Giải mã “hiện tượng” cổ phiếu phân bón ngành dầu khí
Đầu năm 2021, nhóm cổ phiếu phân bón ngành dầu khí liên tục bứt phá, xác lập vùng giá mới và dự báo sẽ tiếp tục đà tăng trong thời gian tới bởi những triển vọng khá tích cực.
Nhu cầu phân bón trong nước, xuất khẩu tăng
Cổ phiếu DCM (Công ty CP Phân bón dầu khí Cà Mau) nổi lên như một hiện tượng trong thời gian qua, khi đã tăng lên mức 16.900 đồng/cổ phiếu (ngày 10/3), tăng hơn 20% chỉ trong 10 ngày đầu tiên của tháng 3, tăng gấp 3 lần trong vòng 1 năm qua từ mức giá 5.500 - 6.000 đồng/cổ phiếu hồi tháng 3/2020.
Từ đầu tháng 3 đến nay, cổ phiếu DPM (Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất dầu khí - CTCP) cũng tiếp tục tăng mạnh, lên 19.100 đồng/cổ phiếu (10/3), tăng gần 13% kể từ đầu tháng và tăng khoảng 80% trong vòng 1 năm qua.
Theo đánh giá của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), nhóm cổ phiếu ngành phân bón đã và đang tăng trưởng mạnh mẽ. Điều này liên quan đến thị trường thế giới. Theo đó, nhu cầu mạnh mẽ từ hoạt động nông nghiệp năm 2021 từ Brazil và Ấn Độ đã giúp giá Urea trên thị trường thế giới tăng mạnh.
Ngày 28/2, giá Urea giao ngay trên thị trường Trung Quốc đạt 365 USD/tấn, tăng 25,86% từ đầu năm. Còn tại thị trường trong nước tính đến cuối tháng 2, giá Urea đã tăng từ 6.500 đồng/kg lên 8.700 đồng/kg, tăng 33,84% từ đầu năm.
Ngoài ra, sản xuất nông nghiệp được dự báo phục hồi kéo nhu cầu phân bón tăng cao. Tình hình thủy văn thuận lợi sẽ giúp cải thiện tình hình xâm nhập mặn, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất nông nghiệp tại khu vực Nam Bộ trong mùa vụ hè thu 2021.
Trong những tháng đầu năm 2021, trong bối cảnh giá lúa và các nông sản khác đều tăng tốt nên nông dân đã tăng vụ sản xuất, vụ đông xuân kéo dài hơn mọi năm, nhu cầu phân bón khá tốt, giúp sản lượng tiêu thụ phân bón của các doanh nghiệp tăng cao.
Theo PVN, DCM hiện đang duy trì công suất nhà máy trên 110%, sản lượng tiêu thụ vượt xa so với kế hoạch 2 tháng đầu năm. Công ty đang tiếp tục đẩy mạnh sản xuất để tận dụng cơ hội thị trường trong nước cũng như xuất khẩu, đồng thời đón đầu sự phục hồi của sản xuất nông nghiệp trên thế giới trong năm 2021 và dự báo sẽ tiếp tục vào năm 2022.
Cơ cấu tài chính doanh nghiệp lành mạnh
Cũng theo PVN, DPM đang hoạt động sản xuất tích cực nhờ thị trường thuận lợi về cả giá và nhu cầu. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp phân bón còn có nhiều yếu tố hỗ trợ khác nhờ tiềm lực mạnh. Đơn cử như DPM có cơ cấu tài chính lành mạnh. Đến cuối năm 2020, dư vay nợ thuê tài chính ngắn hạn xuống còn 150 tỷ đồng (giảm 27 tỷ đồng so với đầu năm) và dư vay nợ thuê tài chính dài hạn xuống còn 900 tỷ đồng (giảm 163 tỷ đồng so với đầu năm).
Trong khi đó, doanh nghiệp đang có 2.279 tỷ đồng tiền và khoản tương đương tiền và 1.935 tỷ đồng tiền gửi kỳ hạn. Với cơ cấu tài chính lành mạnh, nhiều khả năng DPM vẫn sẽ tiếp tục duy trì chính sách trả cổ tức hấp dẫn 10 - 15% trong các năm tiếp theo.
Theo dự báo của Công ty CP Chứng khoán dầu khí (PSI), doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của DPM năm 2021 ước đạt lần lượt là 8.546 tỷ đồng, tăng 10,1% so với năm ngoái và 790 tỷ đồng, tăng 12,37% so với năm ngoái. Doanh thu dự báo tăng trưởng so với 2020 nhờ sản lượng tiêu thụ phân bón Urea, NPK và NH3 ước tính tiếp tục tăng nhờ nhu cầu phân bón hồi phục.
Giá bán phân bón cũng hồi phục do nhu cầu tăng cao. Biên lợi nhuận gộp giữ ổn định do giá dầu biến động cùng chiều. Theo giả định của PSI, giá dầu Brent trung bình trong 2021 đạt 60 USD/thùng, tuy nhiên giá bán Urea và NPK tăng mạnh sẽ bù đắp chi phí tăng do giá dầu. PSI khuyến nghị “mua” với cổ phiếu DPM với giá mục tiêu 1 năm là 25.800 đồng.
Một yếu tố khác có thể hỗ trợ cho cổ phiếu phân bón ngành dầu khí là nếu đề xuất thuế VAT 5% áp dụng lên các mặt hàng phân bón được Quốc hội thông qua trong năm 2021 sẽ giúp các doanh nghiệp được hoàn thuế VAT các chi phí nguyên vật liệu đầu vào, bảo đảm sự bình đẳng giữa các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước và doanh nghiệp nhập khẩu, giúp doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước nâng cao khả năng cạnh tranh.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận