24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Sơn Tuấn
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Giá vật liệu lại “nóng”, lo ngại tiến độ các dự án

Nhu cầu mua vật liệu xây dựng bị hạn chế do giá cả tăng cao

Sau khi các tỉnh đã nới lỏng về việc kiểm soát dịch COVID-19, các công trình xây dựng bắt đầu thi công trở lại. Tuy nhiên, hiện nay giá vật liệu xây dựng vẫn đang ở mức cao, thậm chí như ximăng, sắt thép đã bắt đầu tăng khiến giới chủ thầu công trình đau đầu. Không ít khách hàng ngần ngại xây nhà, các dự án bất động sản sau thời gian “đắp chiếu” lại đứng trước nguy cơ chậm tiến độ.

Giá tăng, thị trường ảm đảm

Ghi nhận của PV Lao Động tại các cửa hàng vật liệu xây dựng trên địa bàn Hà Nội, hiện nay các loại vật liệu xây dựng vẫn đang nóng. Giá một số loại đã tăng cao khiến nhu cầu của người mua bị hạn chế.

Chị Hà Thị Thu - chủ một cửa hàng vật liệu xây dựng trên đường Lê Trọng Tấn (Hà Đông, TP.Hà Nội) - chia sẻ, giá nhiều loại vật liệu xây dựng tăng khoảng 20 - 30%. Tính từ thời điểm đầu năm 2021, giá vật liệu xây dựng đã tăng lên khoảng 40 - 45%. Trong đó, sắt tăng dữ dội nhất. Giá sắt đã tăng khoảng 35% so với trước dịch và tăng khoảng hơn 45% so với đầu năm.

Theo chị Thu, đến nay giá thép lại đồng loạt tăng, các doanh nghiệp điều chỉnh lên mức khoảng 17.000 -192.000 đồng/kg tùy từng thương hiệu… Cụ thể, tính từ đầu tháng 10, giá thép cuộn CB240 của Tập đoàn Hòa Phát tại miền Bắc tăng 460 đồng/kg, hiện ở mức 16.770 đồng/kg; thép cây D10 CB300 tăng 410 đồng/kg, lên mức 16.820 đồng/kg. Với thương hiệu thép Thái Nguyên tại miền Bắc, thép CB240 tăng 860 đồng/kg, lên mức 17.200 đồng/kg, thép D10CB300 tăng 260 đồng, lên mức 17.260 đồng/kg. Thép cuộn CB240 thương hiệu Việt Đức tại miền Bắc cũng tăng thêm 250 đồng/kg, lên 16.950 đồng/kg; thép D10 CB300 tăng 200 đồng/kg, lên 17.200 đồng/kg. Trong khi đó, đến khoảng cuối tháng 10.2021, giá các sản phẩm ximăng đồng loạt tăng 5 - 7% tùy từng khu vực và chủng loại. Điển hình, Công ty Cổ phần Ximăng Hoàng Long điều chỉnh tăng giá bán các loại ximăng bao PCB30, PCB40 từ ngày 20.10 thêm 80.000 VNĐ/tấn trên giá hiện đang áp dụng.

Còn từ hôm nay 25.10, Công ty Cổ phần Ximăng Vicem Bút Sơn điều chỉnh tăng 80.000 VNĐ/tấn so với thời điểm hiện tại (đã bao gồm VAT) đối với tất cả các chủng loại ximăng (bao và rời). Tương tự, Công ty Ximăng Long Sơn cũng áp dụng điều chỉnh tăng 90.000 VNĐ/tấn so với đơn giá đang áp dụng đối với sản phẩm Ximăng bao Hà Trung (PCB30, PCB40). Nhiều loại Ximăng Duyên Hà, Ximăng Nghi Sơn hay Ximăng Vicem Hoàng Mai cũng đều thông báo tăng giá.

Chia sẻ với Lao Động, ông Lê Tuấn Nam - Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng Hoàng Mai (chủ thầu các công trình xây dựng) - cho rằng, dịch đã khiến cho công ty gặp nhiều khó khăn. Việc nhận thầu các công trình phải chững lại, thậm chí không dám nhận thầu do nhiều yếu tố khác nhau. Theo ông Nam, việc giá vật liệu tăng cao sẽ khiến tiến độ của các dự án bất động sản chậm lại là điều dễ hiểu.

Dự án xây dựng nguy cơ đình trệ

Chuyên gia kinh tế PGS-TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, hiện không chỉ thép mà rất nhiều vật liệu xây dựng khác tăng đã làm đội vốn công trình xây dựng. Điều này khiến nhiều dự án đầu tư có sử dụng ngân sách nhà nước có nguy cơ đình trệ. Bởi vật liệu xây dựng tăng đã làm thay đổi tổng vốn đầu tư, nội dung quan trọng nhất trong chủ trương đầu tư và quyết định đầu tư.

“Khi tổng mức đầu tư thay đổi, chủ đầu tư buộc phải đi xin lại chủ trương đầu tư. Thủ tục này có thể kéo dài nhiều tháng, thậm chí hằng năm. Vì vậy, nếu Chính phủ không chỉ đạo quyết liệt, giải ngân đầu tư công năm nay chắc chắn sẽ thấp” - PGS-TS Thịnh nói.

Theo vị này, chúng ta không thể quyết định tổng mức đầu tư ngay từ trong chủ trương đầu tư và quyết định đầu tư bởi đây là yếu tố dễ bị ảnh hưởng bởi biến động giá cả. Theo luật, khi tổng vốn đầu tư thay đổi, chủ đầu tư buộc phải xin điều chỉnh chủ trương đầu tư. Quy định này đang làm chậm trễ rất nhiều dự án đầu tư công lớn hiện nay như Metro ở Hà Nội và TPHCM... gây tốn kém, lãng phí và không hiệu quả.

Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương - cho hay, nhiều doanh nghiệp xây dựng lao đao, đứng trước nguy cơ “vỡ trận”, ảnh hưởng lớn đến tiến độ thi công công trình đã và đang thực hiện vì phần lớn hợp đồng ký đơn giá cố định, làm tiếp cũng lỗ, không làm cũng lỗ do phải đền bù. Điều này ảnh hưởng tới tiến độ thực hiện vốn đầu tư toàn xã hội, tăng trưởng kinh tế năm 2021 và các năm tiếp theo.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả