Giám đốc điều hành VinaCapital: Sẽ có dòng vốn ngoại đón đầu sự kiện nâng hạng thị trường
Dự báo cho tăng trưởng kinh tế trong năm 2024, bà Nguyễn Hoài Thu - Tổng Giám đốc Điều hành Quỹ Đầu tư Chứng khoán của VinaCapital chỉ ra nhiều yếu tố giúp thị trường chứng khoán Việt Nam thu hút được khối ngoại trong năm tới.
Theo bà, điều gì dẫn đến khó khăn trong hoạt động xuất, nhập khẩu của Việt Nam cũng như tăng trưởng kinh tế trong năm 2023?
Bà Nguyễn Hoài Thu: Việt Nam và các nước xuất khẩu tại châu Á đã chứng kiến sự thay đổi lớn về nhu cầu đặt hàng tại những quốc gia đối tác, đặt biệt là Mỹ, vốn chiếm gần 30% tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam.
Có thể nói, nhu cầu nhập khẩu các mặt hàng “sản xuất tại châu Á” ở Mỹ giảm mạnh trong năm 2023 là do lượng hàng tồn kho của các nhà bán lẻ ở Mỹ - như Walmart, Costco, Target cũng như các công ty hàng tiêu dùng như GAP và Nike - vẫn còn quá cao vào cuối năm 2022.
Trong năm 2022, xuất khẩu từ châu Á nói chung hay Việt Nam nói riêng tới Mỹ tăng vọt, vì các nhà bán lẻ và công ty hàng tiêu dùng ở Mỹ tăng mạnh việc đặt hàng các sản phẩm “sản xuất tại châu Á”. Nguyên nhân đến từ việc: (1) Các nhà bán lẻ và công ty tiêu dùng ở Mỹ kỳ vọng vào một đợt bùng nổ tiêu dùng hậu COVID-19 và (2) việc đứt gãy chuỗi cung ứng khiến các doanh nghiệp này gặp khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn hàng trong thời kỳ COVID-19, khiến họ đặt hàng nhiều hơn mức cần thiết để đảm bảo không rơi vào tình trạng thiếu hụt cung ứng trước đó.
Thực tế cho thấy, người tiêu dùng tại Mỹ và các nước phát triển đúng là đã tăng chi tiêu sau COVID-19, nhưng là vào các dịch vụ như du lịch và ăn uống tại nhà hàng thay vì mua sắm các sản phẩm điện tử tiêu dùng - hầu hết được sản xuất tại Việt Nam và châu Á. Điều này đã tác động dây chuyền khiến xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ giảm 13% so với cùng kỳ trong 11 tháng đầu năm 2023.
Yếu tố quốc tế nào sẽ tác động đến tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm tới, thưa bà?
Việt Nam là nước có nền kinh tế độ mở cao, phụ thuộc nhiều vào thương mại với thế giới và các quốc gia lớn, nên Việt Nam sẽ nhạy cảm với sức khỏe kinh tế của Mỹ và các nước phát triển khác - các thị trường xuất khẩu lớn nhất của chúng ta. Ví dụ, nếu có một cuộc khủng hoảng lớn tại Mỹ hoặc nhu cầu tiêu dùng của nước này giảm đi, Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng.
Vì vậy, cần theo dõi kỹ các thông tin về doanh số bán lẻ tại Mỹ, đơn cử như đợt mua sắm “Black Friday” lớn tại quốc gia này. Một tín hiệu tốt là doanh thu từ mua sắm trực tuyến trong đợt Black Friday tại Mỹ vừa qua đã tăng 8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Bà dự báo thế nào về lạm phát và tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2024?
Chúng tôi kỳ vọng tăng trưởng GDP Việt Nam sẽ tăng trở lại từ mức dưới 5% năm nay lên 6.5% trong năm 2024, vì có những dấu hiệu cho thấy quá trình các nhà bán lẻ Mỹ giảm lượng nhập hàng mới và chủ yếu bán hàng tồn kho của mình đã tới hồi kết. Điều này có nghĩa hoạt động sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt là xuất khẩu sang Mỹ, sẽ tăng trở lại trong năm sau.
Ngoài ra, kỳ vọng sản lượng sản xuất của Việt Nam sẽ tăng trở lại từ mức không tăng trưởng trong năm nay lên mức 8-9% trong năm tới, nhưng mức này vẫn thấp hơn mức tăng trưởng 2 chữ số của Việt Nam trong giai đoạn trước COVID-19.
Rủi ro lớn nhất cho kịch bản có phần lạc quan nêu trên là khả năng Mỹ sẽ lâm vào khủng hoảng kinh tế, khiến người tiêu dùng Mỹ đột ngột cắt giảm chi tiêu. Tuy nhiên, đồng thuận chung hiện đều cho rằng khủng hoảng kinh tế, nếu xảy ra, sẽ ở mức khiêm tốn vào cuối năm sau. Nghĩa là xuất khẩu của Việt Nam có thể hồi phục mạnh mẽ vào nửa đầu năm 2024.
Về lạm phát, chúng tôi đánh giá lạm phát trung bình năm tại Việt Nam sẽ ở mức 3-4% trong năm 2024, tương tự năm nay, dù diễn biến lạm phát năm tới sẽ phụ thuộc nhiều vào giá dầu, trong bối cảnh các vấn đề địa - chính trị vẫn đang diễn biến phức tạp trên thế giới. Tuy nhiên, bất cứ khi nào lạm phát trung bình năm ở Việt Nam vượt mức 4-5%, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ đưa ra các biện pháp điều tiết phù hợp để đảm bảo môi trường kinh tế ổn định.
Bà kỳ vọng gì ở chính sách vĩ mô của Việt Nam trong năm tới, thưa bà?
Trong năm 2024, chúng tôi không kỳ vọng NHNN sẽ có các thay đổi lớn trong lãi suất chính sách giống như năm 2022 và 2023. Điều này sẽ tạo thuận lợi cho thị trường chứng khoán (TTCK). Lý do là vì Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã ở vào cuối chu kỳ tăng lãi suất và được dự báo sẽ bắt đầu giảm lãi suất vào năm sau, dẫn đến sức mạnh của đồng USD (đo bằng chỉ số DXY) đang có xu hướng giảm.
Lưu ý là nếu đồng USD mạnh lên, NHNN Việt Nam có 3 công cụ để điều tiết tỷ giá là phát hành tín phiếu, bán ngoại tệ can thiệp và tăng lãi suất điều hành. Khi mối lo về sức mạnh đồng USD không hiện hữu và áp lực lạm phát không quá cao thì xác suất của việc tăng lãi suất điều hành sẽ không cao.
Tuy nhiên, đồng VND có thể sẽ chịu sức ép trong năm 2024 và sẽ không ngạc nhiên nếu VND mất giá 2-3% trong năm sau, vì 2 lý do:
Thứ nhất, mức thặng dư thương mại lớn của Việt Nam trong năm 2023 có khả năng sẽ không được duy trì. Thời gian gần đây, các đơn hàng xuất khẩu mới đang tăng trở lại, theo báo cáo Nhà quản trị mua hàng PMI của S&P Global, giúp các nhà sản xuất tại Việt Nam giảm nhanh lượng hàng tồn kho phục vụ xuất khẩu. Sang nửa đầu năm 2024, nếu các đơn hàng mới tiếp tục tăng mạnh, các công ty sản xuất có thể gia tăng nhập khẩu nguyên vật liệu phục vụ sản xuất và lấp đầy hàng tồn kho. Điều này có thể khiến nhu cầu nhập khẩu tăng và tạo thêm áp lực lên tỷ giá trong ngắn hạn đầu năm.
Thứ hai, mức lãi suất VND vẫn thấp hơn đáng kể so với mức lãi suất USD, khi NHNN theo đuổi chính sách nới lỏng hỗ trợ tăng trưởng trong khi Fed vẫn đang duy trì mức lãi suất cao; sẽ kích thích hoạt động kinh doanh chênh lệch lãi suất (carry trade), cũng gây ra áp lực nhất định đối với tỷ giá.
Tuy nhiên, chúng tôi không kỳ vọng VND sẽ mất giá hơn mức 2-3% trong năm sau vì NHNN đã thể hiện rõ quan điểm trong năm ngoái và các tuần gần đây bằng cách thực hiện các biện pháp ổn định tỷ giá.
Niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài đối với nền kinh tế Việt Nam hiện nay như thế nào, thưa bà? Họ hiện đang quan tâm lĩnh vực đầu tư nào nhất?
Các nhà đầu tư nước ngoài vẫn luôn đặt niềm tin vào khả năng phát triển bền vững của nền kinh tế Việt Nam. Có thể lấy dẫn chứng số liệu về đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Trong 11 tháng đầu năm 2023, với bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước tăng trưởng chậm, tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam vẫn tăng 14.8% so với cùng kỳ năm trước, đạt gần 28.9 tỷ USD. Vốn FDI giải ngân trong 11 tháng đầu năm tại Việt Nam đạt 20.3 tỷ USD, tăng 2.9% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn FDI giải ngân cao nhất của 11 tháng trong 5 năm qua; trong đó, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm trên 80% tổng vốn giải ngân. Có thể thấy, sự tăng trưởng của dòng vốn FDI, đặc biệt là vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, là minh chứng rõ ràng về niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài đối với nền kinh tế Việt Nam.
Về đầu tư gián tiếp nước ngoài (FII), cụ thể hơn là TTCK, qua những cuộc tiếp xúc của chúng tôi với các nhà đầu tư nước ngoài, họ đều thể hiện sự quan tâm lớn đến triển vọng của TTCK Việt Nam trong những năm tới. Việt Nam vẫn luôn thuộc nhóm các nước có nền kinh tế tăng trưởng cao hàng đầu thế giới.
Các nhà đầu tư nước ngoài còn đánh giá cao sự ổn định về kinh tế - chính trị - xã hội của Việt Nam, sự gia tăng về thu nhập và nhu cầu tiêu dùng của 100 triệu người dân, khả năng thu hút vốn đầu tư nước ngoài khi các tập đoàn đa quốc gia đang áp dụng chiến lược Trung Quốc + 1 và khả năng nâng hạng của TTCK Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi trong 2-3 năm tới.
Cụ thể, bà dự đoán TTCK Việt Nam trong năm 2024 sẽ diễn biến theo xu hướng nào?
Trong năm 2024, VinaCapital kỳ vọng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết sẽ tăng trưởng khoảng 19%, cao nhất trong ASEAN và cao hơn cả Trung Quốc, Ấn Độ - hai thị trường có truyền thống tăng trưởng cao của châu Á. Động lực tăng trưởng của TTCK sẽ đến từ mức tăng trưởng lợi nhuận cao và định giá hấp dẫn hiện tại của thị trường.
Với mức tăng trưởng lợi nhuận trung bình 19% của các doanh nghiệp niêm yết trong năm 2024, P/E của VN-Index cho năm 2024 sẽ về khoảng 9.6 lần; với mặt bằng giá cổ phiếu hiện tại, gần như là mức thấp nhất trong vòng 10 năm qua và thấp hơn khoảng 25% so với mức định giá của các nước ASEAN-5 (Singapore, Malaysia, Indonesia, Philippines và Thái Lan).
Ngoài việc đang có định giá thấp và lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết được kỳ vọng sẽ tăng trưởng cao trong năm 2024, có một yếu tố được xem là bước ngoặt của TTCK Việt Nam là khả năng sẽ được nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi. Hiện tại, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, các cơ quan liên quan và các công ty chứng khoán đang hết sức nỗ lực để đưa hệ thống giao dịch KRX vào vận hành sớm và loại bỏ quy định các nhà đầu tư tổ chức phải ký quỹ 100% trước khi giao dịch mua chứng khoán.
Nếu TTCK Việt Nam được nâng hạng, chúng tôi ước tính tỷ trọng cổ phiếu Việt Nam sẽ chiếm khoảng từ 0.7% đến 1.2% trong rổ chỉ số thị trường mới nổi của MSCI và FTSE Russell, và dòng vốn nước ngoài đổ thêm vào TTCK Việt Nam có thể lên tới 5-8 tỷ USD.
Bà đánh giá như thế nào về hoạt động của khối ngoại trong năm qua và dự báo cho năm 2024?
Tính trong 10 tháng đầu năm 2023, khối ngoại đã bán ròng khoảng 9.2 ngàn tỷ đồng trên TTCK Việt Nam. Tuy nhiên, không chỉ ở Việt Nam, khối ngoại cũng bán ròng trên các TTCK khác trong khu vực ASEAN. Nguyên nhân chủ yếu là do Fed liên tục tăng lãi suất để chống lạm phát, khiến cho đồng USD mạnh lên, lãi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm có thời điểm đã vượt 5% - mức cao nhất kể từ năm 2007. Do đó, dòng tiền đã bị rút ra khỏi các TTCK mới nổi.
Tuy nhiên, điểm đáng lưu ý là vào những thời điểm TTCK Việt Nam giảm mạnh và định giá trở nên rẻ, như vào giai đoạn tháng 11/2022 đến tháng 3/2023, hay vào cuối tháng 10/2023, khối ngoại vẫn tăng cường mua ròng trên thị trường để tích lũy cổ phiếu với định giá hấp dẫn.
Nhìn sang năm 2024, với việc triển vọng kinh tế Việt Nam sẽ tốt hơn, nhiều khả năng Fed đã kết thúc chu kỳ tăng lãi suất và sẽ bắt đầu những lần giảm lãi suất đầu tiên trong năm 2024, đồng USD đang trong xu hướng yếu đi, nhiều khả năng dòng tiền nước ngoài sẽ trở lại các TTCK mới nổi và cả Việt Nam.
Riêng đối với TTCK Việt Nam, với khả năng sẽ được nâng hạng lên thị trường mới nổi trong 2-3 năm tới, sẽ có những dòng vốn ngoại đón đầu sự kiện nâng hạng này. Nhìn vào các quốc gia đã từng được nâng hạng TTCK, thông thường dòng vốn cả trong và ngoài nước sẽ đổ vào mạnh mẽ trong vòng 1-2 năm trước thời điểm được nâng hạng chính thức.
Vậy theo bà, nhà đầu tư nên có chiến lược như thế nào trong thời gian tới?
TTCK năm 2024 được dự báo sẽ tiếp tục hồi phục. Một số lĩnh vực sẽ có triển vọng tích cực như các ngành công nghệ thông tin, khu công nghiệp, cảng biển, hàng tiêu dùng, xuất khẩu. Ngoài ra, một số ngân hàng đang có định giá ở mức hấp dẫn và được kỳ vọng sẽ duy trì mức tăng trưởng khả quan trong những năm tới. Tuy nhiên, không phải tất cả các công ty trong các lĩnh vực nêu trên đều sẽ có kết quả kinh doanh tích cực.
Các nhà đầu tư nên có một chiến lược đầu tư bài bản và kỷ luật, dựa trên phân tích cơ bản từng cổ phiếu, tránh mua những cổ phiếu không có nền tảng cơ bản hoặc định giá đắt; thận trọng khi sử dụng đòn bẩy tài chính (margin).
Đối với các nhà đầu tư không có đủ thời gian và kiến thức để tự đầu tư, có thể xem xét việc mua các quỹ mở. Quỹ mở cung cấp sự đa dạng hóa danh mục đầu tư, giảm rủi ro so với việc tự đầu tư, cho phép các nhà đầu tư tập trung vào công việc chính mà không cần theo dõi thị trường liên tục. Các quỹ mở hoạt động hiệu quả cũng thường có lợi nhuận tốt hơn các chỉ số chứng khoán chung của thị trường.
Xin cảm ơn bà.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường