Giao dịch chứng khoán chiều 16/12: Họ FLC tiếp đà bùng nổ, cổ phiếu lớn giảm mạnh ngày chốt phái sinh
Mặc dù thiếu sự hỗ trợ của bộ 3 trụ cột bank - chứng - thép, nhưng thị trường đã khởi sắc trở lại nhờ nhóm cổ phiếu bất động sản nổi sóng lớn. Điểm sáng thị trường là nhóm cổ phiếu FLC có phiên giao dịch bùng nổ.
Thị trường càng thận trọng hơn trong phiên giao dịch sáng 16/12, ngày đáo hạn hợp đồng tương lai tháng 12 khiến thanh khoản có phần sụt giảm. Chỉ số VN-Index tiếp tục thử thách không thành công ngưỡng kháng cự mạnh 1.480 điểm và may mắn giữ được sắc xanh nhạt khi chốt phiên.
Bước sang phiên chiều, những nhịp rung lắc đã xuất hiện nhiều hơn khiến VN-Index liên tục lên xuống quanh vùng giá tham chiếu. Và lực bán có dấu hiệu gia tăng về cuối phiên, với tâm điểm là nhóm cổ phiếu bluechip khiến thị trường nới rộng biên độ giảm. Nhóm VN30 có tới 18 mã giảm điểm và chỉ có 9 mã tăng, có thời điểm trong phiên VN30-Index giảm tới gần 20 điểm kéo chỉ số chung cũng sụt giảm theo.
Tuy nhiên, sau khi thủng mốc 1.470 điểm và chạm về đường MA20, VN-Index đã nhanh chóng “bẻ lái” trong đợt khớp lệnh ATC và hồi phục sắc xanh nhạt, bất chấp VN30 vẫn tạo gánh nặng khi để mất gần 10 điểm với số giảm gấp đôi số mã tăng.
Những phiên biến động ngày đáo hạn phái sinh đã thành "nếp xấu" trên thị trường chứng khoán Việt Nam khi chỉ số bị bẻ cong bởi một số mã lớn. Dù vậy, nhóm VN30 hôm nay giảm điểm mạnh cũng tạo cơ hội mua vào giá tốt, thanh khoản của nhóm này tăng nhẹ so sới phiên ngày hôm qua với hơn 187 triệu cổ phiếu được sang tay.
Với diễn biến chỉ số VN-Index tiếp tục đi ngang và vùng hỗ trợ ngắn 1.465 – 1.470 điểm (MA20) vẫn đóng vai trò hỗ trợ tốt cho thị trường, cho thấy xu hướng tăng ngắn hạn nhiều khả năng sẽ vẫn tiếp diễn.
Tuy nhiên, khi mà cuộc chơi vẫn nằm ở các mã nhỏ và vừa thì kịch bản nửa cuối tháng 10 với 11 phiên đi ngang trong biên độ cực hẹp có xác suất cao hơn sẽ tái diễn, thời điểm đó thị trường phải chờ khi nhóm ngân hàng và chứng khoán bứt phá thì VN-Index mới vượt đỉnh lịch sử khu vực 1.425 điểm, để thiết lập sóng tăng trong tháng 11.
Ở nhóm cổ phiếu bluechip, cổ phiếu có mức giảm sâu nhất là thành viên nhà bank với VPB để mất 2,7% và kết phiên đứng tại mức giá 33.700 đồng/CP, tiếp theo là PNJ giảm 2,4% xuống mức 93.700 đồng/CP.
Cặp đôi lớn chi phối chỉ số chung của thị trường là VIC và VHM đã có những diễn biến tích cực hơn khi VIC tìm lại được mốc tham chiếu, còn VHM chỉ còn giảm nhẹ 0,4%.
Trái lại, POW lại tiếp tục “hồi sinh” và là tâm điểm của thị trường trong phiên chiều sau sau diễn biến lình xình đi ngang quanh mốc tham chiếu trong phiên sáng. Lực cầu tăng mạnh đã giúp POW kéo trần thành công khi kết phiên tăng 6,8% lên mức 17.200 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh lên tới 41,62 triệu đơn vị, dẫn đầu thanh khoản toàn thị trường và dư mua trần hơn 1 triệu đơn vị.
Bên cạnh đó, một đại diện của nhóm bất động sản trong rổ VN30 là PDR cũng có mức tăng khá tốt khi kết phiên tăng 3,9% lên mức 97.700 đồng/CP. Ngoài ra, các mã khác như GAS, STB, CTG, PLX, KDH, GVR, VNM có mức tăng nhẹ trên dưới 0,5%.
Điểm nhấn thị trường thuộc về nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ khi hàng loạt mã như HAG, ITA, LDG, DLG, TTF, HHS, LCM, QCG, FTM… đua nhau tăng trần.
Đặc biệt là họ nhà FLC với ROS, FLC, AMD, HAI cũng đều kết phiên trong sắc tím. Trong đó, ROS và FLC cùng khớp lệnh tới hơn 35 triệu đơn vị và lần lượt dư mua trần tới 9,26 triệu đơn vị và hơn 10,8 triệu đơn vị.
Bên cạnh đó, nhiều mã khác như HQC, HNG, SCR, HAR… cũng tăng gần hết biên độ.
Xét về nhóm ngành, bất động sản và xây dựng chính là điểm sáng của thị trường. Hàng loạt mã vừa và nhỏ như DIG, VGC, AGG, CII, VNE, CEE đến ITA, FLC, PTL, LDG, QCG… đều tăng kịch trần.
Trong đó, một thành viên của nhóm ngành đã giúp sức cho thị trường lấy hồi phục là BCM khi tiếp tục tăng với biên độ 6,8% lên mức giá sát trần 67.300 đồng/CP và khớp hơn 1,35 triệu đơn vị.
Cũng thuộc nhóm bất động sản, cổ phiếu TCH giao dịch khá ấn tượng. Sau nhịp rung lắc trong phiên sáng, TCH đã hồi phục và nới rộng biên độ tăng, thậm chí có lúc tiến sát mức giá trần. Kết phiên, TCH tăng 4,4% lên mức 25.100 đồng/CP với thanh khoản sôi động, đạt hơn 18,5 triệu đơn vị.
Hay BCG cũng duy trì đà tăng nhẹ trong suốt cả phiên chiều và kết phiên tăng 1% lên mức 25.150 đồng/CP với khối lượng khớp hơn 2,6 triệu đơn vị.
Mặt khác, bộ 3 trụ cột thị trường là bank – chứng – thép vẫn giao dịch không mấy tích cực. Ở nhóm ngân hàng, ngoại trừ CTG, VIB, OCB, STB tăng nhẹ trên dưới 0,5%, MSB tăng 2,58%, còn lại VCB, TCB, VPB, ACB, MBB, HDB, SSB, TPB… giao dịch dưới mốc tham chiếu.
Trong khi đó, nhóm chứng khoán và thép đồng loạt đều giao dịch trong sắc đỏ với các mã lớn đầu ngành như HCM, SSI để mất hơn 1,5%, VND giảm 2,5%, VCI giảm 1,9%; hay cặp HPG và HSG giảm 0,5-1%...
Trên sàn HNX, nhóm HNX30 lại hỗ trợ khá tốt cho đà tăng của thị trường.
Các cổ phiếu bluechip đóng góp tích cực cho đà tăng của thị trường như IDC tăng 3,9% lên 87.300 đồng/CP, VCS tăng 1,3% lên 115.900 đồng/CP, CEO tăng 9,7% lên sát mức giá trần 49.700 đồng/CP với thanh khoản sôi động, đạt hơn 10 triệu đơn vị…
Ngoài ra, một số mã tăng mạnh khác như LHC tăng 8,7% lên 116.000 đồng/CP, L14 tăng 5,7% lên 279.000 đồng/CP, TAR tăng 4% lên 38.900 đồng/CP…
Trái lại, DXP là mã giảm mạnh nhất trong nhóm HNX30 khi để mất 3,4% và kết phiên đứng tại mức giá thấp nhất ngày 22.700 đồng/CP, tiếp theo là MBS và VC3 cùng giảm 2,3%...
Cũng như sàn HOSE, tâm điểm của sàn HNX chính là thành viên nhà FLC, đó là KLF với thanh khoản vươn lên vị trí dẫn đầu thị trường, đạt hơn 12,21 triệu đơn vị và kết phiên tăng 9,9% lên mức giá trần 8.900 đồng/CP.
Trên UPCoM, thị trường đã may mắn có được sắc xanh nhạt khi kết phiên, dù sắc đỏ xuyên suốt trong phần lớn thời gian giao dịch.
Bộ 3 lớn đáng chú ý trên UPCoM là HHV kết phiên tăng 2,3% lên mức 26.600 đồng/CP với khối lượng giao dịch dẫn dầu thị trường, đạt gần 8,4 triệu đơn vị.
Bên cạnh đó, BSR tăng 2,8% lên 22.100 đồng/CP và khớp 6,89 triệu đơn vị; VGT tăng 2,6% lên 27.300 đồng/CP và khớp 5,36 triệu đơn vị.
Trái lại, một số mã lớn khác như ACV, MSR, CTR, VGI… giao dịch trong sắc đỏ.
Ngoài ra, nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng là điểm trừ của thị trường với BVB, ABB, NAB, PGB đều giảm nhẹ.
Tiếp theo là CVIC2105 khớp 113,430 đơn vị và kết phiên giảm 25,9% xuống 400 đồng/CQ.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận