Giá vật liệu xây dựng có khả năng "leo" theo giá điện
EVN tăng giá điện sẽ kéo chi phí nhiều ngành sản xuất tăng theo, trong đó có vật liệu xây dựng. Do đó, các doanh nghiệp có thể sẽ sớm tăng giá sản phẩm để bù đắp cho chi phí điện đội lên.
Ngày 4/5, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) chính thức tăng giá điện 3%. Điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chi phí của các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng như sắt thép, xi măng.
Chia sẻ với Đầu tư Chứng khoán, ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư Agriseco cho biết, chi phí điện hiện chiếm khoảng 10 - 15% trên cơ cấu giá vốn của các doanh nghiệp sản xuất sắt thép, xi măng. Theo một số tính toán, giá bán lẻ điện bình quân tăng 3% khiến giá thành thép tăng khoảng 0,18% và 0,45% đối với xi măng, qua đó tác động kém khả quan đến lợi nhuận các doanh nghiệp.
Ông Lê Nam Khánh, Tổng giám đốc Tổng công ty Xi măng Việt Nam (Vicem) đánh giá, chi phí điện đang chiếm tỷ lệ khá lớn nên việc tăng giá điện sẽ tác động không nhỏ đến giá thành sản phẩm. Do đó, trong thời gian tới, ngành xi măng cũng phải tính toán đến phương án tăng giá để bù đắp chi phí sản xuất.
Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2023, ông Lưu Đình Cường, Tổng Giám đốc CTCP Xi măng Vicem Hà Tiên (mã HT1) thông tin, trong năm nay, Công ty sẽ chỉ tăng giá khi giá điện tăng để bù đắp vào phần chi phí điện tăng thêm. Nếu áp dụng giá điện mới, mỗi tháng, Công ty phải chi tăng thêm hàng chục tỷ đồng tiền điện nên chủ trương của Công ty sẽ tăng giá bán để bù lỗ.
Hiện tại, Vicem Hà Tiên vẫn đang nghe ngóng và chuẩn bị các phương án về giá bán sản phẩm. Đồng thời, Công ty sẽ thực hiện cắt giảm các chi phí trong hoạt động kinh doanh để gia tăng nguồn lực và tạo thêm lợi thế.
Tuy nhiên, nếu chi phí điện tăng thêm mà doanh nghiệp không thể chuyển tiếp sang cho người dùng, Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam ước tính, lợi nhuận trước thuế ngành xi măng có thể giảm tới 13%. Điều này cũng tương tự như đối với ngành thép khi lợi nhuận trước thuế các doanh nghiệp có thể đi xuống 15%.
Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho rằng, nếu áp dụng giá điện mới, các doanh buộc phải điều chỉnh giá bán để bù đắp chi phí sản xuất và người tiêu dùng sẽ phải chịu phần chi phí tăng thêm này.
Trong đợt tăng giá điện gần nhất vào tháng 03/2019, nhiều doanh nghiệp vật liệu như sắt thép, xi măng cũng phải điều chỉnh tăng giá mới để bù đắp chi phí sản xuất, đảm bảo hiệu quả kinh doanh. Các thương hiệu như Vicem Hoàng Thạch, Vicem Hạ Long, Vicem Hà Tiên, Vicem Bỉm Sơn,… đã tăng từ 20.000 - 50.000 đồng/tấn. Trong khi đó, các doanh nghiệp thép như Gang thép Thái Nguyên, SSE Steel… cũng tăng từ 100.000 - 200.000 đồng/tấn.
Để giảm thiểu ảnh hưởng của chi phí đầu vào đến hoạt động sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp sản xuất thép và xi măng nhiều khả năng sẽ điều chỉnh tăng giá bán trong thời gian sắp tới.
Không chỉ giá điện, hầu hết các doanh nghiệp còn đang chịu cả sự tác động lớn từ giá nguyên liệu đầu vào tăng. Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4/2023 giảm 0,34% so với tháng trước với 7/11 nhóm hàng hoá giảm giá. Đáng chú ý, mặc dù nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng giảm 0,83%, nhưng so với cùng kỳ năm trước vẫn cao hơn 5,2% do giá nguyên vật liệu xây dựng như xi măng, sắt thép, cát xây dựng và chi phí thuê nhà ở tăng cao.
“Để giảm thiểu ảnh hưởng của chi phí đầu vào đến hoạt động sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp sản xuất thép và xi măng nhiều khả năng sẽ điều chỉnh tăng giá bán trong thời gian sắp tới”, ông Khoa cho biết.
Tuy nhiên, tình hình tiêu thụ vật liệu xây dựng trên thị trường vẫn đang ở mức yếu. Trong quý I/2023, tổng sản phẩm tiêu thụ xi măng, clinker (bao gồm xuất khẩu) đạt 20,76 triệu tấn, giảm tới 19,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Còn với thép, sản xuất thép thành phẩm đạt 6,692 triệu tấn, giảm 20,9%; tiêu thụ thép thành phẩm đạt 6,068 triệu tấn, giảm 25,4% so với cùng kỳ năm 2022.
Từ nay đến cuối năm, thị trường vật liệu xây dựng trong nước được dự báo tiếp tục khó khăn, nhu cầu tiêu thụ xi măng giảm. Do vấn đề suy thoái kinh tế dẫn đến thị trường bất động sản chưa có dấu hiệu hồi phục, các công trình, dự án cũng chậm triển khai, thậm chí phải giãn, hoãn tiến độ do sức ép tài chính. Trong khi đó, động lực lớn nhất là đầu tư công lúc này cũng đang giải ngân với tốc độ tương đối chậm.
Dù vậy, trước những nỗ lực gần đây của Chính phủ và các bộ ban ngành để thúc đẩy kinh tế, ông Khoa kỳ vọng thị trường bất động sản sẽ dần ấm lên để các doanh nghiệp xả hết tồn kho và quay lại đà tăng trưởng.
Tuy nhiên, các nhà kinh tế cũng lo ngại về tình trạng “té nước theo mưa” và các nhà sản xuất sẽ lợi dụng việc tăng giá điện để tăng giá hàng hoá, ảnh hưởng đến người tiêu dùng.
Theo đó, ông Nguyễn Tiến Thoả, Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam cho rằng, nhà nước cần yêu cầu tất cả doanh nghiệp đăng ký giá, kê khai giá phải báo cáo chi tiết giá thành sản xuất kinh doanh của mình khi giá điện tăng 3%.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận