Giám đốc thị trường vốn IMF: Chứng khoán Mỹ có thể giảm thêm 20%
Sự thay đổi tâm lý của nhà đầu tư có thể khiến chứng khoán Mỹ giảm thêm 20%, theo nhận định của Tobias Adrian, Giám đốc phụ trách thị trường vốn và tiền tệ của IMF.
Nghiên cứu của IMF cho thấy lãi suất tăng và kỳ vọng lợi nhuận tương lai đang gây áp lực lên thị trường cổ phiếu và kéo giảm định giá của các công ty, ông Tobias Adrian chia sẻ tại cuộc họp thường niên của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) ở Washington.
Hiện tâm lý chưa tới mức hoảng loạn và điều này giúp quá trình thắt chặt diễn ra trật tự hơn, ông nói trong ngày 11/10.
Trước đó, CEO JPMorgan Jamie Dimon cho biết S&P 500 có thể dễ dàng rớt thêm 20%. Ông Adrian cho rằng “điều này có thể xảy ra”. So với đầu năm, S&P 500 đã giảm 25%.
Fed đã nâng lãi suất lên 3-3.25% trong tháng 9/2022, mức cao nhất kể từ đầu năm 2008, với mục tiêu ghìm cương lạm phát. Dữ liệu lạm phát mới nhất dự kiến được công bố vào ngày 13/10.
“Tôi nghĩ, ý ông Jamie Dimon muốn nói tới là có thể xảy ra sự thay đổi trong tâm lý. Và dĩ nhiên điều này có thể tác động tới hoạt động kinh tế”, ông nói. “Hiện tại, kịch bản S&P 500 giảm thêm 20% có thể diễn ra. Đây không phải là kịch bản cơ sở của chúng tôi, nhưng vẫn là kịch bản khả dĩ”.
Trước đó, IMF đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2023 trong bối cảnh các nước đang chịu tác động từ cuộc xung đột ở Ukraine, giá năng lượng và thực phẩm tăng, lạm phát leo thang và lãi suất tăng mạnh. IMF đồng thời cảnh báo rằng tình hình có thể trở nên tồi tệ hơn vào năm tới.
Trong báo cáo Triển vọng kinh tế thế giới mới nhất, IMF cho biết 1/3 nền kinh tế trên thế giới có thể sẽ suy giảm vào năm nay và năm tới.
Nhà kinh tế trưởng của IMF Pierre-Olivier Gourinchas cho biết: "Ba nền kinh tế lớn nhất là Mỹ, Trung Quốc và khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) sẽ tiếp tục đình trệ. Nói một cách ngắn gọn, điều xấu nhất vẫn chưa tới và đối với nhiều người, năm 2023 sẽ giống như năm suy thoái."
Rủi ro khủng hoảng khá cao
Ông Adrian nói với CNBC rằng bất chấp sự biến động mạnh ở một số lĩnh vực, như thị trường trái phiếu Chính phủ Anh, kịch bản cơ sở của IMF vẫn là thị trường tín dụng toàn cầu vẫn “diễn ra một cách có trật tự” và không xảy ra cuộc khủng hoảng toàn diện như “khoảnh khắc Lehman”.
Tuy nhiên, ông nói thêm rủi ro suy giảm vẫn rất cao. “Rủi ro mất ổn định tài chính đang rất cao. Vì vậy, chúng ta đang trong giai đoạn rất căng thẳng, chúng tôi hy vọng sẽ tránh được sự kiện đổ vỡ hệ thống. Tuy nhiên, rủi ro vẫn còn rất cao tại thời điểm này”.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận