24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Trịnh Vũ Tường
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Giải pháp thúc đẩy phát triển bền vững cho thị trường chứng khoán

Chỉ số VNIndex ngày 18/3/2021 đã vượt ngưỡng 1.200 điểm, tăng 8,8% so với thời điểm cuối năm 2020. Triển vọng TTCK Việt Nam năm 2021 được đánh giá là khả quan, hỗ trợ bởi các yếu tố tích cực, nhiều cơ hội tăng trưởng.

Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam và thế giới vừa trải qua một năm đầy biến động với nhiều cung bậc cảm xúc. Liên đoàn các SGDCK thế giới (WFE) nhận định đây là một năm đặc biệt trong lịch sử với nhiều sự kiện lớn như sự bùng phát trở lại của đại dịch COVID-19, bầu cử tổng thống Mỹ, Brexit, căng thẳng gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc… đã gây ra những bất ổn kinh tế trên diện rộng và một loạt các dự báo bi quan.

Vào tháng 3/2020, TTCK toàn cầu đã chứng kiến ​​mức độ biến động tương đương với cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Tuy nhiên, sau đỉnh điểm bất ổn, thị trường đã nhanh chóng phục hồi và các chỉ số trở về mức trước đại dịch, phản ánh niềm tin mạnh mẽ của nhà đầu tư, khẳng định vai trò của thị trường trong hỗ trợ nền kinh tế.

TTCK Việt Nam cũng nằm trong xu hướng chung khi các chỉ số đều sụt giảm mạnh vào quý I/2020 và phục hồi từ nửa cuối năm 2020. Điều đặc biệt là, so với mức chung của TTCK toàn cầu, TTCK Việt Nam có sự “bứt phá” ngoạn mục khi đạt mức tăng trưởng mạnh mẽ tại nhiều chỉ tiêu. Kết thúc năm 2020, TTCK Việt Nam được đánh giá là 1 trong 10 thị trường có sức chống chịu và phục hồi tốt nhất thế giới trong đại dịch, nhà đầu tư khép lại một năm trong trạng thái “thăng hoa” khi giá trị danh mục đầu tư đã tăng trưởng đáng kể.

Một số điểm nổi bật của thị trường chứng khoán Việt Nam

Tính đến hết năm 2020, chỉ số VN Index đóng cửa ở mức 1.103,87 điểm, tăng 14,9% so với thời điểm cuối năm 2019 và tăng 67% so với thời điểm thấp nhất của năm 2020 (ngày 24/3/2020, đóng cửa ở mức 659,21 điểm). Thanh khoản thị trường được duy trì ở mức cao, liên tục lập các kỷ lục mới. Giá trị giao dịch bình quân năm 2020 đạt trên 7.420 tỷ đồng/phiên, tăng 59,3% so với bình quân năm 2019. Đặc biệt, từ cuối năm 2020 đến hết tháng 2/2021, thanh khoản thị trường cổ phiếu thường xuyên duy trì ở mức cao trên 16.000 tỷ đồng/phiên.

Năm 2020 là một năm thành công của thị trường trái phiếu Chính phủ với huy động vốn ở mức cao nhất đạt hơn 350 nghìn tỷ đồng, tăng 62,6% so với năm 2019. Đặc biệt, lãi suất phát hành giảm trên tất cả các kỳ hạn từ mức lãi suất bình quân 4,59% xuống 2,85%/năm giúp tiết kiệm chi phí huy động vốn của Chính phủ. Trên thị trường thứ cấp, thanh khoản giao dịch TPCP tăng 13% so với năm 2019, bình quân đạt 10.393 tỷ đồng/phiên.

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp ghi nhận nhiều thương vụ phát hành lớn thuộc các lĩnh vực bất động sản, ngân hàng - tín dụng, doanh nghiệp dịch vụ và sản xuất. Phát hành trong nước khoảng 408.000 tỷ đồng, tăng 22,7% so với năm 2019; phát hành ra thị trường quốc tế đạt 185 triệu USD, tương đương 61,7% khối lượng phát hành cả năm 2019.

TTCK phái sinh tiếp tục đóng vai trò phòng vệ rủi ro hiệu quả, có tác dụng ổn định tâm lý nhà đầu tư. Khối lượng giao dịch bình quân năm 2020 tăng 77% so với bình quân năm 2019. Khối lượng hợp đồng mở OI toàn thị trường đến cuối ngày 31/12/2020 tăng 143% so với cuối năm 2019. TTCK phái sinh không chỉ tăng trưởng về lượng mà ngày càng hoàn thiện về chất.

Trước thông tin về diễn biến dịch bệnh, thị trường cơ sở biến động mạnh khiến thanh khoản trên TTCK phái sinh tăng đột biến, cho thấy công cụ này đã từng bước trở thành sản phẩm phòng ngừa rủi ro của nhà đầu tư, được nhà đầu tư sử dụng nhiều trong những thời kỳ thị trường có biến động khó lường. Bên cạnh đó, cơ cấu nhà đầu tư có sự dịch chuyển theo hướng tích cực hơn, tăng tỷ trọng các nhà đầu tư tổ chức, nhà đầu tư nước ngoài, giảm tỷ trọng tham gia của nhà đầu tư cá nhân (tỷ lệ nhà đầu tư cá nhân giảm từ 92,51% năm 2019 xuống 85,86% năm 2020).

Mặc dù là một năm khó khăn của nền kinh tế, song tổng giá trị huy động vốn qua thị trường chứng khoán năm 2020 đạt 413.700 tỷ đồng, tăng 30% so với cuối năm 2019. Quy mô vốn hóa của thị trường cổ phiếu đạt 84,1% GDP năm 2020, vượt mục tiêu đề ra (đến năm 2020 đạt 70% GDP). Tổng dư nợ trên toàn bộ thị trường trái phiếu tính đến cuối tháng 12/2020 đạt khoảng 45% GDP, tăng 17,6% so với cuối năm 2019, trong đó dư nợ TPCP là 27,7% GDP, dư nợ trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) là 15,1% GDP.

Năm 2020 cũng là năm đánh dấu khối lượng tài khoản nhà đầu tư trong nước mở mới tăng kỷ lục bất chấp xu hướng rút ròng tại các thị trường mới nổi, trong đó có Việt Nam. Cụ thể, số tài khoản nhà đầu tư trong nước mở mới đạt gần 394 nghìn tài khoản, tăng 109% so với lượng tài khoản mở mới năm 2019. Riêng tháng 12/2020, nhà đầu tư trong nước mở mới 63.243 tài khoản, vượt xa đỉnh tháng 3/2018 (40.651 tài khoản), đánh dấu số lượng tài khoản mở mới nhiều nhất lịch sử hơn 20 năm phát triển của TTCK Việt Nam.

Sự tham gia của các nhà đầu tư mới đã góp phần quan trọng giúp TTCK Việt Nam hồi phục nhanh và mạnh trong bối cảnh khối ngoại không ngừng bán ròng trong nhiều tháng. Nếu duy trì tốc độ tăng trưởng số lượng tài khoản như hiện nay, TTCK Việt Nam sẽ sớm đạt được mục tiêu đề ra là số lượng nhà đầu tư chứng khoán chiếm khoảng 5% dân số vào năm 2025.

Ngoài những kết quả đạt được về mặt hoạt động, năm 2020 cũng đánh dấu những thành quả trong công tác hoàn thiện thể chế, hệ thống khung pháp lý và chính sách cho TTCK. Kết thúc năm 2020, toàn bộ 4 Nghị định và 11 Thông tư hướng dẫn Luật chứng khoán 54/2019/QH14 đã được ký ban hành.Bên cạnh đó, Ngày 23/12/2020, Chính phủ đã ban hành quyết định số 37/2020/QĐ-TTg về việc thành lập SGDCK Việt Nam theo mô hình công ty mẹ - con trên cơ sở sắp xếp lại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) và Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE). Đây là bước tiến quan trọng trong quá trình tái cấu trúc TTCK, tiến tới nâng cao khả năng cạnh tranh với TTCK các nước trong khu vực và trên thế giới.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động trên TTCK Việt Nam trong năm 2020 còn tồn tại một số hạn chế như: Cấu trúc TTCK còn chưa cân bằng, quy mô thị trường trái phiếu (đặc biệt là thị trường trái phiếu doanh nghiệp) còn khá nhỏ; Cơ sở nhà đầu tư còn chưa cân bằng, bền vững. Các nhà đầu tư tham gia trên thị trường cổ phiếu và TTCKPS chủ yếu là nhà đầu tư cá nhân.

Hoạt động tái cấu trúc các CTCK và công ty QLQ có sự phân hóa mạnh giữa các tổ chức kinh doanh chứng khoán. Quy mô tài chính của một số tổ chức kinh doanh chứng khoán hiện khá thấp so với quy mô thị trường và trong khu vực; Chất lượng quản trị công ty trên thị trường Việt Nam chưa cao. Các doanh nghiệp trên thị trường kể cả doanh nghiệp niêm yết có quy mô lớn mới chỉ dừng lại ở mức tuân thủ các quy định mà chưa thực sự chủ động hướng tới việc cải thiện chất lượng quản trị công ty để nâng cao hoạt động; Tiến trình cổ phần hóa, thoái vốn của doanh nghiệp nhà nước còn chậm trễ.

Triển vọng thị trường chứng khoán năm 2021

Tiếp tục đà tăng trưởng của TTCK năm 2020, những tháng đầu năm 2021, TTCK Việt Nam vẫn duy trì mức tăng tương đối tốt. Chỉ số VNIndex ngày 18/3/2021 đã vượt ngưỡng 1.200 điểm, tăng 8,8% so với thời điểm cuối năm 2020. Theo đánh giá của tôi, triển vọng TTCK Việt Nam năm 2021 là khả quan, có nhiều cơ hội tăng trưởng, được hỗ trợ bởi các yếu tố tích cực như sau:

Kinh tế Việt Nam năm 2021 được đánh giá là có cơ hội phục hồi cao hơn so với nhiều nước khác nhờ công tác quản lý, kiểm soát tốt đại dịch COVID-19. Việc Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại song phương, đa phương sẽ giúp nền kinh tế đất nước phục hồi nhanh. Việt Nam cũng có nhiều khả năng hưởng lợi từ sự dịch chuyển hiện nay của các chuỗi cung ứng sang những quốc gia có chi phí sản xuất thấp.

Theo dự báo của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), kinh tế Việt Nam sẽ hồi phục trong năm 2021 với tốc độ tăng trưởng GDP đạt 6,5%. Trong khi đó, Ngân hàng Thế giới (WB) cũng dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,8% trong năm 2021.

Nội tại TTCK trong nước năm 2021 sẽ có nhiều thay đổi tích cực về chất: Luật Chứng khoán 2019 và 03 Nghị định, 11 Thông tư hướng dẫn có hiệu lực vào đầu năm 2021 sẽ tạo ra hành lang pháp lý chuẩn hóa, góp phần phát triển một thị trường hàng hóa chất lượng hơn, công khai, minh bạch và theo thông lệ quốc tế; Hệ thống bù trừ thanh toán theo mô hình đối tác bù trừ trung tâm (CCP) gắn với hệ thống công nghệ thông tin (CNTT) TTCK mới dự kiến đưa vào vận hành cuối năm 2021 sẽ làm thay đổi cơ cấu thị trường, đảm bảo hệ thống vận hành an toàn, ổn định; Việc thành lập SGDCK Việt Nam sẽ góp phần tạo nên một TTCK tập trung, tạo điều kiện thuận lợi cho việc giám sát, phát triển thị trường, nâng tầm vị thế của TTCK Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế, góp phần thu hút nguồn vốn nước ngoài.

Yếu tố nội tại của doanh nghiệp niêm yết cũng tương đối tốt. Kết quả kinh doanh của doanh nghiệp niêm yết theo báo cáo tài chính quý IV/2020 (chưa kiểm toán) ghi nhận 82% doanh nghiệp có lãi – mức tương đương với quý IV/2019. Trong đó, lợi nhuận sau thuế quý IV/2020 của các công ty niêm yết và công ty đại chúng quy mô lớn tăng 11,8% so với cùng kỳ năm 2019 cho thấy sức chống chịu tốt của doanh nghiệp trước khủng hoảng. Nhiều doanh nghiệp đã tận dụng tốt cơ hội và bức phá mạnh mẽ trong giai đoạn khó khăn.

Với việc Việt Nam vươn lên chiếm thị phần số 1 trong nhóm thị trường cận biên của MSCI sau khi thị trường Kuwait được nâng hạng lên nhóm “mới nổi”, TTCK Việt Nam được kỳ vọng sẽ thu hút đầu tư các quỹ đầu tư vào thị trường cận biên.

Tuy nhiên, triển vọng tăng trưởng của TTCK Việt Nam vẫn phải đối mặt với những nguy cơ lớn: Đại dịch COVID-19 kéo dài trên toàn cầu sẽ là nguy cơ lớn nhất. Từ đầu tháng 3/2021, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã cảnh báo châu Âu về làn sóng lây nhiễm thứ 3 khi số ca mắc mới tăng cao kỷ lục ở nhiều quốc gia tại châu Âu (Pháp đã áp dụng biện pháp cách ly tại Thủ đô Paris) cho thấy tính chất phức tạp và khó lường của đại dịch. Vì vậy, diễn biến của TTCK phụ thuộc vào khả năng kiểm soát dịch bệnh trên thế giới và Việt Nam cũng như mức độ hồi phục của nền kinh tế trong nước và quốc tế.

Bên cạnh đó, hướng đi và những căng thẳng trong cuộc chiến thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc ở nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ mới vẫn là điều nhiều nhà đầu tư quan tâm, tiềm ẩn những rủi ro về chính sách tác động đến nền kinh tế toàn cầu và hoạt động giao thương giữa các nước trên thế giới. Đây cũng là một rủi ro lớn có thể tác động tiêu cực tới hoạt động của TTCK.

Ngoài ra, sức cầu của thị trường đặc biệt là sức mua của nhà đầu tư trong nước cần đủ lớn để giữ đà cho nhịp tăng trưởng của TTCK trong bối cảnh nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng mạnh trên TTCK thời gian gần đây.

Một số giải pháp trọng tâm: Trong bối cảnh trên, đánh giá những cơ hội và rủi ro đối với TTCK trong năm 2021, UBCKNN đề ra một số mục tiêu và giải pháp trọng tâm như sau:

Tập trung vào công tác phổ biến pháp luật, đưa các quy định chính sách mới của Luật Chứng khoán và văn bản hướng dẫn vào thực tiễn, thúc đẩy tính hiệu lực, hiệu quả của chính sách; Trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển TTCK giai đoạn 2021-2030 để định hình mục tiêu, giải pháp về lộ trình phát triển TTCK, thị trường vốn về dài hạn; Hoàn thiện phương án tổ chức thị trường trái phiếu doanh nghiệp và xây dựng, ban hành các quy định, quy chế về trái phiếu doanh nghiệp; Nghiên cứu khuôn khổ pháp lý cho phát triển các dịch vụ mới trên TTCK thông qua hoàn thiện 02 Đề án: Đề án thành lập sàn giao dịch vốn cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo và Đề án nghiên cứu khuôn khổ pháp lý cho hoạt động chứng khoán hóa các khoản nợ và khả năng áp dụng để chuyển đổi các khoản nợ xấu thành chứng khoán giao dịch trên TTCK.

Hoàn thiện thể chế chính sách cho việc vận hành SGDCK Việt Nam sau khi Chính phủ đã ban hành Quyết định số 37/2020/QĐ-TTg, cho phép SGDCK Việt Nam và các Sở con thực hiện đúng chức năng và hoạt động theo quy định tại Luật chứng khoán mới số 54/2019/QH14, cho phép tổ chức các phân mảng thị trường giao dịch một cách thống nhất và hiệu quả.

Trong năm 2021, UBCKNN dự kiến sẽ tiếp tục giới thiệu thêm các sản phẩm giao dịch mới trên TTCK đó là ra mắt sản phẩm Hợp đồng tương lai trái phiếu Chính phủ 10 năm (dự kiến quý I/2021), nghiên cứu để sớm đưa thêm sản phẩm HĐTL trên các chỉ số cổ phiếu mới và các loại chứng quyền có bảo đảm, trái phiếu xanh. Nghiên cứu triển khai số hóa các tài sản tài chính trên thị trường chứng khoán, áp dụng các công nghệ tài chính mới (Fintech).

Tiếp tục thực hiện tái cấu trúc công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ theo đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đưa các tổ chức kinh doanh chứng khoán không đáp ứng điều kiện, chỉ tiêu an toàn tài chính vào diện kiểm soát, kiểm soát đặc biệt, đình chỉ, thu hồi giấy phép hoạt động. Phát triển và đa dạng hóa các loại hình quỹ đầu tư nhằm cải thiện chất lượng cầu đầu tư, hướng tới cầu đầu tư bền vững. Nâng cao chất lượng và đạo đức nghề nghiệp nhân viên hành nghề kinh doanh chứng khoán đồng thời khuyến khích và đẩy mạnh việc chuẩn hóa hoạt động mở tài khoản trực tuyến (e-contract); xác thực khách hàng trực tuyến (EKYC).

Tăng cường công tác thanh tra, giám sát và xử lý vi phạm trên thị trường chứng khoán, tăng cường năng lực giám sát, quản lý và cưỡng chế thực thi của cơ quan quản lý nhà nước đối với thị trường chứng khoán theo thông lệ và chuẩn mực quốc tế. Trong đó, ưu tiên thiết lập các cơ chế giám sát, cảnh báo sớm, có kịch bản phòng ngừa khủng hoảng, đảm bảo hoạt động ổn định của khu vực tài chính quốc gia. Siết chặt kỷ cương kỷ luật của thị trường. Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Tăng cường phối hợp giữa các đơn vị của UBCKNN và các SGDCK, TTLKCK trong giám sát, phát hiện và xử phạt nghiêm các vi phạm về thao túng, nội gián, gian lận.

Xử lý triệt để vấn đề nghẽn lệnh thị trường, đảm bảo thị trường vận hành thông suốt, trật tự và ổn định, bảo vệ quyền và lợi ích của nhà đầu tư. Trước mắt khuyến khích và hỗ trợ tích cực các doanh nghiệp chuyển từ SGDCK TPHCM sang SGDCK Hà Nội. Bên cạnh đó, phối hợp với Tập doàn công nghệ FPT trong việc triển khai áp dụng hệ thống phần mềm đang được vận hành tại SGDCK Hà Nội cho hệ thống giao dịch tại SGDCK TPHCM. Mục tiêu trong năm nay sẽ hoàn thiện và đưa vào vận hành hệ thống giao dịch chứng khoán mới (từ SGDCK Hàn Quốc) cho toàn bộ TTCK.

Đẩy mạnh thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài thông qua đẩy mạnh các giải pháp chính sách cụ thể và thiết thực để sớm đạt mục tiêu về nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam. Trong đó tập trung vào thực hiện nhóm các giải pháp như: tăng quy mô đầu tư cho các NĐTNN thông qua việc gia tăng số lượng các công ty có vốn hóa lớn, thúc đẩy và tạo điều kiện cho doanh nghiệp huy động vốn; Nâng cao chất lượng quản trị doanh nghiệp và báo cáo tài chính; Khuyến khích công bố thông tin bằng tiếng Anh đối với các doanh nghiệp niêm yết có vốn hóa lớn, lập và công bố thông tin báo cáo tài chính theo chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tếnhằm giúp NĐTNN thuận lợi trong đánh giá doanh nghiệp Việt Nam.Bên cạnh đó, tiếp tục mở rộng và tăng cường công tác hội nhập kinh tế quốc tế và liên kết các SGDCK trong khu vực và thế giới.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả