menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Nguyễn Phi Điệp

Giá xăng sẽ thế nào từ nay tới cuối năm?

Từ nay tới cuối năm giá xăng sẽ biến động ra sao?

Bộ Công Thương dự báo giá thành phẩm thế giới vẫn cao nên giá xăng hai tháng tới có thể quanh 31.000 đồng và quý IV mới có thể giảm về 24.000 đồng.

Giá xăng, dầu bán lẻ trong nước đã có 3 đợt giảm liên tiếp từ đầu tháng 7, đưa mặt hàng này về ngang mức giá hồi tháng 2. Tuy nhiên, giá bán lẻ trong nước phụ thuộc vào giá thành phẩm xăng dầu thế giới. Theo Bộ Công Thương, bình quân giá thành phẩm thế giới vẫn sẽ biến động bất thường, khó lường trong quý III, dao động 145-155 USD một thùng, tức tăng 73-100% so với cùng kỳ 2021.

Nếu nhà điều hành không trích lập vào Quỹ bình ổn, cùng với thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu về mức sàn từ 11/7 (1.000 đồng một lít với xăng, dầu diesel 500 đồng mỗi lít), giá xăng bán lẻ trong nước sẽ dưới 31.700 đồng, còn dầu dưới 27.100 đồng.

Giá xăng sẽ thế nào từ nay tới cuối năm?
Sang quý IV, giá thành phẩm xăng dầu thế giới được dự báo hạ nhiệt, về 110-115 USD một thùng, giúp giảm giá bán lẻ trong nước đáng kể, về dưới 24.000 đồng một lít; dầu dao động 19.000-20.000 đồng.
Giá xăng sẽ thế nào từ nay tới cuối năm?

Với các ngưỡng giá dự báo này, giá thành phẩm thế giới tăng 73-100% so với 2021, nhưng nhờ các công cụ điều hành từ giảm thuế bảo vệ môi trường, quỹ bình ổn, giá bán lẻ trong nước tăng với biên độ ít hơn 35-39%, còn dầu là 51%.

Giá xăng bán lẻ trong nước đã qua 19 đợt điều chỉnh từ đầu năm, trong đó 13 lần tăng và 6 lần giảm giá. So với cuối tháng 6, mỗi lít RON 95-III rẻ hơn 6.800 đồng; E5 RON 92 hạ 6.230 đồng; dầu diesel là 5.160 đồng...

Nhưng hiện mỗi lít xăng RON 95-III vẫn đắt hơn 2.200 đồng; E5 RON92 khoảng 1.900 đồng; còn dầu diesel vẫn cao hơn gần 6.600 đồng... so với hồi tháng 1.

Từ đầu năm 2023, thuế bảo vệ môi trường trở lại mức trước đây, tức 4.000 đồng một lít xăng, 3.000 đồng với dầu, ước giá cơ sở bình quân bình quân năm 2023 với xăng E5 RON 92, RON 95-III dao động 25.000-26.000 đồng một lít; dầu diesel khoảng 20.000 đồng . Các mức giá này được tính toán trên cơ sở dự báo giá thành phẩm xăng dầu thế giới bình quân 100-105 USD một thùng, giảm 23-25% so với 2022.
Nguồn cung xăng dầu là yếu tố quan trọng quyết định cung ứng đủ cho nhu cầu trong nước, gián tiếp tác động tới giá bán. Ở nửa đầu năm, có thời điểm nguồn cung trong nước "trục trặc" do Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn - đơn vị chiếm 35-40% thị phần trong nước - giảm công suất vào cuối tháng 1. Để bổ sung nguồn thiếu hụt từ Nghi Sơn, nhà điều hành phải phân giao tăng nhập khẩu 2,4 triệu m3 xăng dầu trong quý II cho 10 doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu lớn và Nhà máy lọc dầu Dung Quất cũng phải chạy tăng công suất lên 103-105%.

Nửa cuối năm, Bộ Công Thương dẫn báo cáo của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cho biết kế hoạch sản xuất xăng dầu của 2 nhà máy lọc dầu Dung Quất và Nghi Sơn trong nửa cuối năm khoảng 8,3 triệu m3.

Trong đó, sản lượng cung cấp của 2 nhà máy này trong quý III là 3,9 triệu m3 (Dung Quất là 1,98 triệu m3, Nghi Sơn khoảng 2,09 triệu m3).

Lượng cung ứng từ hai nhà máy này sẽ tăng lên khoảng 4,4 triệu m3 trong quý cuối năm. Cùng với sản lượng pha chế condensate từ Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOil), Bộ Công Thương tính toán nguồn cung trong nước 6 tháng cuối năm sẽ đáp ứng 70-80% nhu cầu, còn lại 20-30% sẽ phải nhập khẩu.

Vì thế, bộ này cho hay sẽ có kịch bản phân giao sản lượng nhập khẩu cho các doanh nghiệp xăng dầu để bổ sung, bù đắp nguồn hàng thiếu hụt và không để gián đoạn nguồn cung trong nước. Đồng thời, cơ quan quản lý thị trường sẽ tăng kiểm tra, giám sát thị trường và xử lý hành vi găm giữ hàng trong kinh doanh xăng dầu.

Hiện thị trường nhập khẩu xăng dầu chính của Việt Nam là các nước ASEAN, Hàn Quốc do được hưởng lợi về thuế suất nhập khẩu ưu đãi 8% theo FTA, 0% với dầu.

Để đa dạng hoá thị trường nhập khẩu mặt hàng này, Bộ Tài chính vừa trình Chính phủ đề xuất giảm một nửa thuế suất nhập khẩu ưu đãi (MFN) với xăng, về còn 10%. Chính sách này được kỳ vọng sẽ đa dạng nguồn cung xăng từ các nước như Trung Quốc, Mỹ, khu vực Trung Đông, Nam Mỹ... tránh sự phụ thuộc quá lớn vào một số đối tác như hiện nay trong trường hợp nguồn cung trên thị trường thế giới biến động.

Tuy nhiên, giảm thuế MFN với xăng dầu lại không tác động nhiều tới giá bán lẻ mặt hàng này trong nước. Vì thế, trước dự báo giá xăng dầu thế giới khó lường khi chịu tác động từ bất ổn địa chính trị, nguồn cung dầu thế giới khan hiếm do xung đột Nga - Ukraine... Bộ Công Thương kiến nghị Bộ Tài chính rà soá, đề xuất với cấp có thẩm quyền giảm thêm một số loại thuế trong cơ cấu giá xăng dầu, như thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế nhập khẩu, giá trị gia tăng. Việc này giúp hạ giá xăng dầu trong nước, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, bình ổn thị trường và kiểm soát lạm phát.

Liên quan giảm thuế xăng dầu, Chính phủ trong chỉ đạo mới đây cũng yêu cầu Bộ Tài chính sớm tính toán, trình phương án điều chỉnh, giảm các loại thuế này.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMoney đã kiểm duyệt

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả