24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Đinh Trọng Thịnh Vip
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2020: Bàn đạp để cải cách hành chính, cắt giảm mạnh chi tiêu công

Nghị quyết giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bởi Covid-19 vừa được Quốc hội thông qua được đánh giá là sẽ có tác động lớn, gỡ khó cho doanh nghiệp; đồng thời là động lực để Nhà nước tiếp tục cải cách hành chính, giảm mạnh chi tiêu công. PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, giảng viên cao cấp Học viện Tài chính đã chia sẻ với Báo Hải quan xung quanh vấn đề này.

Thưa ông, để góp phần hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo động lực phát triển, Quốc hội vừa thông qua Nghị quyết giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2020 đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác. Trong đó, quy định giảm 30% thuế thu nhập năm 2020 cho doanh nghiệp có doanh thu dưới 200 tỷ đồng. Ông đánh giá như thế nào về chính sách này?

- Tại Việt Nam, thống kê cho thấy, trong số các doanh nghiệp đang hoạt động hiện nay, nhóm doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ chiếm tới hơn 90%. Đây là nhóm doanh nghiệp có vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế cũng như ổn định xã hội. Tuy nhiên, đặc điểm của nhóm này là rất dễ bị tổn thương trước những biến động của nền kinh tế, môi trường kinh doanh và cả áp lực cạnh tranh khi hội nhập quốc tế. Thậm chí, ngay cả trong điều kiện bình thường, khả năng sinh lời của nhóm doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ cũng ít hơn các doanh nghiệp khác.

Thực tế cho thấy, trong những thời điểm khó khăn, Quốc hội luôn có những Nghị quyết hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho một số đối tượng, trong đó có doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Lần này cũng vậy, khi doanh nghiệp đang gặp khó bởi dịch Covid-19, thì việc Bộ Tài chính trình Chính phủ trình Quốc hội giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2020 là rất kịp thời.

Việc Quốc hội đã thông qua Nghị quyết giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2020 đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác sẽ góp phần giúp doanh nghiệp vượt qua được khó khăn trước mắt, tăng khả năng tích luỹ nguồn vốn sử dụng cho mục đích lâu dài để tái đầu tư mở rộng, phát triển sản xuất kinh doanh.

Ông có thể phân tích cụ thể hơn vai trò, ý nghĩa của Nghị quyết này tới nhóm doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ?

- Việc giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp cho nhóm đối tượng này chắc chắn sẽ tác động lớn tới hoạt động của doanh nghiệp. Thứ nhất, cái lợi trước mắt có thể nhìn thấy đó là thuế suất được giảm thấp. Việc giảm 30% tương đương với gần 1/3 số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp là một con số không nhỏ, trở thành động lực cho doanh nghiệp nhanh chóng ổn định hoạt động trong bối cảnh khó khăn như hiện nay. Khi thuế giảm, các doanh nghiệp sẽ có cơ hội tích tụ vốn đầu tư. Từ đó, doanh nghiệp đổi mới, nâng cao trình độ thiết bị, máy móc, công nghệ sản xuất kinh doanh.

Thứ hai, doanh nghiệp cũng sẽ có cơ hội tìm kiếm lực lượng lao động với kỹ năng cao, trí sáng tạo và tinh thần kỷ luật tốt. Đồng thời, doanh nghiệp cũng có thể cải thiện quá trình quản lý, hoạt động sản xuất, kinh doanh; hợp lý hóa dây chuyền sản xuất, nâng cao chất lượng lao động.

Thứ ba, trên cơ sở các doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động đầu tư, tìm kiếm nhân tài cho sản xuất kinh doanh sẽ làm cho các nhà đầu tư cảm thấy yên tâm. Từ đó, kích thích đầu tư, sản xuất kinh doanh, góp phần làm cho nền sản xuất tốt hơn. Chính sự tin tưởng của nhà đầu tư góp phần ổn định kinh tế vĩ mô; giúp cho người lao động yên tâm nâng cao năng lực bản thân. Qua đó, giúp nâng cao năng lực nền sản xuất, năng lực quản trị, ý thức của người lao động; đưa nền kinh tế Việt Nam trở thành nền kinh tế công nghiệp cao.

Chính sách này được đánh giá có vai trò quan trọng giúp nhóm doanh nghiệp có doanh thu thấp vượt qua khó khăn, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp. Vậy, để tránh tình trạng “chính sách trên trời, cuộc đời dưới đất”, cơ quan quản lý cần phải làm những gì để đảm bảo công bằng, minh bạch thưa ông?

- Đây cũng là điều mà rất nhiều người lo lắng bởi dù chính sách rất tốt nhưng doanh nghiệp không thể tiếp cận được thì cũng phí hoài. Chính vì vậy, trước hết cần làm tốt công tác tuyên truyền để doanh nghiệp có thể nắm bắt được và tự tìm quyền lợi cho mình. Đặc biệt, tôi cũng muốn lưu ý khi triển khai, các cơ quan quản lý cần thận trọng bởi nguy cơ sẽ không ít doanh nghiệp "trục lợi" từ chính sách này bằng cách cố tình duy trì quy mô nhỏ hay siêu nhỏ, làm trái với tình hình thực tiễn của doanh nghiệp.

Do vậy, cần số hóa, công khai, minh bạch các thông tin về chính sách thuế trên các

website để tránh việc lợi dụng chính sách. Bên cạnh đó, cần tăng cường việc kiểm tra, kiểm soát, đồng thời xử phạt nặng những doanh nghiệp cố tình khai gian để trục lợi chính sách, đảm bảo tính nghiêm minh của chính sách pháp luật.

Bên cạnh việc doanh nghiệp được hưởng lợi thì về phía Nhà nước, chắc chắn ngân sách sẽ không tránh khỏi bị ảnh hưởng. Ông có nhận định như thế nào về điều này?

- Việc Quốc hội ban hành Nghị quyết giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp của năm 2020 cho nhóm doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ thể hiện sự động viên, chia sẻ kịp thời của Nhà nước với những khó khăn, thách thức của cộng đồng doanh nghiệp. Tuy nhiên, khi giảm thuế thu nhập doanh nghiệp và một số thuế khác, nguồn thu ngân sách Nhà nước cũng bị ảnh hưởng. Chúng ta đã biết, nhóm doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ chiếm phần lớn trong tổng số doanh nghiệp đang hoạt động. Do đó, giảm thuế sẽ làm nguồn thu ngân sách nhà nước giảm đi. Việc giảm tới 30% thuế thu nhập doanh nghiệp (tương đương giảm gần 1/3), nghĩa là nguồn thu ngân sách giảm đi rất nhiều.

Tuy nhiên, nguồn thu của ngân sách nhà nước từ rất nhiều loại thuế, phí khác. Ví dụ, chúng ta nói đến việc tăng thuế phí môi trường. Tỷ lệ thuế môi trường trong các sản phẩm hàng hóa, thu nhập của người dân tương đối thấp so với mặt bằng chung của thế giới.

Ngoài ra, khi giảm thuế thu nhập cho doanh nghiệp thì sẽ kích thích họ mở rộng đầu tư, sản xuất; lượng lao động có thu nhập cao tăng lên. Khi đó, việc đóng thuế thu nhập cá nhân sẽ tăng lên. Bên cạnh đó, bằng việc giảm thuế thu nhập sẽ giúp các nhà đầu tư trong và ngoài nước tăng số lượng doanh nghiệp. Từ đó, bù đắp phần nào khoản thu bị hụt do giảm thuế.

Trong giai đoạn đầu khi giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, ngân sách nhà nước sẽ có khó khăn nhất định. Tuy nhiên, chúng ta đang trong quá trình sắp xếp lại, trong đó đẩy mạnh cải cách khu vực kinh tế công, giảm thiểu doanh nghiệp kém hiểu quả, lực lượng ăn lương nhà nước… từ đó giảm chi của ngân sách nhà nước. Rõ ràng, chúng ta đỡ đi phần nào thiếu hụt do nguồn thu giảm.

Tất nhiên, thu ngân sách nhà nước sẽ có thiếu hụt, nhưng nó sẽ là bàn đạp, cơ sở để đẩy mạnh cắt giảm chi tiêu công. Thời gian qua, chi tiêu công quá lớn và trở thành gánh nặng của nền kinh tế, kể cả chi tiêu thường xuyên của một số bộ máy quản lý và doanh nghiệp nhà nước kém hiệu quả. Như vậy, giảm thuế cũng là động lực để chúng ta tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, chi tiêu công. Đồng thời, đẩy mạnh nguồn thu trong tương lai.

Xin cảm ơn ông!

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Theo dõi người đăng bài

Đinh Trọng Thịnh Vip

Tiếp cận các chuyên gia VIP/PRO hàng đầu của 24HMONEY

Nhận ngay bài viết tài chính chuyên sâu

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả