Giao thương quốc tế: Doanh nghiệp cẩn trọng để tránh những cú lừa
Các doanh nghiệp xuất khẩu cần nâng cao tính cẩn trọng, kiểm tra người mua kỹ hơn bằng nhiều kênh khác nhau; cùng với đó các cơ quan quản lý cần nhanh chóng tìm cách khắc phục những “lỗ hổng” trong thương mại quốc tế.
Xúc tiến thương mại tìm kiếm đối tác xuất khẩu là đòi hỏi cấp thiết của nhiều doanh nghiệp (DN). Trong các hợp đồng xuất - nhập khẩu hàng hóa giữa DN Việt Nam với đối tác nước ngoài, đa phần đạt kết tốt đã làm gia tăng uy tín của DN cũng như sản phẩm trong nước.
Tuy nhiên, vẫn còn một số vụ việc liên quan đến cá nhân, tổ chức nước ngoài cố tình lừa đảo trong quá trình tiếp nhận và thanh toán hợp đồng khiến DN trong nước phải chịu nhiều thiệt hại.
Có thể thống kê nhanh một vài vụ việc điển hình, như năm 2020, đối tác của Hà Lan có hợp đồng xuất khẩu gỗ cho 1 DN Việt Nam với điều kiện DN Việt Nam đặt cọc 50% tiền hàng. Nhưng sau đó, đối tác Hà Lan lại yêu cầu thanh toán nốt 50% giá trị còn lại của hợp đồng.
Dù DN trong nước chấp thuận và thanh toán toàn bộ tiền hàng, nhưng đối tác Hà Lan tiếp tục yêu cầu DN Việt Nam phải thanh toán thêm 5.000 USD do hàng bị giữ tại cảng. DN Việt Nam do đã thanh toán đủ 100% tiền hàng nên không đồng ý chuyển tiền thêm, đồng thời phải viết thư đề nghị Thương vụ giúp kiểm tra làm rõ.
Đầu năm 2022, đối tác tại Moroco có kí hợp đồng lớn nhập khẩu nhựa nguyên liệu với 1 DN Việt Nam. Sau khi hàng cập cảng Moroco, đối tác này đã trở mặt với lý do chất lượng hàng không đảm bảo, đòi trả lại tiền và không hợp tác để xử lý lô hàng nhưng sau đó lại thông đồng để lấy trộm hàng rồi lảng tránh mọi liên hệ. Ngay khi nhận được thông tin, Thương vụ Việt Nam tại Moroco đã cùng DN trao đổi, bám sát, áp dụng các biện pháp nghiệp vụ theo từng bước nhằm xử lý vụ việc và hạn chế rủi ro. Tuy nhiên, theo thông tin từ hãng tàu, đối tác phía Moroco đã thông quan trộm lô hàng từ cuối tháng 1/2022.
Mới đây nhất là vụ việc nổi cộm với nghi vấn lừa đảo 100 container hạt điều của các DN Việt Nam xuất khẩu sang Italy. Theo báo cáo mới nhất của các DN, hiện vẫn còn 36/74 container hàng với giá trị 162 tỷ đồng đang thất lạc chứng từ. Trong đó, có 8 container hàng đã cập cảng Genova của Italy; các container hàng còn lại sẽ đến cảng của Italy vào cuối tháng 3/2022 và đầu tháng 4/2022.
Thông tin từ Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) cho biết, nhờ sự can thiệp từ các cơ quan ngoại giao, Thương vụ, Tham tán thương mại Việt Nam tại các nước trong những ngày qua, với 8 container đã cập cảng tại Italy tạm thời có thể ngăn chặn việc các đối tượng lừa đảo đang có bộ chứng gốc của các lô hàng đến nhận hàng mà không thanh toán cho DN Việt Nam trong một khoảng 2 tuần.
Kẽ hở khiến doanh nghiệp dễ mắc bẫy
Nhìn lại những vụ việc kể trên, không ít ý kiến cho rằng đang tồn tại “lỗ hổng” trong thương mại quốc tế, cần nhanh chóng tìm cách khắc phục. Bên cạnh đó, các DN xuất khẩu cần nâng cao tính cẩn trọng, kiểm tra người mua kỹ hơn qua nhiều kênh khác nhau.
Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) phân tích, một số phương thức thanh toán quốc tế và khả năng áp dụng trong thực tế, điển hình có thể kể tới như D/P, CAD hay L/C và bản chất của các hình thức này là người bán và người mua đều sử dụng ngân hàng như một đơn vị trung gian, đảm bảo.
"Tất cả phương thức này đều phải trả tiền cho bộ chứng từ trước khi nhận hàng nên xét về mặt chứng từ đều có tính an toàn tương đương nhau. Tuy nhiên, một khi đối tác đã có ý đồ lừa đảo để lấy mất chứng từ thì rủi ro đó nằm ngoài phương thức thanh toán", ông Trần Thanh Hải đánh giá.
Theo Chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy, có 2 điều đáng quan tâm đang tạo nên lỗ hổng thương mại đối với các DN xuất khẩu. Đó là khi kết nối với đối tác nước ngoài, hầu hết các DN chưa thực sự hiểu hết bạn hàng, đặc biệt là các hợp đồng, giao dịch mua bán thông qua thương mại điện tử.
Ngoài ra, do DN thiếu hệ thống thông tin cảnh báo nên rất dễ bị đối tác nước ngoài rất "cài bẫy" trong quá trình thanh toán, thanh khoản. Thực tế là DN vẫn dễ dàng tin tưởng đối tác trong khi mối liên hệ, tính liên kết giữa DN với các cơ quan Thương vụ Việt Nam ở các nước sở tại còn nhiều hạn chế.
Để phòng tránh những sự việc đáng tiếc trong thương mại quốc tế, Chuyên gia Hoàng Trọng Thủy cho rằng, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đến nay bị nhiều hạn chế do thiếu và yếu khâu trung gian. Khi DN chưa phát triển được thị trường rất cần thiết phải có sự hỗ trợ, bắc nhịp cầu trung gian kể cả nhỏ nhất để từ đó manh nha tạo lập thị trường. Muốn vậy, các DN cần biết dựa vào cộng đồng người Việt, các DN, tổ chức kinh tế của Việt Nam tại các nước sở tại để nắm thông tin.
Đối với các cơ quan Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài cần phải làm tốt hơn nữa công tác dự báo, cảnh báo về thị trường. Cập nhật thường xuyên, liên tục về những biến động cũng như xu hướng tiêu dùng tại các nước sở tại, trên cơ sở đó thông báo cho các DN, hiệp hội ngành hàng trong nước biết những thay đổi, đặc biệt là về chính sách, pháp luật và tiêu chuẩn hàng hóa để trên cơ sở đó các DN nắm thế chủ động. Với xu thế chuyển đổi số như hiện nay, rất cần thiết lập các trang thông tin, cổng thông tin thị trường xuất khẩu để từ đó cập nhật và phổ biến thông tin cho cộng đồng DN.
"Nhiều quốc gia vẫn coi Việt Nam chưa phải là nền kinh tế thị trường, nên đối với các thị trường xuất khẩu có giá trị sinh lời cao họ luôn áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại. Hàng hóa của Việt Nam luôn nằm trong "tầm ngắm", nhất là các vi phạm về bán phá giá, nguồn gốc xuất xứ, lẩn tránh phòng vệ để hưởng ưu đãi thuế quan… Vì thế, các DN, các cơ quan thương vụ và tổ chức kinh tế cần sớm xây dựng lại hình ảnh hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đối với thị trường EU nói riêng cũng như thị trường thế giới nói riêng, có vậy mới tạo lập được thị trường bền vững, tránh những rủi ro đáng tiếc", ông Thủy nói.
Thương vụ Việt Nam tại Hà Lan khuyến cáo, khi tiến hành các cam kết giao dịch hoặc chuyển tiền trả trước cho các DN nước ngoài, các DN Việt Nam nên tiến hành kiểm tra để xác thực sơ bộ về công ty/đối tác nước ngoài. Sau đó có thể tiếp tục liên hệ với Thương vụ để tham vấn cũng như tìm hiểu về sự tồn tại và tính hợp pháp của đối tác cũng như rủi ro có thể xảy ra.
Đặc biệt, các DN Việt Nam cần quan tâm đến các địa chỉ email giao dịch có sử dụng tên miền đăng ký hay chỉ là địa chỉ miễn phí như Yahoo.com, Hotmail, Gmail… Thông thường, DN được thành lập ở quốc gia nào sẽ phải mở tài khoản giao dịch ở quốc gia đó. Trường hợp DN ở quốc gia này nhưng ngân hàng thanh toán lại ở quốc gia khác thì cần phải đặt ngay dấu hỏi.
(Theo VOV)
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận