Giá xăng dầu tăng cao, vì sao có chuyện càng bán càng lỗ?
Giá xăng dầu thế giới liên tiếp tăng, lên mức cao nhất trong 14 năm qua khiến DN xăng dầu rơi vào tình trạng “càng bán càng lỗ”.
Lỗ chồng lỗ vẫn phải bán hàng
“Quá khó khăn!”, lãnh đạo một doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu lớn, được giao nhiệm vụ tăng sản lượng nhập khẩu để bù đắp phần thiếu hụt từ sản xuất trong nước, than thở.
Theo vị này, hiện doanh nghiệp đang lỗ hàng nghìn tỷ đồng nhưng vẫn phải “cắn răng” hoạt động để đảm bảo đủ nguồn cung.
Dù “càng bán càng lỗ” nhưng những doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu vẫn phải duy trì mở cửa theo quy định. Ảnh: VNE
“Trong công thức tính giá cơ sở, doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu hiện được hưởng chi phí và lợi nhuận định mức là 1.300 đồng/lít.
Tuy nhiên giá cơ sở, bao gồm giá xăng thành phẩm thế giới, thuế, phí... đã vượt giá bán lẻ trong nước khoảng 3.800 - 4.000 đồng/lít, còn dầu gần 5.000 đồng/lít, chưa kể vẫn phải trích hoa hồng cho các đại lý”, vị này nói.
Một doanh nghiệp đầu mối khác ước tính, hiện mỗi tàu xăng dầu nhập về, họ đã lỗ 30 - 40 tỷ đồng, chưa kể chi phí vận hành công ty và nhiều rủi ro khác. Trong khi đó, ngân hàng cấp hạn mức khiến việc nhập hàng khó khăn.
“Mặt khác, còn phải chi trả hoa hồng cho đại lý để giữ hệ thống khi rất nhiều đại lý cho biết khó có thể cầm cự khi lỗ chồng lỗ”, vị đại diện cho hay.
Khẳng định hiện mỗi lít xăng, dầu bán ra lỗ từ 400 - 450 đồng/lít, một đại lý kinh doanh xăng dầu trên địa bàn Hà Nội cho biết, tình trạng này diễn ra nhiều tháng nay, kể từ thời tháng 11/2021 và cao điểm là Tết Nguyên đán Nhâm Dần: “Lúc đó, hoa hồng giảm xuống còn khoảng 100 đồng/lít. Nếu mỗi ngày bán được hàng nghìn lít cũng chỉ lãi vài trăm nghìn. Trong khi, chi phí nhân công, thuê cửa hàng, vận chuyển, lãi suất vay ngân hàng… đã gấp nhiều lần con số đó”.
Sau kỳ điều hành ngày 1/3, hoa hồng được điều chỉnh tăng lên 350 - 370 đồng/lít với xăng E5 RON95; Xăng RON95-III ở mức gần 200 đồng/lít và dầu DO 0.05 mức 320-340 đồng/lít. Tuy nhiên, chỉ một ngày sau đó, mức chiết khấu đã giảm mạnh xuống chỉ còn 110 đồng/lít với xăng và 70 đồng/lít với dầu.
Vị này cho biết, lúc thời điểm ổn định, mức chiết khấu hoa hồng ngưỡng 900 đồng/lít, nếu so với hiện tại thì đại lý đang gặp khó khăn kép khi giá cả leo thang nhưng hoa hồng lại cắt giảm mạnh.
“Chúng tôi bỏ vốn ra để “vận hành ngược”, còn phải chịu quy tắc về đảm bảo nguồn cung, trong khi sản lượng nhập bị hạn chế, chỉ được 10m3, tấn mỗi lần, thay vì 25m3, tấn như trước đây.
Lũy kế trung bình mỗi tháng lỗ khoảng 250 triệu đồng. Số lỗ cuối năm ngoái đến nay đã lên hàng tỷ đồng”, vị này nói và bày tỏ, nếu 1 - 2 tháng tới, tình trạng này vẫn tiếp diễn thì buộc phải cho nghỉ 15 nhân công, tạm thời đóng cửa chờ giá ổn định. Còn nếu tình trạng xấu hơn có thể phải “đóng cửa, chọn hướng đi khác”.
Dự báo từ nhiều chuyên gia cho thấy, giá dầu vẫn tiếp tục tăng, dự báo có thể lên mức 200 USD/thùng, trong khi việc có điều hành giá xăng dầu linh hoạt hay đúng theo kỳ điều hành hiện vẫn phải chờ đợi.
Giải pháp nào?
Để giải quyết vấn đề trên, một số chuyên gia cho rằng cần phải linh hoạt điều hành giá để giảm chênh lệch giá cơ sở và giá bán lẻ, từ đó sẽ giảm được lỗ cho doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu.
Theo Nghị định 95, khi các yếu tố cấu thành biến động làm cho giá cơ sở tăng trên 10% so với giá cơ sở liền kề trước đó, hoặc trường hợp giá các mặt hàng xăng dầu có biến động ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống người dân, Bộ Công thương phải báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định biện pháp điều hành cụ thể.
Một lít xăng hiện có 4 loại thuế: Nhập khẩu, VAT, tiêu thụ đặc biệt, bảo vệ môi trường. Trong thuế suất có hai cách là đánh thuế tương đối (như thuế VAT, nhập khẩu và tiêu thụ đặc biệt với xăng dầu) và tuyệt đối (như thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu). Nếu theo hình thức tuyệt đối thì dù giá lên hay giá xuống Chính phủ chỉ thu được một mức cố định. Khi giá xăng lên rất cao thì cách đánh thuế tuyệt đối có lợi cho người tiêu dùng. Chính vì thế, có ý kiến đề xuất đánh thuế tương đối. Nhưng đánh theo cách thức nào thì vẫn phải bàn bởi mỗi cách có ưu và nhược điểm khác nhau. Cần hài hoà lợi ích giữa người tiêu dùng, doanh nghiệp và Nhà nước, theo Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long
Ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội thẩm định giá Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá cho rằng, nguyên nhân gây nên tình trạng này không phải do lỗi kinh doanh kém cỏi của doanh nghiệp mà là lỗi của cơ chế.
“Đó là “một “nút thắt” mà doanh nghiệp không thể tự cởi. Do đó, cần cải cách mạnh hơn trong điều hành kinh doanh xăng dầu để thực hiện đúng theo cơ chế thị trường.
Có nghĩa là phải thực hiện đa dạng hóa các thành phần kinh tế tham gia; đa dạng hóa các phương thức kinh doanh, trong đó có các phương thức kinh doanh trong thị trường phái sinh”, ông Thỏa nói và cho rằng, cần xóa bỏ việc định giá theo chu kỳ, để doanh nghiệp tự định giá, cạnh tranh về giá theo tín hiệu của thị trường.
Liên quan kiến nghị áp dụng điều chỉnh linh hoạt trong điều hành giá, giảm rủi ro cho doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu khi càng bán càng lỗ do giá vốn cao hơn giá bán lẻ, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công thương cho biết: “Liên Bộ vẫn theo dõi sát để điều hành đảm bảo đúng quy định và hài hòa lợi ích của doanh nghiệp, Nhà nước và người dân”.
Trong khi đó, theo ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, với việc rút ngắn kỳ điều hành từ 30 ngày xuống 15 ngày (theo Nghị định 83) và xuống tiếp mốc 10 ngày theo Nghị định 95 (sửa đổi, bổ sung Nghị định 83), việc điều hành giá đã ngày càng sát hơn với diễn biến thế giới.
“Còn việc điều hành theo ngày, thực tế chưa thể mường tượng được việc ngày nào điều chỉnh ngày ấy, trong khi chúng ta chưa chuẩn bị được lộ trình cho cơ chế thị trường. Bởi, khi điều chỉnh giá theo cơ chế thị trường thì giá sẽ do doanh nghiệp chứ không phải do cơ quan Nhà nước. Khi đó, sẽ kéo theo nhiều xáo trộn về vận hành và kinh tế vĩ mô.
Giá dầu hiện nay không thuần túy phản ánh quan hệ cung cầu như trước mà nó biến động theo tình hình địa chính trị trên thế giới. Nếu có ngày tăng đến 10 USD/thùng thì chúng ta cũng không thể điều chỉnh mỗi ngày như thế được”, ông Bảo nói.
Tuy nhiên, ông Bảo cũng cho rằng trong trường hợp giá tăng “sốc” và nguồn cung không ổn định, xu thế điều chỉnh ngắn hơn chu kỳ cũng cần được xem xét.
Chẳng hạn sau chu kỳ điều hành ngày 1/3, giá dầu biến động phức tạp chưa từng có. Đó là điều mà cơ quan quản lý cần báo cáo Thủ tướng Chính phủ để xem khi nào điều chỉnh là hợp lý, cần thiết.
Nêu quan điểm về giải quyết bài toán hoa hồng, ông Bảo bày tỏ, đây là mối quan hệ kinh tế giữa các doanh nghiệp, tùy thuộc vào chi phí trong cơ cấu giá cơ sở, phụ thuộc vào cách thức lựa chọn mà các doanh nghiệp ký với nhau.
Sửa Nghị định 95, giảm thuế bảo vệ môi trường
Bộ trưởng Bộ Công thương vừa chỉ đạo Vụ Thị trường trong nước sửa đổi bổ sung các nghị định liên quan đến kinh doanh xăng dầu, trong đó có Nghị định 95 theo trình tự, thủ tục rút gọn, trình Chính phủ trong tháng 6/2022.
Nghị định 95 (sửa đổi, bổ sung Nghị định 83) chỉ mới có hiệu lực hơn 2 tháng kể từ ngày 2/1/2022.
Ngày 10/3, Bộ Tài chính đã hoàn thiện dự thảo Nghị quyết điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn. Theo đó, Bộ Tài chính đề nghị giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng là 2.000 đồng/lít; dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn là 1.000 đồng/lít. Đồng thời, đề nghị Nghị quyết có hiệu lực kể từ ngày 1/4/2022 đến hết ngày 31/12/2022.
Lo ngại về nguồn cung
Một doanh nghiệp nằm trong nhóm 10 doanh nghiệp đầu mối được giao nhiệm vụ tăng sản lượng nhập khẩu để bù đắp phần thiếu hụt từ sản xuất trong nước nhận định, với tình hình hiện nay thì “chưa nói trước được điều gì” khi thị trường có rất nhiều yếu tố đáng quan ngại.
Theo vị này, đến thời điểm hiện tại vẫn chưa thể đánh giá được khoảng dừng của giá xăng, dầu thế giới. Bởi vậy, các doanh nghiệp rất lo ngại về nguồn cung khi mỗi ngày càng khan hiếm.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận