện sự tôn trọng và tìm kiếm cơ hội hợp tác với chính quyền sắp tới.
Từ Hollywood, Silicon Valley đến Phố Wall, các lãnh đạo doanh nghiệp đang gấp rút tiếp cận ông Trump kể từ sau chiến thắng bất ngờ của ông trước bà Kamala Harris trong cuộc bầu cử tổng thống hồi đầu tháng 11, theo Financial Times.
Tần suất các cuộc gặp này tăng nhanh trong những ngày qua, không chỉ từ những người ủng hộ Đảng Cộng hòa, mà còn từ cả những doanh nhân trước đây từng chống lại ông Trump.
Chiến thuật “lấy lòng”
Ngoài Sarandos, ông Trump cũng gặp tỷ phú Jeff Bezos, ông chủ Amazon, vào ngày 18/12 (giờ địa phương). Trước đó, ông Trump đã tiếp CEO TikTok - Shou Zi Chew vào ngày 16/12, chỉ vài giờ sau khi ông đứng cạnh Masayoshi Son để công bố khoản đầu tư 100 tỷ USD từ SoftBank của Nhật Bản.
Trong vòng tròn thân cận của ông Trump, những cuộc gặp này được giới thân cận của ông xem như một “lá phiếu tín nhiệm” đối với các chính sách kinh tế của ông.
Nhiều CEO từng tránh xa ông Trump sau nhiệm kỳ đầu đầy sóng gió, đặc biệt là vụ tấn công Điện Capitol ngày 6/1/2021. Một số đã ủng hộ đối thủ của ông Trump trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm nay. Nhưng hiện tại, họ quay lại tìm kiếm cơ hội làm việc chung với người được dự đoán có những thay đổi lớn về kinh tế.
“Các CEO này đang cho thấy họ sẵn sàng hợp tác với chính quyền sắp tới, tập trung vào những lĩnh vực có thể cùng làm việc, ngay cả khi họ từng không ủng hộ ông Trump về mặt chính trị trước đây”, cố vấn cấp cao của ông Trump, Jason Miller, cho biết. “Sẽ còn nhiều lãnh đạo nữa, cả trong nước và quốc tế tham gia”.
Bên cạnh các cuộc gặp tại Mar-a-Lago và những tuyên bố đầu tư mới, một số lãnh đạo và công ty - như Sam Altman (OpenAI) và các ngân hàng như Bank of America hay Goldman Sachs - đã thể hiện sự ủng hộ bằng cách tài trợ cho lễ nhậm chức của ông Trump.
Meta và Amazon, vốn từng bị ông Trump chỉ trích trước đây, đã tuyên bố quyên góp 1 triệu USD mỗi công ty vào quỹ lễ nhậm chức của Tổng thống đắc cử vào tuần trước. Sam Altman cũng tuyên bố vào ngày 13/12 rằng ông sẽ đích thân đóng góp 1 triệu USD.
Động cơ đa dạng nhưng cùng hướng về lợi ích
Động cơ của các CEO rất đa dạng. CEO TikTok muốn cứu ứng dụng này khỏi lệnh cấm tại Mỹ. Các lãnh đạo công nghệ lớn như Tim Cook (Apple), Sundar Pichai (Google) và Mark Zuckerberg (Meta) kỳ vọng môi trường pháp lý “dễ thở” hơn.
“Đối với các CEO siêu giàu, có tính sáng tạo và thường thiên về phe cánh tả, việc chịu đựng và làm việc với ông Trump không dễ dàng. Nhưng họ không còn lựa chọn nào khác”, một nhà vận động hành lang tại Washington nói.
Các sếp công nghệ lớn như CEO TikTok Shou Zi Chew, CEO Meta Mark Zuckerberg, đang tìm kiếm một môi trường quản lý lành mạnh hơn dưới chính quyền ông Trump.
Trong khi đó, các CEO Phố Wall tin rằng ông Trump sẽ đảo ngược các chính sách mà họ coi là “chống doanh nghiệp” của chính quyền Tổng thống Joe Biden như tăng thuế và siết chặt chống độc quyền.
Mặc dù lo ngại về các kế hoạch của ông Trump như áp thuế hàng nhập khẩu, trục xuất hàng loạt người nhập cư không giấy tờ hay cắt giảm trợ cấp sản xuất, giới doanh nghiệp vẫn xem ông là một nhà đàm phán. Nhiều người tin rằng thái độ hợp tác và sự tâng bốc sẽ hiệu quả hơn là chỉ trích - việc vốn có thể khiến họ phải đối mặt với những phản ứng gay gắt từ ông.
Nikki Haley, người từng tranh cử với ông Trump để giành đề cử tổng thống của Đảng Cộng hòa và hiện là Phó chủ tịch của công ty tư vấn Edelman, nơi bà hỗ trợ các doanh nghiệp đối phó với Tổng thống đắc cử, chia sẻ: “Tôi khuyên các CEO rằng việc gặp gỡ trực tiếp Tổng thống Trump là rất có ích. Hãy cho ông ấy biết bạn đang làm gì và cách bạn phát triển doanh nghiệp của mình”.
Bà Nikki nhấn mạnh trong một cuộc phỏng vấn với Financial Times: “Tôi chưa từng gặp CEO nào cảm thấy sợ hãi trước ông Trump”.
Các CEO tin rằng chiến lược “lấy lòng” này đang mang lại kết quả. “Ông Trump đại diện cho lợi ích của Phố Wall”, một nhà tài chính hàng đầu nhận xét.
Tuy nhiên, ông Trump cũng tự định vị mình là “người của tầng lớp lao động” với những kế hoạch dân túy hơn so với nhiệm kỳ đầu tiên của ông. Đó là lý do khiến các doanh nghiệp phải nhanh chóng tìm cách chứng minh rằng họ không làm suy yếu nền kinh tế mà ngược lại đang đóng góp tích cực.
Các lãnh đạo quỹ đầu cơ và vốn tư nhân cũng đang tận dụng Scott Bessent và Howard Lutnick, những người được ông Trump đề cử làm Bộ trưởng Tài chính và Bộ trưởng Thương mại, như cầu nối để gặp gỡ hoặc trao đổi với Tổng thống đắc cử. Cả hai đều là những nhà đầu tư kỳ cựu với nhiều năm kinh nghiệm hoạt động tại New York.
Dù có nhiều lo ngại, giới doanh nghiệp kỳ vọng ông Trump sẽ mang lại các chính sách như giảm thuế, nới lỏng quy định và đẩy mạnh khai thác dầu khí. “Mọi người đều muốn lên thuyền cùng ông Trump”, Miller nói.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường