Giá vốn tăng cao, TLH lỗ đậm
Giá vốn tăng mạnh hơn tốc độ tăng của doanh thu, cùng với khoản lỗ nặng từ các công ty liên doanh liên kết, khiến TLH lỗ đậm trong 9 tháng đầu năm.
Báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2024 của Công ty CP Tập đoàn Thép Tiến Lên (HoSE: TLH) ghi nhận doanh thu tăng trưởng 23% so với cùng kỳ, lên 1.633 tỷ đồng. Tuy nhiên, giá vốn cũng tăng mạnh 32% so với cùng kỳ, lên 1.698 tỷ đồng, khiến doanh nghiệp ngành thép này lỗ gộp 65 tỷ đồng, cùng kỳ lãi 36 tỷ đồng.
Giá vốn hàng bán tăng mạnh hơn doanh thu, khiến thép Tiến Lên lỗ đậm
Trong kỳ, doanh thu từ hoạt động tài chính của doanh nghiệp tăng 185% so với cùng kỳ năm trước, lên 37 tỷ đồng, trong khi chi phí cho hoạt động này giảm 7% so với cùng kỳ, xuống còn 25 tỷ đồng, chủ yếu là giảm lãi vay xuống còn 22 tỷ đồng, giảm 13% so với cùng kỳ.
Các chi phí khác như chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp của TLH đều tăng tương ứng 17% và 36% so với cùng kỳ năm trước. Không những vậy, doanh nghiệp còn phải gánh khoản lỗ 43 tỷ đồng từ công ty liên doanh liên kết.
Tất cả các yếu tố trên đã khiến lợi nhuận sau thuế của TLH lỗ gần 123 tỷ đồng. Nguyên nhân chính là do giá vốn hàng bán tăng mạnh hơn tốc độ tăng của doanh thu, cùng với khoản lỗ nặng từ các công ty liên doanh liên kết.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, TLH ghi nhận doanh thu đạt hơn 4.528 tỷ đồng, tăng hơn 13,5% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế lỗ gần 275 tỷ đồng. Đây là mức thua lỗ nặng nhất trong lịch sử hoạt động của doanh nghiệp ngành thép này.
Không chỉ hoạt động kinh doanh cốt lõi thua lỗ, hoạt động đầu tư chứng khoán của doanh nghiệp này cũng đều trong tình trạng thua lỗ. Cụ thể, trong danh mục đầu tư đến cuối quý II/2024, TLH đang nắm giữ cổ phiếu DWG, MSN, VCI, DGC và VND với tổng giá trị gốc là hơn 43,3 tỷ đồng, giá trị hợp lý là hơn 39,8 tỷ đồng, dự phòng lỗ hơn 3,4 tỷ đồng. Đến cuối quý III, danh mục đầu tư của TLH chỉ còn nắm giữ cổ phiếu DGC và VND, với giá trị gốc còn hơn 31 tỷ đồng. Như vậy, trong quý III, TLH đã bán hết cổ phiếu DGW, MSN và VCI.
Trên thị trường, cổ phiếu TLH chỉ có thị giá 5.000 đồng/cp, giảm gần 42% so với hồi cuối tháng 6.
Kết quả kinh doanh ảm đạm của TLH diễn ra trong bối cảnh thị trường thép Việt Nam đang có sự hồi phục tích cực về nhu cầu trong nước cũng như xuất khẩu.
Theo số liệu của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), tổng tiêu thụ thép các loại trong 9 tháng đầu năm 2024 tăng 14,5% so với cùng kỳ năm 2023. Tổng sản lượng thép xây dựngđược tiêu thụ trong 9 tháng đầu năm cũng tăng 12,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, tiêu thụ nội địa đạt trên 7,1 triệu tấn, tăng 11,1% so với cùng kỳ.
Chứng khoán Shinhan Việt Nam đánh giá, sản lượng thép nội địa có sự cải thiện nhờ nhu cầu hồi phục. Tình hình thép hồi phục trở lại nhờ xuất khẩu tăng trưởng và nhu cầu hồi phục của thị trường trong nước. Ngành thép nói riêng và ngành bất động sản nói chung đã trải qua giai đoạn khó khăn nhất và đang trên đà hồi phục.
Chứng khoán Shinhan Việt Nam kỳ vọng, sản xuất thép trong nước sẽ tiếp tục tăng trưởng nhờ sự cải thiện của nền kinh tế cùng với sự trở lại của thị trường bất động sản. Bộ ba Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở và Luật Đất đai có hiệu lực sớm, cùng với sự đẩy mạnh đầu tư công sẽ là động lực thúc đẩy nhu cầu thép tiếp tục tăng trưởng trong giai đoạn 2025-2026.
Công ty Chứng khoán này cho rằng, giá thép nội địa giữ ở mức ổn định trong 9 tháng năm 2024 (13.500 – 14.000 đồng/kg), là vùng giá thấp nhất trong vòng 4 năm trở lại. Nguyên nhân là do: Nhu cầu tiêu thụ trong nước và quốc tế suy giảm; Giá thép trong nước đi cùng xu hướng với giá thép của thế giới khi tình hình bất động sản tại Trung Quốc diễn biến tiêu cực. Song, giá thép nội địa đã tăng gần 500 đồng/kg trong tháng 9/2024 cùng với đà tăng của giá thép Trung Quốc, khi Chính phủ nước này đưa ra các chính sách quyết liệt hơn để “vực dậy" thị trường bất động sản.
Nhóm phân tích kỳ vọng, lượng thép Trung Quốc nhập khẩu vào Việt Nam sẽ sụt giảm do những triển vọng như: Chính sách tiền tệ của Trung Quốc được kỳ vọng sẽ kích thích nền kinh tế qua đó hỗ trợ thị trường bất động sản và thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ thép. Các doanh nghiệp thép tại Trung Quốc sẽ giảm bớt áp lực trong việc tìm nguồn tiêu thụ thay thế.
Bên cạnh đó, Trung Quốc cắt giảm sản lượng sản xuất thép làm tăng giá thép và giảm sản lượng thép xuất khẩu sang các quốc gia khác, do các doanh nghiệp giảm áp lực cạnh tranh và không phải tìm thị trường thay thế nhu cầu thâm hụt trong nước. Cùng với đó, chính sách ngừng sản xuất thép cây tiêu chuẩn cũ từ ngày 25/09/2024 sẽ tiếp tục làm sản lượng của quốc gia này giảm.
Ngoài ra, kỳ vọng kết quả điều tra chống bán phá giá theo Quyết định số 1985/QĐ-BCT (dự kiến có kết quả trong tháng 11/2024) sẽ giảm bớt lượng thép nhập khẩu từ Trung Quốc và Ấn Độ tràn vào Việt Nam, qua đó giảm bớt áp lực cạnh tranh đối với các doanh nghiệp nhập khẩu. Hy vọng những yếu tố này có thể góp phần làm xoay chuyển kết quả kinh doanh của Thép Tiến Lên trong quý cuối năm.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường