menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Nguyễn Ngọc Mai

'Giá vé máy bay cần hài hòa lợi ích'

Theo TS Nguyễn Đức Kiên, ngành hàng không thế giới vẫn gặp khó vì thiếu hụt tàu bay, Việt Nam sẽ không ngoại lệ nếu không có sự cân bằng lợi ích giữa cơ quan quản lý, doanh nghiệp và người dân.

Từ đầu năm đến nay, giá vé trung bình hạng phổ thông trên một số đường bay nội địa tăng cao so với 2023. Cục hàng không Việt Nam đánh giá mức tăng vẫn nằm trong khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách theo quy định hiện hành. Theo TS Nguyễn Đức Kiên, Nguyên Tổ trưởng Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng, để người dân có thể chia sẻ, thông cảm cho doanh nghiệp hàng không, cơ quan quản lý cần đưa ra thông điệp rõ ràng, minh bạch.

'Giá vé máy bay cần hài hòa lợi ích'
TS Nguyễn Đức Kiên, Nguyên Tổ trưởng Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng. Ảnh: NVCC

- Tại sao từ đầu năm đến nay giá vé máy bay nội địa không có dấu hiệu hạ nhiệt thưa ông?

- Trong giai đoạn Covid-19, nhiều hãng hàng không 5 sao trên thế giới phải tái cơ cấu với sự giúp đỡ của Chính phủ các nước. Tại Việt Nam, đội tàu bay giảm mạnh về số lượng do tình trạng khó khăn của Pacific Airlines và Bamboo Airways. Đặc biệt, sự cố về kỹ thuật đối với động cơ máy bay A321 giáng một đòn rất mạnh vào tất cả hãng hàng không trên thế giới. Tiếp đó, sự cố kỹ thuật của Boeing với dòng B737 Max càng làm trầm trọng thêm vấn đề thiếu hụt tàu bay và giá thuê bị đẩy cao.

Do đó, các hãng hàng không Việt Nam còn chưa kịp "hồi sức" sau đại dịch, lại tiếp tục chịu thêm áp lực khác do chi phí đầu vào gia tăng, đẩy giá dịch vụ tăng theo. Xu hướng chung của thế giới là giá vé máy bay tiếp tục tăng cao, tiệm cận với giá trước Covid-19. Thị trường hàng không Việt Nam cũng không ngoại lệ.

- Ở góc độ người làm chính sách, ông nhìn nhận vấn đề này ra sao?

- Dưới góc độ quản lý nhà nước, theo tôi, cần có cái nhìn tổng thể, đặt mục tiêu dài hạn để phát triển, lấy ổn định kinh tế vĩ mô làm trọng tâm, hài hòa lợi ích của ba bên gồm Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng. Người làm công tác hoạch định và truyền thông chính sách cần hiểu rõ bối cảnh để phát đi những thông điệp phù hợp. Theo đó, họ phải đưa ra thông điệp rõ ràng, minh bạch, để người tiêu dùng và doanh nghiệp hiểu nhau hơn, chia sẻ được khó khăn và cùng nhau xây dựng, phát triển thị trường vận tải hàng không Việt Nam lành mạnh.

- Theo ông, cơ quan quản lý và các hãng hàng không cần làm gì để minh bạch cơ chế tính toán các yếu tố cấu thành giá vé máy bay?

- Các hãng hàng không cần tận dụng việc họp báo hàng quý hoặc 6 tháng để cung cấp thông tin cho các cơ quan truyền thông về tình hình sản xuất kinh doanh trong nước và dự báo thị trường quốc tế. Từ đó, người tiêu dùng có thể nắm các thông tin về thị trường chính thống, sớm giúp cho họ quyết định chi tiêu hợp lý. Mặt khác, cơ quan quản lý Nhà nước cũng phải nắm được tình hình thị trường, doanh nghiệp trong lĩnh vực quản lý, kịp thời báo cáo Chính phủ tại cuộc họp định kỳ.

Đồng thời, các hãng hàng không cũng cần phối hợp tốt với các đơn vị nghiên cứu độc lập để có các nghiên cứu chính xác, kịp thời về thị trường. Từ đó, các doanh nghiệp du lịch, hàng không phát triển kế hoạch kinh doanh mới, định hướng sản phẩm và thị trường để người tiêu dùng có nhiều lựa chọn.

'Giá vé máy bay cần hài hòa lợi ích'
Đội tàu bay hiện giảm mạnh về số lượng do tình trạng khó khăn của một số hãng hàng không. Ảnh: Vietnam Airlines

- Kinh nghiệm xử lý tình trạng giá vé máy bay tăng tại các quốc gia trong khu vực thế nào thưa ông?

- Vấn đề này không chỉ trong lĩnh vực vận tải hàng không, còn liên quan đến các phương thức vận tải khác, cũng như sự liên kết tạo thành sản phẩm du lịch thống nhất, bao gồm người vận chuyển, cơ sở lưu trú và điểm du lịch.

Thái Lan, Singapore trong đại dịch cũng gặp khó khăn tương tự các hãng hàng không Việt Nam nhưng Chính phủ các nước có những quyết định rất táo bạo, vượt qua nhiều lý thuyết về tự do kinh doanh để tăng sự can thiệp của Nhà nước vào thị trường. Đơn cử, Thai Airways được Chính phủ Thái Lan bảo trợ cho tuyên bố tái cơ cấu như một doanh nghiệp bị phá sản, nhờ vậy họ cơ cấu lại được các khoản nợ, đổi mới đội tàu bay. Quan trọng hơn, Thái Lan tổ chức một sân chơi thống nhất cho doanh nghiệp hàng không, du lịch và các địa phương trọng điểm du lịch.

Nhờ vậy, lợi nhuận giữa các bên tham gia hình thành sản phẩm du lịch Thái Lan được chia đều. Có thể giá vé chặng ngắn của Thai Airways sẽ rẻ hơn các nước trong khu vực nhưng đổi lại, họ nhận được thêm một khoản phí từ các cơ sở lưu trú, doanh nghiệp dịch vụ ở điểm du lịch vì. Sự chia sẻ này giúp hãng hàng không cân bằng được chi phí hoạt động.

Trường hợp khác, Singapore Airlines được Chính phủ hỗ trợ nâng cấp đội tàu bay mới với chất lượng cao để trở thành một trong những hãng hàng không 5 sao uy tín trên thế giới. Vì vậy, giá khấu hao tài sản của Singapore Airlines thấp hơn việc các hãng phải tự thu xếp nguồn tài chính để đổi mới đội tàu bay. Giá vé các chuyến bay quốc tế của Singapore Airlines tương đương các hãng hàng không 5 sao khác nhưng họ cạnh tranh được nhờ nâng cao chất lượng dịch vụ, kể cả ở trên máy bay, sân bay và điểm đến.

- Vậy theo ông, giải pháp căn cơ để giải quyết vấn đề giá vé máy bay thúc đẩy du lịch trong nước lúc này là gì?

- Việc các động cơ bị nhà sản xuất thu hồi do lỗi kỹ thuật là yếu tốt bất khả kháng với các hãng hàng không. Vì thế, Tổ chức hàng không quốc tế dự báo đến năm 2025, tình trạng thiếu tàu bay rất khó khắc phục. Giải pháp duy nhất hợp lý là kết hợp ba bên: hàng không tăng chuyến bay đêm, cơ sở lưu trú tính giá hợp lý không như bình thường, hành khách chịu vất vả hơn.

- Ông dự báo ra sao về khả năng phục hồi của ngành hàng không thời gian tới?

- Đây là thời kỳ rất đặc biệt của kinh tế thế giới và kinh tế Việt Nam. Chính phủ phát hiện ra được vấn đề và có những động thái quyết liệt để hỗ trợ doanh nghiệp vận tải nói chung và hàng không nói riêng.

Sau khi hoàn thiện quy hoạch, năng lực ngành vận tải công cộng sẽ có khả năng đáp ứng đủ các phân khúc thị trường, từ người có thu nhập cao đến trung bình và thấp. Hiện nay, chúng ta mới nhìn thấy sự phát triển vượt bậc của ngành vận tải ôtô, trong khi hàng không chưa hết khó khăn, đường sắt, hàng hải đang trong giai đoạn chuyển mình... Khi các phương thức vận tải này phát triển đồng bộ mới tạo ra hệ thống hoàn chỉnh với các phương thức hỗ trợ tối đa cho việc đi lại của người dân. Khi đó, chi phí các phương thức sẽ điều chỉnh về mức hợp lý và được người tiêu dùng chấp nhận.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả