24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Anh Đức
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Giảm phát đẩy các nhà máy Trung Quốc đến bờ vực đóng cửa

Nhu cầu giảm và giá sản phẩm liên tiếp đi xuống khiến nhiều nhà máy Trung Quốc phải chấp nhận lỗ để hoàn thành đơn hàng.

Khi Kris Lin - chủ một nhà máy đèn ở Trung Quốc - nhận được đơn hàng đầu tiên của năm nay, ông đối diện với lựa chọn khó khăn là chấp nhận lỗ để làm, hoặc không nhận và báo nhân viên không cần quay lại làm việc sau Tết.

"Nhưng tôi không thể mất đơn hàng này. Nếu làm thế, tôi sẽ mất khách hàng này vĩnh viễn và đe dọa cuộc sống của nhiều nhân viên", Lin nói. Ông dự định cho nhà máy ở Thai Châu (Chiết Giang) làm việc nửa công suất ngay sau Tết Nguyên đán.

"Nếu hoãn sản xuất lâu quá, mọi người sẽ nghi ngờ việc kinh doanh của chúng tôi. Tin đồn này mà lan truyền còn ảnh hưởng đến quyết định của các nhà cung cấp", ông nói.

Giảm sản xuất kéo dài tại các nhà máy đang đe dọa các hãng xuất khẩu nhỏ tại Trung Quốc. Họ mắc kẹt trong cuộc chiến giá không hồi kết, khi việc kinh doanh co lại, lãi suất cao và các chính sách bảo hộ thương mại khiến nhu cầu giảm sút.

Chỉ số giá sản xuất (PPI) tại Trung Quốc đã giảm 15 tháng liên tiếp, ăn mòn biên lợi nhuận của các nhà máy. Sản lượng và việc làm ngành công nghiệp tại Trung Quốc vì thế đang bị đe dọa. Số liệu của Bộ Thương mại Trung Quốc năm 2022 cho thấy khoảng 180 triệu người đang làm công việc liên quan đến xuất khẩu.

Giảm phát đẩy các nhà máy Trung Quốc đến bờ vực đóng cửa
Xe hơi xuất khẩu tại một cảng ở Sơn Đông (Trung Quốc) tháng 5/2023. Ảnh: Reuters

Raymond Yeung - kinh tế trưởng khu vực Trung Quốc tại ANZ - cho biết lúc này giải quyết vấn đề giảm phát còn quan trọng hơn việc đạt mục tiêu tăng trưởng. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12 của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã giảm 0,3% so với cùng kỳ năm 2022.

"Khi các công ty phải hạ giá sản phẩm, lương nhân viên cũng bị giảm theo. Điều này đồng nghĩa người tiêu dùng không có tiền để mua sắm, tạo thành một vòng luẩn quẩn", ông giải thích.

Lợi nhuận các công ty trong ngành sản xuất tại Trung Quốc giảm 2,3% năm ngoái. Số liệu của giới chức cho thấy hoạt động sản xuất tại đây đã co lại 4 tháng liên tiếp. Số đơn hàng xuất khẩu cũng giảm 10 tháng liền.

Với Lin, nhận đơn hàng 1,5 triệu USD của khách sẽ khiến ông thua lỗ, vì giá chào của nhà mua hàng thấp hơn 10% chi phí sản xuất.

Xuất khẩu trì trệ khiến các nhà hoạch định chính sách phải tìm đến các động lực khác để đạt mục tiêu tăng trưởng. Giới phân tích cho rằng kích thích chi tiêu hộ gia đình hiện là ưu tiên hàng đầu.

"Tăng trưởng càng cân bằng, sức ép giảm giá càng biến mất nhanh", Louis Kuijs - kinh tế trưởng khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại S&P Global cho biết.

Trung Quốc đến nay vẫn hướng nguồn lực tài chính về ngành sản xuất hơn là tiêu dùng. Giới phân tích cho rằng việc này càng làm trầm trọng thêm tình trạng dư thừa công suất và nỗi lo giảm phát, kể cả trong các ngành đang bùng nổ, như xe điện.

Trên Reuters, giám đốc một nhà máy xe hơi ở Chiết Giang dự báo sản lượng và xuất khẩu của họ năm nay tăng, nhưng lợi nhuận sẽ giảm do cạnh tranh khốc liệt trong ngành ôtô.

Khi Ngân hàng Trung ương Trung Quốc tích cực bơm thanh khoản cho hệ thống tài chính để thúc đẩy tăng trưởng, các ngân hàng cũng chào mời gói vay giá rẻ cho nhà máy. Tuy nhiên, các công ty nhỏ lại ngần ngại vay tiền.

"Nhiều giám đốc ngân hàng đã gọi điện cho tôi. Họ có vẻ rất lo lắng khi không thể cho vay. Nhưng doanh nghiệp sản xuất chỉ cần vay khi muốn mở rộng thôi", Miao Yujie - một công ty xuất khẩu quần áo cho biết. Thực tế, Miao đang tính đóng cửa công ty, khi đã giảm một nửa nhân sự vào năm ngoái nhưng doanh nghiệp vẫn không thể có lãi.

Đầu tư của các doanh nghiệp tư nhân đã giảm 0,4% năm ngoái, trong khi lĩnh vực này góp tới 80% việc làm cho khu vực thành thị.

Tình hình tại Trung Quốc đang gợi lại thời kỳ giảm phát năm 2015. Khi đó, họ dư thừa công suất ở nhiều ngành chủ chốt, như thép. Tuy nhiên, các sản phẩm này chủ yếu do doanh nghiệp nhà nước làm ra. Giới chức đã thu hẹp quy mô nhiều công ty quốc doanh để giảm công suất, đồng thời tăng tốc các dự án cơ sở hạ tầng nhằm thúc đẩy nhu cầu.

"Diễn biến lần này lại khác, vì việc dư thừa đến từ lĩnh vực tư nhân nhiều hơn", Nie Wen - nhà kinh tế học tại Hwabao Trust nhận định. Các doanh nghiệp này tuyển dụng lượng lớn nhân sự. Đây là khu vực nhạy cảm với giới chức Trung Quốc.

"Nguồn cung lần này rất khó co lại. Vì thế, Trung Quốc nên nỗ lực kích cầu năm nay", Nie cho biết.

Các chủ nhà máy nói rằng sức ép cắt giảm nhân sự đang rất lớn, dù họ không muốn làm vậy. Yang Bingben - chủ một nhà máy ở Ôn Châu - cho hay ông đã nghĩ đến việc đóng cửa. Tuy nhiên, ông vẫn duy trì vì cảm thấy có lỗi với nhân viên. Hầu hết họ đã gần tuổi nghỉ hưu.

Nhưng Yang cũng không biết có thể cầm cự đến bao giờ. "Năm nay chắc là tốt nhất trong thập kỷ tiếp theo rồi", ông nói.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả