Giải pháp tiền tệ chặn đà tăng giá thịt lợn
Trong cuộc họp của Chính phủ về tình hình giá thịt lợn và bình ổn thị trường những tháng cuối năm diễn ra ngày 18 11, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã chỉ đạo các bộ, ngành hữu quan xem xét tình hình cung – cầu trên thị trường để nhập khẩu 200.000 tấn thịt
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ đầu tháng 2 đến ngày 15/11/2019, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 8.498 xã thuộc 666 huyện của 63 tỉnh, thành phố với tổng số lợn tiêu hủy là 5,88 triệu con, tổng trọng lượng là 337.000 tấn (chiếm hơn 8,8% tổng trọng lượng lợn của cả nước). Đến nay, có 54% số xã có dịch đã qua 30 ngày, trong đó 25 tỉnh, thành phố có trên 50% số xã và 9 tỉnh có trên 85% số xã đã qua 30 ngày; tỉnh Hưng Yên về cơ bản đã hết dịch. Nhiều địa phương đã chủ động chỉ đạo tái đàn có kết quả để cung cấp lợn thịt cho thị trường.
Mặt hàng thịt lợn hiện có trong mọi bữa ăn của các gia đình Việt Nam, giá thịt lợn chiếm 3% trong rổ hàng hóa tính giá CPI của Việt Nam. Trong tháng 10 chỉ riêng giá thịt lợn đã làm cho chỉ số CPI tăng 0,33% trên tổng 0,59%. Giá thịt heo tăng liên tục từ tháng 7 đến tháng 10 năm nay và hiện đà tăng giá chưa có dấu hiệu giảm.
Hiện nay, giá thịt lợn hơi hiện đã tăng lên hơn 70.000 đồng/kg, có nơi lên đến 80.000 đồng/kg. Tại TP.HCM, giá bán bình ổn thị trường các mặt hàng thịt heo hiện ở mức 110.000 đồng/kg thịt đùi, 105.000 đồng/kg thịt vai, 107.000 đồng/thịt cốt lết, 110.000 đồng/kg sườn già, 96.000 đồng/kg chân giò, 105.000 đồng/kg thịt nách, 128.000 đồng/kg thịt nạc (vai, đùi), 132.000 đồng/kg thịt ba rọi.
Thông tin từ các đơn vị nhập khẩu, thịt lợn nhập khẩu từ nước ngoài về Việt Nam hiện nay bao gồm cả phí thuế chỉ vào khoảng 2 USD/kg (tương đương 46.000/kg). Trong cuộc họp về bình ổn giá thịt lợn tuần qua của Sở Công thương TP.HCM, Satra đưa ra giải pháp giảm tải nguồn cung mặt hàng thịt lợn tươi bán trên thị trường trong nước bằng cách nhập khẩu mặt hàng này đưa vào chế biến các thực phẩm phục vụ tết như giò, chả, xúc xích…
Bên cạnh đó, ngành Công thương TP.HCM cũng chỉ đạo các doanh nghiệp phân phối mặt hàng thịt gia súc gia cầm có phương án mặt hàng thay thế như thịt gà, trứng… để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng thường nhật của người dân.
Trước đó, tại cuộc làm việc giữa các TCTD và các hộ chăn nuôi lợn bị dịch phải tiêu hủy ở huyện Củ Chi, NHNN chi nhánh TP.HCM đã chỉ đạo các TCTD trên địa bàn sử dụng tối đa các quy định hiện hành để gia hạn nợ nhưng không chuyển nhóm nợ cho những hộ chăn nuôi lợn tái đàn tạo nguồn cung cho thị trường thịt lợn trong thời gian tới.
Hơn nữa, đợt giảm lãi suất cho vay lần thứ 3 trong năm nay của các NHTM (ngày 18/11) các doanh nghiệp tham gia các chương trình bình ổn thị trường có cơ hội tiếp cận nguồn vốn vay ngắn hạn bằng VND với lãi suất thực tế chỉ khoảng 5%/năm. Đây sẽ là một cơ hội tốt cho các doanh nghiệp phân phối thịt lợn giảm chi phí tài chính cho doanh nghiệp trong điều kiện giá hàng thịt lợn đang tăng.
Theo một đại diện Satra, hoạt động kinh doanh thịt lợn của doanh nghiệp thông thường nguồn hàng được tổ chức gối đầu. Kế hoạch mặt hàng thịt lợn cho mùa cao điểm cuối năm và tết bao giờ doanh nghiệp cũng xây dựng nguồn cung thịt lợn từ 12 tháng trước đó, tuy nhiên đợt dịch tả lợn châu Phi vừa qua do bị tiêu hủy nhiều doanh nghiệp có bị ảnh hưởng nhưng không quá bất ngờ với tình hình cung - cầu thịt lợn trên thị trường.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận