menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Khánh Hoàng

Giải pháp nào để doanh nghiệp nội tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu?

​​​​​​​Theo chuyên gia, để có thể hỗ trợ doanh nghiệp nội địa tham gia và khẳng định được vị thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu, cần thay đổi cách tiếp cận trong hợp tác, liên kết

Để hỗ trợ doanh nghiệp nội địa tham gia và khẳng định được vị thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu, theo chuyên gia, cần thay đổi cách tiếp cận trong hợp tác, liên kết…

Theo số liệu mới cập nhật của Bộ Công Thương, hiện cả nước có khoảng 5.000 doanh nghiệp chế biến tham gia cung cấp linh kiện phụ tùng cho nhóm ngành hàng ô tô, cơ khí, trong đó, 70% doanh nghiệp tham gia cung cấp cho các nhà sản xuất trong nước và 8% cung cấp cho nhà xuất khẩu và 17% là tham gia cung cấp cho cả hai. Như vậy, mới có khoảng 30% doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam tham gia được vào chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu.

Đáng nói, câu chuyện doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu đã được nhắc đến nhiều năm qua, thế nhưng cho tới nay, vì nhiều lý do các doanh nghiệp nội địa vẫn đang “dò dẫm” tìm đường.

Nhìn nhận về thực tế đã nêu, không ít ý kiến cho rằng, dù đã đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài trong những năm qua, tuy nhiên, Việt Nam chủ yếu hình thành mối liên kết với một số doanh nghiệp FDI bằng hình thức liên kết dọc bao gồm liên kết ngược và liên kết xuôi. Vì vậy, chỉ có thể tham gia vào những mắt xích có giá trị gia tăng thấp nhất trong chuỗi giá trị toàn cầu...

Đề cập đến nguyên nhân của thực trạng, ông Phạm Tuấn Anh - Phó cục trưởng Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương cho biết, mặc dù Chính phủ đã phối hợp với các tổ chức, doanh nghiệp triển khai các hoạt động tăng cường liên kết giữa các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp Việt Nam, tuy nhiên, sự liên kết giữa doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp FDI còn lỏng lẻo.

Chưa kể, Việt Nam có ngành công nghiệp phát triển sau các nước khu vực 2 - 3 thế hệ, dung lượng thị trường nhỏ chưa đảm bảo quy mô công suất đối với sản phẩm công nghiệp để cạnh tranh về giá với thị trường khác. Dư địa để can thiệp bằng chính sách vào phát triển công nghiệp không còn nhiều do phải tuân thủ các cam kết quốc tế.

Trong khi, tập quán kinh doanh của các doanh nghiệp toàn cầu là thường sử dụng các doanh nghiệp đã từng cung ứng sản phẩm công nghiệp hỗ trợ trong chuỗi sản xuất của họ hoặc các doanh nghiệp cùng quốc tịch, ít tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam trong việc tham gia chuỗi giá trị của các tập đoàn đa quốc gia. Nguồn lực xã hội chưa tập trung nhiều vào đầu tư sản xuất do thời gian thu hồi vốn chậm, lợi nhuận biên kém hấp dẫn so với đầu tư vào lĩnh vực khác.

Đặc biệt, Việt Nam chưa có doanh nghiệp đóng vai trò dẫn dắt mang tính lan tỏa trong ngành công nghiệp; Trình độ doanh nghiệp và chất lượng nguồn nhân lực còn hạn chế; Công tác nghiên cứu và phát triển (R&D), phát triển sản phẩm mới chưa được quan tâm và thiếu nguồn vốn đầu tư...

Trước bài toán đã nêu, để có thể hỗ trợ doanh nghiệp nội địa tham gia và khẳng định được vị thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu, theo chuyên gia, cần thay đổi cách tiếp cận trong hợp tác, liên kết…

Về vấn đề này, TS Nguyễn Đình Cung - nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, trong thu hút đầu tư nước ngoài, nếu chỉ liên kết như hiện nay chỉ dừng ở quy mô nhỏ. Chúng ta có động lực hợp tác, liên kết và phát triển nhưng không có nguồn lực, chính sách hỗ trợ chưa trúng nên liên kết doanh nghiệp trong nước và FDI còn lỏng lẻo. Chúng ta phải tư duy lại cách tiếp cận, phải làm một nghề có thể cung ứng cho tất cả chứ không phải phụ thuộc vào EU hay Hoa Kỳ.

Từ đó, vị chuyên gia này đề xuất, cần thay đổi cách tiếp cận trong hợp tác, liên kết doanh nghiệp trong nước và FDI với tư duy đột phá, tầm nhìn dài hạn hơn. Trên cơ sở đánh giá lại năng lực, thế mạnh để tập trung sản xuất sản phẩm của mình để cung ứng cho chuỗi, tạo thành mắt xích của chuỗi một cách bền vững.

Còn theo TS. Nguyễn Quốc Việt - Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), để thúc đẩy mối liên kết giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước, tận dụng những tác động lan tỏa về mặt công nghệ và giúp doanh nghiệp Việt tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, cần thiết lập liên kết vùng. Chính phủ cần đẩy mạnh phát triển các vùng sản xuất, khu công nghiệp, khu kinh tế để chủ động hơn nguồn cung ứng nguyên liệu, tạo thành chuỗi liên kết khép kín.

Song song với đó, cần đẩy mạnh chuyển giao công nghệ tiên tiến. Cụ thể, về phía Chính phủ, cần hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến đầu tư, chuyển giao công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường và phát triển bền vững… còn doanh nghiệp, cần chủ động hơn trong việc tìm kiếm các cơ hội chuyển giao công nghệ từ các doanh nghiệp FDI. Đồng thời, thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ gắn với chuỗi giá trị toàn cầu.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
1 Yêu thích
3 Chia sẻ
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại