Giám đốc của Dragon Capital: Thanh khoản 30.000 tỷ đồng/phiên là phi thực tế, chỉ nên ở mức 17.000 tỷ - Nhịp sống kinh tế Việt Nam & Thế giới
Thanh khoản 25.000 - 30.000 một phiên tương đương với 130-160% tổng giá trị vốn hoá thị trường HOSE là không thực tế và mức này khó mà ổn định trong thời gian dài...
Tại toạ đàm trực tuyến Nhận diện cơ hội thị trường chứng khoán nửa cuối năm 2021 do báo Đầu tư tổ chức sáng nay 28/7, ông Lê Quang Minh, Giám đốc Phân tích Đầu tư Công ty CK Mirae Asset Việt Nam nhấn mạnh: Nhịp điều chỉnh của thị trường là đúng vì chúng ta chứng kiến thị trường tăng trưởng mạnh từ đầu năm, tăng rất cao, trong suốt giai đoạn đó ít được điều chỉnh.
“Chúng tôi đã đưa ra yếu tố rủi ro mà thị trường gặp phải là lúc đó VN-Index đang giao dịch ở mức P/E 19,3 lần, gần tiệm cận đường trung bình cộng 2 độ lệch chuẩn (20x). Chứng khoán Việt Nam 20218 cũng từng tiệm cận vùng này, nâng cao chút nữa và thị trường sụt giảm. Chúng tôi cảnh báo nhà đầu tư thì ngay tuần hôm sau thị trường điều chỉnh ngay. Không ai tin được”, ông Minh nói.
Đồng quan điểm, ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc chiến lược đầu tư Công ty Dragon Capital nhấn mạnh: VN-Index đã giảm 13-14% so với mức đỉnh nhưng thị trường Việt Nam trưởng thành một bậc. Đây là vấn đề tốt, “healthy”.
Theo ông Tuấn, thị trường giảm có hai yếu tố: Thứ nhất, dòng tiền nước ngoài rút ra quá mạnh. Tiền rút khỏi sàn chứng khoán Việt Nam năm qua 1,7 tỷ đô, ba năm là 4 tỷ đô. Cộng thêm lượng cho vay ký quỹ tăng đột biến ở các công ty, nếu thị trường muốn lên tiếp thì phải có đợt để chuyển hoá từ người đi vay nhiều sang người chưa vay, chuyển sang dòng tiền mới rẻ hơn vào.
Thứ hai, thị trường giảm 12-13% vừa rồi có nhiều yếu tố về định giá. Tuy vậy, thì định giá cũng tuỳ góc nhìn, có lúc 19x P/E có thể là đắt nhưng có lúc cũng có thể là rẻ, tuỳ thuộc vào mức tăng trưởng lợi nhuận trong tương lai. Nhìn vào Việt Nam cách đây 1,5 tháng trước lúc Covid trở thành thành vấn đề lớn thì tăng trưởng lợi nhuận của thị trường đâu đó 50-52% nếu tính cả Upcom. Covid xảy ra, lợi nhuận có thể giảm xuống, chúng tôi dự tính có thể 40% năm 2021. Năm 2022 với tình Covid có thể được kiểm soát vào tháng 9-11 thì có thể lợi nhuận tăng trên 25%. Khi Covid xong, cũng giống như nước Mỹ, kinh tế tăng đột biến trên kỳ vọng.
Về thanh khoản, theo ông Tuấn, thanh khoản 25.000 - 30.000 tỷ đồng một phiên tương đương với 130-160% tổng giá trị vốn hoá thị trường HOSE là không thực tế và mức này khó mà ổn định trong thời gian dài. Trên thế giới, quan sát cho thấy rất khó để thanh khoản nằm ở mức đó. Thanh khoản HOSE 15.000-17.000 tỷ tương đương với 80% vốn hoá là hợp lý và nên ổn định ở mức này.
Định giá thị trường năm 2021 đâu đó khoảng 14 -15 lần P/E nếu lợi nhuận tăng trưởng 35-40%; Định giá năm 2022, tăng trưởng lợi nhuận 22-25% thì P/E 11 lần. Nếu nhìn định giá thị trường chúng ta kêu đắt thì có một vài công ty trên sàn có định giá cao hơn mức bình thường nhiều, nhưng xét tổng thể thị trường 11,5-12 lần P/E không thể nào nói mắc được.
“Chúng tôi không quan tâm ngắn hạn mất 5 - 10% khi nhìn thấy có thể đạt được 20 - 30% dài hạn. Nên nếu tin vào tăng trưởng lợi nhuận năm 2022 như trên, thì vùng 1.200 - 1.250 điểm là vùng quan tâm, có thể xuống tiền mua cổ phiếu doanh nghiệp tốt”, Ông Tuấn nhấn mạnh.
Đây cũng là vùng giá mà đại diện nhiều công ty chứng khoán cho rằng là thời cơ hợp lý để tích luỹ cổ phiếu. “Chúng tôi đánh giá vùng 1.200 là tích luỹ thêm cổ phiếu, cơ hội mua giá rẻ cho nhà đầu tư mua với, với nhà đầu tư mua rồi cũng an tâm vì thị trường vẫn lên trở lại”, ông Minh (Mirae Asset) nhấn mạnh.
Còn bà Nguyễn Thị Phương Lam, Giám đốc Phân tích và Tư vấn đầu tư Công ty CK Rồng Việt cho rằng, thời điểm cuối tháng 6, định giá VN-Index tương đối cao, thị trường điều chỉnh là điều dễ hiểu, diễn biến về dịch bệnh khiến tốc độ điều chỉnh nhanh hơn. Tuy nhiên, thị trường chứng khoán Việt Nam đang hấp dẫn, đợt điều chỉnh vừa rồi định giá nhiều nhóm ngành hấp dẫn hơn, sắp tới là cơ hội cho nhà đầu tư sàng lọc cổ phiếu.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận