Giá vàng có thể gặp thử thách trong ngắn hạn
Tuần qua, giá vàng trong nước ghi nhận giao dịch lình xình với nhiều pha tăng giảm đan xen có biên độ rộng tới 1,2 triệu đồng/lượng. Theo các chuyên gia, vàng sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều “bài kiểm tra” quan trọng, nhất là vào ngày 10/8, Cục Thống kê Lao động Mỹ sẽ công bố Chỉ số Giá tiêu dùng (CPI) tháng 7.
Ngay phiên đầu tuần 1/8, giá vàng trong nước có xu hướng tăng khi giá vàng kỳ hạn của Mỹ đã tăng do đồng USD yếu đi và các số liệu kinh tế có phần đáng lo ngại của Mỹ.
Sang phiên 2/8, giá vàng trong nước cũng tăng trở lại ngưỡng 68,5 triệu đồng/lượng, cùng thời điểm giá vàng chạm mức cao nhất trong khoảng một tháng giữa bối cảnh căng thẳng Mỹ - Trung Quốc lên cao và lo ngại về khả năng kinh tế Mỹ suy thoái đã làm tăng sự hấp dẫn của vàng, vốn được xem là kênh đầu tư an toàn.
Tiếp diễn biến cùng với giá vàng thế giới, giá vàng trong nước phiên 3/8 được các doanh nghiệp điều chỉnh giảm khi giá vàng thế giới giảm, chủ yếu do đồng USD mạnh lên khi kinh tế Mỹ đón nhận số liệu tích cực về chỉ số PMI. Thậm chí, giá vàng trong nước có thời điểm trong ngày giảm tới 1,2 triệu đồng/lượng.
Phiên 4/8, giá vàng trong nước duy trì niêm yết khi giá vàng tăng lại hơn 1% lên mức cao mới trong một tháng qua, nhờ sự suy yếu của đồng USD và lợi suất trái phiếu chính phủ của Mỹ, giữa lúc giới đầu tư đang dõi theo tình hình quan hệ Mỹ - Trung.
Đến phiên 5/8, giá vàng trong nước tăng, trong khi giá vàng thế giới đi xuống chủ yếu vì báo cáo việc làm mạnh mẽ bất ngờ của Mỹ đã giảm bớt những lo lắng về khả năng suy thoái kinh tế, nhưng tính chung cả tuần, giá kim loại quý này vẫn tăng nhẹ 0,5%.
Đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần 6/8, giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội được Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết ở mức 66,3 – 67,32/ lượng (mua vào – bán ra), không đổi so với chốt phiên hôm qua.
Tại Công ty Vàng bạc đá quý Phú Quý niêm yết giá vàng SJC ở mức 66,3 – 67,3 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng 100 nghìn đồng/lượng ở cả chiều mua vào và bán ra so với chốt phiên hôm qua.
Với mức giá đóng cửa này, giá vàng trong nước giữ nguyên giá trị trong cả tuần qua. Trong khi đó, thị trường vàng thế giới đã có một tuần chịu nhiều chi phối từ các số liệu kinh tế Mỹ song giá vàng thế giới vẫn tăng khiêm tốn 0,5% khi tính chung cả tuần qua.
Ông Michael Hewson, Trưởng nhóm phân tích thị trường tại Công ty Dịch vụ tài chính CMC Markets cho biết, sau tin tức không mấy có lợi từ thị trường lao động Mỹ, vàng sẽ tiếp tục đối mặt với một số “bài kiểm tra” quan trọng tiếp theo trong tuần tới.
Các nhà đầu tư sẽ theo dõi chặt chẽ dữ liệu về cán cân thương mại Mỹ - Trung Quốc dự kiến được công bố vào đầu tuần. Trong trường hợp thặng dư thương mại sụt giảm lớn hơn dự kiến, vàng sẽ khó hội tụ được sức mạnh để tăng giá. Kể từ đầu mùa Hè, các số liệu đáng thất vọng về nền kinh tế Trung Quốc đã đè nặng lên giá vàng trong bối cảnh những thông tin bất lợi này có thể tác động tiêu cực đến triển vọng nhu cầu.
Sang thứ 4 (10/8), Cục Thống kê Lao động Mỹ sẽ công bố Chỉ số Giá tiêu dùng (CPI) cho tháng 7. Báo cáo này nhiều khả năng sẽ ảnh hưởng đáng kể đến việc định giá của thị trường cho quy mô đợt tăng lãi suất vào tháng 9 của Fed. Hiện tại, Công cụ theo dõi FedWatch của CME Group cho thấy có 66,5% xác suất Fed sẽ có thêm một đợt tăng lãi suất 75 điểm cơ bản. Do các quan chức Fed không bác bỏ hoàn toàn một động thái như vậy, chỉ số CPI trên 9% sẽ cho phép những đặt cược vào một Fed "diều hâu" tiếp tục chi phối thị trường và gia tăng áp lực theo hướng giảm đối với giá vàng.
Đại học Michigan sắp công bố Chỉ số Tâm lý Người tiêu dùng sơ bộ cho tháng 8. Thay vì dữ liệu về niềm tin người tiêu dùng, các nhà đầu tư sẽ chú ý đến yếu tố kỳ vọng lạm phát dài hạn của cuộc khảo sát này. Trong phiên bản cuối cùng của tháng 7, kỳ vọng lạm phát dài hạn là 2,8%. Bất kỳ mức kỳ vọng nào trên 3% có thể giúp đồng USD mạnh lên và làm tổn hại đến giá vàng. Ngược lại, mức 2,8% hoặc thấp hơn sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến đồng bạc xanh.
Về dài hạn, ông Louise Street, Nhà phân tích cấp cao EMEA tại Hội đồng Vàng Thế giới dự báo: "Thị trường vàng sẽ mang lại cả cơ hội và thách thức trong nửa cuối năm 2022. Nhu cầu đối với tài sản trú ẩn an toàn có lẽ sẽ tiếp tục khuyến khích hoạt động đầu tư vàng, nhưng việc thắt chặt tiền tệ hơn nữa và sự lớn mạnh liên tục được gia tăng của đồng đô la có thể gây ra nhiều khó khăn. Do nhiều quốc gia đang phải đối mặt với tình trạng suy thoái kinh tế và cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt tiếp tục siết chặt chi tiêu, nhu cầu của người tiêu dùng có thể sẽ giảm xuống dù vẫn có những lĩnh vực đầu tư an toàn".
Trước đó, ông Andrew Naylor, Giám đốc điều hành khu vực Châu Á Thái Bình Dương (không bao gồm Trung Quốc) tại Hội đồng Vàng Thế giới: "Do lo ngại về tình trạng lạm phát leo thang và sự suy yếu của đồng Việt Nam, các nhà đầu tư đã tìm đến vàng để phòng trừ rủi ro".
Ghi nhận của Hội đồng Vàng Thế giới về nhu cầu vàng của người tiêu dùng tại Việt Nam đã tăng từ 12,6 tấn trong quý II/2021 lên 14 tấn trong quý II/2022, tăng 11% so với cùng kỳ năm trước.
Cụ thể, mức tăng trưởng này đạt được bởi tổng nhu cầu vàng thỏi và vàng đồng tăng 5%, từ 9,1 tấn trong quý II/2021 lên 9,6 tấn trong cùng kỳ năm 2022 và nhu cầu vàng trang sức tăng 28%, từ 3,5 tấn trong quý II/2021 lên 4,5 tấn trong quý II/2022.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận