Giá vàng khó tăng trong tháng 9
Đó là nhận định của ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đầu tư và kinh doanh vàng Việt Nam (VGB).
Giá vàng đang trong xu hướng điều chỉnh sau thời gian tăng mạnh. Theo ông, vàng còn có cơ hội tăng trở lại trong tháng 9?
Nhìn lại thị trường vàng thời gian qua cho thấy, giá vàng thế giới đã tăng mạnh trong cuối tháng 7 và nửa đầu tháng 8, lên 2.067 USD/ounce - cao kỷ lục mọi thời đại (thiết lập ngày 7/8), trước khi giảm trở lại về quanh mức 1.965 USD/ounce như hiện nay. Có 3 lý do khiến giá vàng điều chỉnh giảm:
Thứ nhất là do bị chốt lời sau thời gian tăng mạnh.
Thứ hai là sắp đến ngày bầu cử Tổng thống Mỹ (ngày 3/11) và người có khả năng trở thành tổng thống sẽ nắm trong tay nhiều lợi thế về quyền quyết định chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ quốc gia.
Trong chừng mực nào đó, đương kim tổng thống có thể dùng quyền lực này để làm tăng sức hấp dẫn của nền kinh tế, qua đó củng cố lòng tin của dân chúng đối với chính quyền. Việc kinh tế Mỹ khởi sắc sẽ giúp gia tăng sức mạnh đồng USD và mỗi khi giá trị USD tăng thì giá vàng sẽ giảm do 2 loại tài sản này thường có diễn biến ngược chiều nhau.
Diễn biến trên thị trường chứng khoán Mỹ thời gian qua phần nào chứng minh cho nhận định trên. Trong tuần giao dịch đầu tiên của tháng 9 (tính đến ngày 3/9), các chỉ số chứng khoán chính của Mỹ đều tăng mạnh: Chỉ số ngành công nghệ mới Nasdaq lần đầu tiên trong lịch sử Mỹ vượt ngưỡng 12.000 điểm, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng lên 29.000 điểm và tiến gần đỉnh lịch sử vào ngày 24/2/2020 là 29.500 điểm, chỉ số các công ty sinh học S&P 500 cũng tăng lên mức trên 3.000 điểm. Lúc này, giá vàng thế giới giảm về mức 1.942 USD/ounce.
Nhưng kể từ ngày 4-10/9, chứng khoán Mỹ đã quay đầu giảm điểm trước những cảnh bảo rủi ro đối với nền kinh tế. Trên thị trường vàng, giá kim loại quý này tăng lên vùng 1.965 USD/ounce.
Tuy nhiên, với chính sách đưa lãi suất USD về mức gần bằng 0 của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ cũng như các gói kích thích kinh tế lớn của chính quyền Tổng thống Trump được cho là sẽ giúp nền kinh tế số một thế giới dần tích cực trở lại, cho dù ảnh hưởng của dịch Covid-19 vẫn còn.
Thứ ba là kỳ vọng sớm có vắc-xin/thuốc chữa Covid-19. Đại dịch bùng phát đã tác động tiêu cực đến nền kinh tế toàn cầu, khiến giới đầu tư đổ xô đầu tư vào vàng - vốn được xem là “hầm trú ẩn an toàn” mỗi khi nền kinh tế biến động, qua đó làm giá vàng tăng mạnh. Tuy nhiên, khi có vắc-xin/thuốc, rủi ro dịch bệnh sẽ giảm bớt, tạo cơ sở để giá vàng “hạ nhiệt” và thực tế là một số nước công bố đã điều chế được vắc-xin chữa Covid-19 và sẽ sớm đưa ra thị trường trong thời gian tới.
Với những lý do trên, tôi cho rằng, vàng khó có khả năng tăng trở lại trong tháng 9 này.
Thị trường vàng liên tục biến động, có lẽ vàng là cuộc chơi không dành cho “tay mơ”?
Nhìn lại diễn biến tháng 9/2011, thời điểm giá vàng thế giới đạt mức kỷ lục cũ là 1.924 USD/ounce, song mức giá này chỉ tồn tại trong vài giờ. Còn trong đợt tăng giá vừa qua, giá vàng trụ lại ở mức 2.000 USD/ounce đến đỉnh điểm là 2.060 USD/ounce từ ngày 27/7 đến ngày 11/8, tức lên tới 16 ngày.
Việc giá vàng thế giới được neo ở mức giá cao trong thời gian dài tạo cảm giác kim loại quý này đang thiết lập mặt bằng giá mới. Tại thị trường trong nước, khi vàng vượt qua mức 50 triệu/lượng, nhiều người cho rằng giá vàng sẽ nhanh chóng giảm tương tự như kịch bản của năm 2011. Nhưng thực tế lại hoàn toàn khác khi vàng liên tục phá đỉnh, vượt qua mức 62 triệu đồng/lượng - cao nhất từ trước tới nay.
Giá vàng tăng phi mã khiến nhiều người “sốt ruột”: Người vay nợ vàng thì lo thua lỗ khi giá vàng không ngừng tăng cao, người có tiền nhàn rỗi thì không muốn bỏ lỡ cơ hội một lần nữa vì đã không sớm “vào hàng” từ đợt tăng trước đó.
Mặt khác, lúc này, nhiều dự báo được đưa ra và giá vàng được cho là còn có thể tăng tiếp, lên mức 3.000 USD/ounce vào cuối năm nay. Bởi thế mới dẫn đến tình trạng ồ ạt mua vàng. Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh TP.HCM, doanh số mua vàng trên địa bàn Thành phố trong tháng 7/2020 đạt 132.458 lượng, tăng 51% so với tháng trước đó.
Tất nhiên, không phải tất cả những người mua vàng thời điểm này đều thắng. Người mua ở vùng giá 50-60 triệu đồng/lượng sẽ có lãi, nhưng có lẽ con số này không nhiều, trong khi những người mua ở mức đỉnh 62 triệu đồng/lượng chắc chắn lỗ, bởi giá vàng đã “tụt dốc” ngay sau đó.
Sự lời lỗ còn được cộng hưởng bởi chính sách giá vàng SJC - thương hiệu vàng miếng của Nhà nước. Lâu nay, do thị trường vàng trong nước không liên thông với thị trường quốc tế, giá vàng trong nước thường cao hơn giá vàng thế giới khoảng 3-4 triệu đồng/lượng. Nhưng điểm đáng chú ý là từ 6-10/8, trong khi giá vàng thế giới chỉ giảm khoảng 3%, thì giá vàng SJC giảm khoảng 10% và trong chiều 11/8, lần đầu tiên kể từ tháng 7, giá vàng SJC bán ra ở mức ngang bằng giá thế giới quy đổi.
Cụ thể, giá vàng thế giới từ mức cao nhất 2.063 USD/ounce trong chiều 11/8 đã giảm xuống mức 2.050 USD/ounce trong sáng ngày 12/8, tiếp tục lùi về 2.000 USD/ounce vào buổi trưa và rơi về mức đáy 1.870 USD/ounce vào buổi chiều cùng ngày. Như vậy, từ mức đỉnh 62 triệu đồng/lượng, vàng đã bốc hơi 5 triệu đồng/lượng chỉ trong vài ngày và đến nay mức giảm tăng lên hơn 6 triệu đồng/lượng.
Vậy ông có khuyến nghị gì đối với nhà đầu tư vàng?
Từ những diễn biến trên thực tế, tôi cho rằng, nhà đầu tư vàng nên là những người có hiểu biết, có thông tin, có thời gian và có công cụ giao dịch hữu hiệu cho việc “chơi” vàng, nói cách khác là phải có chiến lược “chốt lời, cắt lỗ” hiệu quả.
Còn hiện nay, phần lớn người tham gia thị trường vàng thường là các doanh nghiệp kinh doanh vàng. Đây là nghề của họ và tài sản của họ khi quy đổi cũng có hệ quy chiếu là vàng. Chính vì thế, việc mặt bằng giá mới được thiết lập như hiện nay là 56 triệu đồng/lượng từ mức 45 triệu đồng/lượng trước đó, tài sản của giới kinh doanh vàng đã nâng lên.
Theo tôi, các doanh nghiệp vàng lớn ở trong nước phần nhiều đã có kinh nghiệm trong việc chuẩn bị tâm thế đối phó với sự biến động thất thường của giá vàng thế giới, đặc biệt là khi gần đến ngày bầu cử Tổng thống Mỹ, bao gồm cả sức mua và sức bán trên thị trường.
Hiện nay, chỉ những doanh nghiệp đủ điều kiện mới được kinh doanh vàng miếng, nhưng loại vàng này đang được giao dịch trên sàn giao dịch điện tử Diễn đàn Vàng Sài Gòn. Ông có cảnh báo gì với nhà đầu tư?
Diễn đàn Vàng Sài Gòn là sàn giao dịch vàng vật chất với mục tiêu kêu gọi người mua và người bán tham gia giao dịch nhằm giảm bớt sự chênh lệch về giá niêm yết tại các cửa hàng vàng khoảng hơn 1 triệu đồng/lượng và với giá vàng thế giới khoảng 2,5 triệu đồng/lượng.
Về bản chất, diễn đàn này phục vụ cho lợi ích của các thành viên tham gia, nhưng vấn đề nằm ở chỗ vàng được giao dịch có đảm bảo chất lượng và đặc biệt là sàn vàng này có hợp pháp hay không?
Về mặt pháp lý, theo Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, Ngân hàng Nhà nước độc quyền quản lý vàng miếng và chỉ những doanh nghiệp đủ điều kiện mới được kinh doanh loại vàng này.
Nếu là sàn giao dịch điện tử thì hàng hóa trên đó được tự do lưu thông theo quy định của Bộ Công thương, nhưng vẫn phải được cấp phép bởi Ngân hàng Nhà nước vì vàng là mặt hàng kinh doanh có điều kiện. Vì thế, nhà đầu tư cần lưu ý tới rủi ro pháp lý khi kinh doanh vàng miếng SJC qua mạng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận