Giảm tỷ lệ tối đa vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn từ 34% xuống 30%, ảnh hưởng thế nào tới ngân hàng?
Trong ngắn hạn, việc hạ tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn sẽ làm chậm quá trình giảm lãi suất cho vay các kỳ hạn dài của các ngân hàng trong bối cảnh nền kinh tế đang cần được hỗ trợ để tăng trưởng kinh tế.
Theo đúng lộ trình được quy định trong Thông tư 08/2020/TT-NHNN, đến ngày 01/10/2023, các ngân hàng sẽ phải giảm tỷ lệ tối đa nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn xuống mức 30% thay vì 34% như hiện tại. Trong khi đó, theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, có tới 88% nguồn vốn huy động của các ngân hàng là tiền gửi dưới 12 tháng, song 52% dư nợ tín dụng của hệ thống lại là trung và dài hạn.
Tính đến tháng 7/2023, các ngân hàng đều đáp ứng tỷ lệ tối đa nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung dài hạn là 34% (áp dụng từ 01/10/2022 đến ngày 30/09/2023). Theo đó, tỷ lệ này duy trì ở mức 32,66% với nhóm các NHTM cổ phần, cao hơn so với nhóm NHTM có vốn nhà nước (24,97%). Xét chung toàn hệ thống, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn là 26,14%.
Đánh giá về tác động của Thông tư 08 trong ngắn hạn và dài hạn, theo chứng khoán KBSV, trong ngắn hạn, việc hạ tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn sẽ làm chậm quá trình giảm lãi suất cho vay các kỳ hạn dài của các ngân hàng trong bối cảnh nền kinh tế đang cần được hỗ trợ để tăng trưởng kinh tế.
Đồng thời, thông tư mới cũng sẽ phần nào gây áp lực lên nhu cầu huy động kỳ hạn dài của các ngân hàng, làm tăng chi phí vốn (COF) của các ngân hàng, gây áp lực làm thu hẹp biên lãi ròng (NIM).
Trong dài hạn, với chủ trương lành mạnh hóa hoạt động tín dụng và bảo đảm thanh khoản cho hệ thống ngân hàng, việc áp dụng quy định mới được kỳ vọng sẽ giúp các ngân hàng kiểm soát tốt hơn rủi ro thanh khoản, ổn định hoạt động trước những thay đổi trong và ngoài nước, đồng thời thúc đẩy phát triển nền kinh tế bền vững.
Hầu hết các ngân hàng đều đáp ứng quy định mới của thông tư 08/2020/TT-NHNN. Thông tư 08 sắp sửa thi hành là một phần động lực cho các ngân hàng mua lại trái phiếu trước hạn và tập trung phát hành kì hạn dài trong thời gian tới bên cạnh động lực đến từ mặt bằng lãi suất đã giảm tương đối so với thời điểm trước.
Thống kê tại một số ngân hàng năm 2022 cho thấy, hầu hết các ngân hàng đều có tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn dưới mức 30%, ngoại trừ Oceanbank với 32%. Kế đó ở một vài ngân hàng lớn, tỷ lệ này lần lượt là: Techcombank (29%), Agribank (25%), Vietinbank (26%) và BIDV (22%).
Các ngân hàng khác như Vietcombank, HDBank (8%), thuộc nhóm ít các ngân hàng có tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn dưới 10% và gần như không chịu ảnh hưởng từ lộ trình mới này.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận