Giải pháp tăng cung nhà ở vừa túi tiền
Tình trạng mất cân đối cung – cầu bất động sản đang trở nên trầm trọng tại các đô thị lớn khiến giấc mơ "an cư lạc nghiệp" của người dân ngày càng xa vời.
Thực tế cho thấy, phân khúc nhà ở giá rẻ luôn duy trì nhu cầu cao trên thị trường song nguồn cung lại đang thiếu hụt trầm trọng.
Dữ liệu nghiên cứu của VARS cho thấy, phân khúc căn hộ chung cư bình dân (giá dưới 25 triệu đồng/m2) đã gần như “tuyệt chủng” trong vài năm gần đây, thậm chí không có khả năng xuất hiện trở lại tại Hà Nội và TP HCM.
Trong giai đoạn 2018 - 2023, không chỉ liên tục sụt giảm về số lượng, cơ cấu nguồn cung căn hộ tại 2 đô thị lớn này ngày càng mất cân đối khi "nghiêng" về phân khúc cao cấp và hạng sang, trong khi tỷ trọng phân khúc giá bình dân (dưới 25 triệu đồng/m2) liên tục đi xuống.
Đến 9 tháng đầu năm 2024, nguồn cung căn hộ chung cư tại Hà Nội chứng kiến đà phục hồi đáng kể, nhưng tình trạng mất cân đối cung - cầu còn nghiêm trọng hơn khi khoảng 80% nguồn cung căn hộ mở bán tại Hà Nội và TP HCM có giá bán từ 50 triệu đồng/m2 trở lên.
Đáng lo ngại hơn, năm 2025 được các chuyên gia dự báo sẽ có khả năng biến mất căn hộ sơ cấp có giá dưới 50 triệu đồng/m2. Câu chuyện về những căn hộ thương mại giá vừa túi tiền – một “lời giải” tiềm năng cho bài toán cung – cầu dường như trở nên quá xa tầm với.
Ông Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho biết người dân có thu nhập trung bình tại Hà Nội ngày càng có xu hướng dịch chuyển ra các huyện vùng ven, nơi hệ thống hạ tầng kết nối chưa được hoàn thiện để mua nhà. Tuy nhiên, ngay cả tại những khu vực này giá nhà cũng không còn “phù hợp” như trước.
Dù phân khúc căn hộ bình dân đang thu hẹp tại các đô thị lớn nhưng nhu cầu sở hữu nhà ở thương mại vừa túi tiền để an cư lạc nghiệp của đại đa số người dân vẫn rất lớn.
Trước bối cảnh này, các chuyên gia đánh giá việc phát triển căn hộ vừa túi tiền vẫn là nhu cầu cấp bách, nhất là tại các đô thị lớn. Ông Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nhấn mạnh việc phát triển nhà ở thương mại giá hợp lý là yếu tố quan trọng giúp thị trường bất động sản ổn định và bền vững. Do đó, các doanh nghiệp bất động sản cần chủ động tìm kiếm và ứng dụng các công nghệ xây dựng hiện đại cùng với việc sử dụng các vật liệu xây dựng mới để giảm chi phí, mang lại sản phẩm phù hợp với khả năng chi trả của người dân.
“Những tiến bộ trong công nghệ xây dựng có thể giảm đáng kể chi phí xây dựng, từ đó góp phần làm hạ giá nhà. Các doanh nghiệp ở Việt Nam hiện nay cần thoát khỏi tư duy truyền thống, rằng nhà ở phải luôn được xây dựng bằng gạch, sắt, thép, theo những tiêu chuẩn xưa cũ. Thay vào đó, cần chuyển sang các vật liệu xây dựng mới, nhẹ hơn và bền hơn nhưng vẫn đảm bảo chất lượng và an toàn” – vị chuyên gia nói.
Còn theo VARS, để giải quyết tình trạng thiếu hụt nguồn cung nhà ở vừa túi tiền cần có sự can thiệp mạnh mẽ từ phía Nhà nước.
Đầu tiên, Nhà nước cần nghiên cứu xây dựng chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ đầu tư phát triển loại hình này, như áp dụng chính sách miễn giảm thuế đất và thuế doanh nghiệp, điều chỉnh quy hoạch linh hoạt, ưu tiên trong quy trình phê duyệt, đề xuất “cộng điểm ưu tiên" khi lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất cho các nhà các chủ đầu tư đã tạo lập nhà ở vừa túi tiền.
Bên cạnh đó, cơ quan quản lý Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ nhu cầu mua nhà của người dân. Chính phủ có thể nghiên cứu thành lập quỹ nhằm hỗ trợ phát triển và duy trì nguồn cung căn hộ giá rẻ. Quỹ này có thể được bổ sung từ ngân sách nhà nước và từ các nhà đầu tư tư nhân.
Quỹ sẽ công bố công khai và minh bạch thông tin về giá bán và giá thuê nhà, giúp người dân dễ dàng tiếp cận và so sánh, từ đó lựa chọn được các sản phẩm nhà ở phù hợp với nhu cầu và khả năng tài chính của họ. Đồng thời quỹ cũng là cơ quan quản lý, tổng rà soát những cá nhân đã mua/thuê các dự án được quỹ này phát triển và tiến hành thu hồi lại nhà nếu phát hiện mua/bán sai quy định, làm giả tài liệu thu nhập và không kê khai tài sản đúng.
Ngoài ra, Nhà nước cần có chính sách để hạn chế động lực đầu cơ, cần sớm nghiên cứu áp dụng thuế bất động sản, hướng tới những chủ sở hữu không đưa bất động sản tham gia hoạt động kinh doanh, hay không triển khai xây dựng sau khi nhận đất…
Đồng thời, Nhà nước cần thành lập các cơ quan hoặc ủy ban giám sát nhà ở, có biện pháp trừng phạt nghiêm khắc đối với các trường hợp đầu cơ, thao túng giá hoặc tăng giá trái phép.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường