Giải cứu thanh khoản trái phiếu: Tiền đâu và bơm thế nào?
Nghị định 65 được đặt vấn đề sửa đổi để giải cứu thị trường trái phiếu, nhưng doanh nghiệp cho rằng trước mắt cần phải có tiền để trả nợ đến hạn.
Xem xét lại Nghị định 65
Trong tuần qua, Bộ tài chính tổ chức cuộc họp lắng nghe các thành viên tham gia thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Sau cuộc họp, thông tin cho biết bộ sẽ rà soát khung pháp lý kể cả Nghị định 65, cũng như ghi nhận những góp ý của các doanh nghiệp về trạng thái thị trường hiện nay. Trước đó, Thủ tướng Chính phủ cũng đã yêu cầu phải xem xét lại nghị định này nếu cần thiết.
Nghị định 65 của Chính phủ ban hành năm 2022 thay thế cho Nghị định 153 ban hành năm 2020, quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế vừa được phát hành.
Sau khi Nghị định 65 có hiệu lực, trong tháng 10 chỉ có một đợt phát hành thành công. Thị trường trái phiếu doanh nghiệp cũng suy giảm mạnh khi lượng phát hành giảm 25% so với cùng kỳ trong 10 tháng đầu năm, trong khi giá trị mua lại tăng 50%, lên 152.500 tỉ đồng.
“Các quy định thắt chặt và môi trường lãi suất cao buộc các công ty mua lại nhiều trái phiếu hơn, dẫn đến vấn đề thanh khoản ngày càng nghiêm trọng. Điều này sẽ tác động tiêu cực đến hoạt động đầu tư tài sản cố định và hoạt động đầu tư chung của nền kinh tế”, báo cáo của Công ty chứng khoán Maybank IB hồi đầu tuần đưa ra nhận định.
Những thay đổi chung của Nghị định 65 hầu hết được cho là cần thiết, khi yêu cầu chuẩn hóa lại điều kiện phát hành trái phiếu riêng lẻ, hướng đến nhà đầu tư chuyên nghiệp là tổ chức, và đặc biệt là siết lại tiêu chuẩn nhà đầu tư chuyên nghiệp tham gia sở hữu trái phiếu phát hành riêng lẻ.
Đây cũng là câu chuyện gây tranh cãi về việc nhà đầu tư cá nhân mua trái phiếu. Trái phiếu doanh nghiệp chia hai thị trường là phát hành đại chúng với yêu cầu cao và thời gian xét duyệt lâu, còn thị trường riêng lẻ thì yêu cầu các nhà đầu tư chuyên nghiệp. Tuy nhiên, việc các ngân hàng và công ty chứng khoán “chia nhỏ” lô trái phiếu để bán lẻ cho các cá nhân, mà người mua không nắm rõ rủi ro về đầu tư trái phiếu cũng là một phần nguyên nhân dẫn tới tình trạng hiện nay.
Theo nhóm phân tích của Fiin, tổ chức dữ liệu tài chính có đơn vị xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp, Nghị định 65 hiện nay còn nhiều vướng mắc liên quan đến hoạt động sơ cấp phát hành. Chẳng hạn như cho phép phát hành với mục đích để tái cơ cấu nợ, nhưng giới hạn mục đích sử dụng vốn trái phiếu theo các chương trình, dự án cụ thể nêu trong phương án phát hành. Đây được cho là một trở ngại cho doanh nghiệp chủ động trong công tác quản trị và điều chuyển vốn nội bộ.
Tính khả thi của yêu cầu thực hiện kiểm toán độc lập về tình hình sử dụng số tiền thu được từ việc phát hành trái phiếu đối với trái phiếu còn dư nợ định kỳ 6 tháng, hàng năm cũng là một vấn đề cần được làm rõ.
Trên thực tế, Nghị định 65 không hẳn là nguyên nhân dẫn đến tình trạng hiện nay. Một trục trặc nằm ở thị trường trái phiếu doanh nghiệp là việc các doanh nghiệp bất động sản tranh thủ phát hành quá nhiều trong thời gian qua khi các tiêu chí khá dễ dãi.
“Các công ty bất động sản đã phát hành trái phiếu với các điều kiện dễ dàng, hoặc họ đã bỏ qua các quy định về phát hành trái phiếu. Điều này thúc đẩy Chính phủ chấn chỉnh quy định đối với thị trường trái phiếu non trẻ”, ông Michael Kokalari, chuyên gia Kinh tế trưởng của VinaCapital, bình luận.
Theo vị này, hệ quả hiện nay là sự chênh lệch kỳ hạn giữa việc vay nợ trong khi quỹ đất chỉ có thể tạo ra dòng tiền trong tương lai. Những khoản vay hiện nay thực sự cần phải mua lại hoặc đảo nợ, trong khi khoản trái phiếu mà nhà đầu tư cá nhân mua chủ yếu thời hạn 2-3 năm với lãi suất 10-12%/năm, còn lãi suất tiền gửi ngân hàng kỳ hạn 18 tháng vào năm 2021 chỉ khoảng 7%.
Do đó, theo ông Nguyễn Vũ Long, Tổng giám đốc của Công ty chứng khoán VNDirect, chia sẻ tại cuộc họp với Bộ Tài chính tuần qua, vướng mắc lớn nhất hiện nay trên thị trường trái phiếu chính là dòng vốn thanh khoản của doanh nghiệp.
Theo vị này, trong ngắn hạn thì thanh khoản có thể bù đắp từ tín dụng ngân hàng, nhưng hiện nay các ngân hàng cũng đã “cạn” hạn mức.
Góp ý thêm về Nghị định 65, bà Trần Thị Thu Trang, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần chứng khoán Sài Gòn Hà Nội, đánh giá thị trường sẽ tiếp tục áp lực trong giai đoạn tới, nếu doanh nghiệp chưa có khả năng tìm được nguồn vốn hoặc cơ cấu lại khoản nợ đến hạn. Do đó, vị này đề xuất cơ quan quản lý xem xét lại quy trình thủ tục tạo điều kiện để doanh nghiệp có thể mau chóng phát hành trái phiếu qua kênh đại chúng, thay vì tập trung nhiều vào riêng lẻ (yêu cầu nhà đầu tư chuyên nghiệp) như trước kia.
Giải cứu thanh khoản như thế nào?
Có thể nhận thấy câu chuyện kỳ vọng thị trường đặt nhiều vào việc sửa đổi Nghị định 65, nhưng việc sửa luật thì chưa bao giờ đơn giản. Việc sửa đổi được hầu hết các doanh nghiệp nhận định nếu có thì cũng phải tính bằng năm, thay vào đó, giới kinh doanh lại kỳ vọng nhiều hơn vào việc “giải cứu” thanh khoản trên thị trường.
Trong bối cảnh nhiều bên đánh giá là khó khăn thanh khoản, cơ quan quản lý cũng có hàng loạt động thái mới, chẳng hạn như thành lập tổ công tác để tháo gỡ khó khăn trong lĩnh vực bất động sản, hay những cuộc họp gần đây với Bộ Tài chính, đơn vị quản lý thị trường chứng khoán. Tuy nhiên tốc độ xử lý vẫn được cho là chậm, trong khi tình huống hiện nay chỉ có cơ quan quản lý mới có thể can thiệp được.
Nhìn rộng ra thì có ba trục trặc trên thị trường hiện nay. Thứ nhất là nhu cầu và niềm tin của nhà đầu tư trong nước đối với trái phiếu doanh nghiệp đang ở mức thấp nhất từ trước đến nay. Thứ hai là dòng tiền tháo lui khi nhu cầu mua lại trái phiếu doanh nghiệp đang tăng cao. Thứ ba là bối cảnh lãi suất thả nổi có xu hướng tăng cao càng tăng gánh nặng cho các nhà phát hành.
Thực tế trong thời gian qua cũng rộ lên hàng loạt tin đồn về phương án “giải cứu” thị trường trái phiếu doanh nghiệp và các bất động sản nói riêng. Trong đó bao gồm tin đồn Ngân hàng Nhà nước sẽ tăng chỉ tiêu hạn mức tín dụng thêm khoảng 2%, hay Chính phủ thành lập công ty quản lý tài sản mới để mua lại trái phiếu doanh nghiệp của những công ty “tốt”, chủ yếu là các công ty bất động sản.
Theo khối phân tích Maybank IB, việc bơm tiền cho các quỹ “giải cứu” là phương pháp khả thi nhưng lượng tiền nhỏ sẽ hợp lý hơn (khoảng 20.000-30.000 tỉ đồng, tương ứng khoảng 1 tỉ đô la), và chỉ áp dụng cho các trái phiếu hoặc quỹ trái phiếu có “chất lượng” trên thị trường. Còn phương án sử dụng tiền tại các ngân hàng quốc doanh để “giải cứu” thanh khoản cho các tổ chức phát hành tái phiếu bù đắp nghĩa vụ nợ ngắn hạn là gần như không có cơ sở.
Đại diện VinaCapital đánh giá trong bối cảnh hiện nay, Chính phủ có dễ dàng giải quyết tình hình bằng cách khuyến khích các ngân hàng cho các công ty bất động sản vay, ví dụ như giảm các phương thức kiểm soát của các khoản vay cho các công ty bất động sản.
Tuy vậy, nếu đặt trong bối cảnh áp lực tỷ giá và lạm phát từ bên ngoài còn lớn, việc nới lỏng chính sách tiền tệ trong nước sẽ tiếp tục dẫn đến mối lo ngại khác. Do đó, câu chuyện “giải cứu” vẫn là câu hỏi về việc tiền đâu và “bơm” như thế nào?
Một điểm khác cũng cần lưu ý trong câu chuyện tháo gỡ vướng mắc thị trường hiện nay là tâm lý và niềm tin với các giải pháp về mặt thủ tục hành chính.
Tại cuộc họp với Bộ Tài chính trong tuần trước, một doanh nghiệp chia sẻ sự mong muốn được hỗ trợ bằng cách giải quyết nhanh các hồ sơ pháp lý dự án, đặc biệt là các dự án bất động sản. Việc đưa sản phẩm sớm ra thị trường với giá bán rẻ hơn cũng có thể giúp thu hồi vốn nhanh, từ đó thực hiện nghĩa vụ trả nợ đúng hạn.
Nhận định tương tự, đại diện VinaCapital cho rằng một giải pháp khác cho thị trường hiện nay là Chính phủ có thể đẩy nhanh quá trình phê duyệt các dự án mới, để giảm bớt các vấn đề về thanh khoản của các công ty bất động sản.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận