Giá xăng dầu ngày 5.9.2020: Bay mất 7% trong tuần
Các hợp đồng dầu thô tương lai tiếp tục lao dốc phiên ngày cuối tuần (4.9), nới rộng đà lao dốc của tuần hơn 7%.
Ngày 5.9, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI hợp đồng giao tháng 10 lùi tiếp 16 cent, về 39,51 USD/thùng; dầu Brent hợp đồng giao tháng 11 cũng lùi tiếp 31 cent, về 42,35 USD/thùng. Trước đó, kết thúc phiên cuối tuần khuya 4.9, dầu WTI giao tháng 10 mất 1,6 USD, tương đương 3,9%, về 39,77 USD/thùng; dầu Brent giao tháng 11 mất 1,41 USD, tương đương 3,2%, xuống 42,66 USD/thùng.
Như vậy, theo dữ liệu của Dow Jones Market, cả hai hợp đồng dầu thô đều khép lại phiên ở mức thấp nhất kể từ ngày 9.7.2020, nới rộng đà lao dốc trong tuần, dầu WTI sụt gần 7,5% và dầu Brent giảm 6,9%. Như vậy, tuần nay giá dầu giảm sâu sau 4 tuần tăng liên tiếp.
Giá dầu giảm mạnh do thị trường lo ngại về triển vọng nhu cầu, cộng thêm đà sụt giảm của thị trường chứng khoán do nhà đầu tư bán tháo và đồng USD giảm mạnh so với các ngoại tệ khác. Giám đốc nghiên cứu hàng hóa tại ClipperData trên MarketWatket cho rằng, do chịu sức ép của đồng USD, giá dầu bị cuốn vào "làn sóng tâm lý né tránh rủi ro" và bán tháo trên thị trường. Chỉ số đồng USD (ICE U.S. Dollar Index) - thước đo diễn biến của đồng USD so với 6 đồng tiền chủ chốt khác – đã tiến 0,4% trong tuần qua. Ngày 4.9, đồng USD đã tăng trở lại nhờ tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ giảm 1,8% trong tuần này. Tuy nhiên, nhu cầu tiêu thụ xăng dầu mới là mối quan tâm chính, đẩy thị trường chao đảo phiên cuối tuần. Các nhà phân tích nhận định nhu cầu dầu thô tại Mỹ đang bị kìm hãm, nhu cầu tiêu thụ xăng cũng giảm mạnh, trong khi dự trữ lại tăng. Trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu (4.9), hợp đồng xăng giao tháng 10 cũng rớt 2,3%.
Nhu cầu dầu toàn cầu đã phục hồi được 90%, tuy nhiên, trên Reuters, Bộ trưởng Bộ Năng lượng Nga Alexander Novak tuyên bố sẽ đề xuất với Tổ chức các nước sản xuất dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh hành động để phục hồi nhu cầu dầu toàn cầu nhanh hơn, trở lại mức như trước đại dịch vào năm 2021. Ông nói, nếu không có thỏa thuận OPEC+ trong việc cắt giảm sản lượng kỷ lục, ổn định thị trường và giá cả, trong đó Nga là nước đóng góp lớn nhất, thì giá dầu sẽ xuống đến 10 - 20 USD/thùng. Nằm trong thỏa thuận OPEC+, sản lượng khai thác dầu của Nga dự kiến giảm 13,8% so với cùng kỳ năm trước trong 5 tháng cuối năm.
Ở trong nước, ngày 5.9, bảng giá bán lẻ xăng dầu của Petrolimex cho thấy, tùy theo vùng 1 hay vùng 2, giá xăng RON95 từ 15.110 - 15.510 đồng/lít, xăng E5 RON92 từ 14.400 - 14.680 đồng/lít, dầu diesel từ 11.960 - 12.500 đồng/lít, dầu hỏa từ 10.120 - 10.320 đồng/lít.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận