Giá USD tăng "nóng": Gần 24.000 đồng/USD tại "chợ đen", NHNN đã bán ra 7 tỷ USD cân đối cung cầu ngoại tệ?
Theo số liệu thống kê không chính thức, Ngân hàng Nhà nước đã bán ra khoảng 7 tỷ USD để cân đối cung cầu ngoại tệ trong 5 tháng đầu năm nay. Diễn biến cán cân thương mại và cung/cầu USD có thể tạo áp lực lên tỷ giá trong một số thời điểm.
Thống kê cho thấy, tính từ đầu năm đến nay, tỷ giá USD/VND niêm yết tại Vietcombank đã tăng xấp xỉ 2%. Tỷ giá bình quân tại các ngân hàng thương mại tăng khoảng 1,7%, riêng trong tháng 5 và nửa đầu tháng 6, tiền đồng mất giá khoảng 1,0% trên thị trường chính thức.
So với mức thấp nhất ghi nhận vào gần cuối tháng 1, tiền đồng mất giá khoảng 2,5%. Xét về con số tuyệt đối, giá USD tự do có lúc chạm ngưỡng 24.000 đồng ở chiều bán ra.
Tỷ giá bình quân tại các ngân hàng thương mại tăng khoảng 1,7%, riêng trong tháng 5 và nửa đầu tháng 6, tiền đồng mất giá khoảng 1,0% trên thị trường chính thức.
Giá USD tăng "nóng", NHNN đã bán ra 7 tỷ USD để cân đối cung cầu ngoại tệ?
Ghi nhận trên thị trường tự do tính đến đầu giờ sáng nay, giá USD đang được niêm yết phổ biến trong khoảng 23.920 đồng/USD – 23.950 đồng/USD, tăng khoảng 140 đồng chiều mua và 70 đồng chiều bán so với ngày hôm qua.
Phiên giao dịch cuối tuần qua (17/6), tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước niêm yết ở mức 23.089 đồng/USD. Giá tham khảo tại Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước ở mức 22.550-23.250 đồng/USD.
Tại các ngân hàng thương mại, tỷ giá VND/USD cũng liên tục được điều chỉnh tăng trong thời gian gần đây. Đóng cửa cuối tuần qua, giá USD tại Vietcombank được niêm yết ở mức 23.070-23.380 đồng/USD, tăng 70 đồng trong tuần.
Như vậy, giá USD tự do đang cao hơn khá nhiều so với USD tại các ngân hàng thương mại, khoảng 600-800 đồng/USD.
Tuy nhiên, xét theo tỷ lệ % thay đổi thì mức mất giá của tiền đồng trên thị trường tự do cũng vào khoảng 1,6%.
Việc tỷ giá có dấu hiệu tăng nhanh trong thời gian gần đây, chia sẻ với PV, ông Phạm Chí Quang - Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước) cho hay, xét trong bức tranh lớn, tiền đồng vẫn tương đối ổn định so với các đồng tiền khác.
Cụ thể, chỉ số USD Index (đo lường sức mạnh đồng USD với 6 đồng tiền chủ chốt khác) đã tăng trên 9% so với cuối 2021.
Như vậy, đồng USD tăng rất mạnh so với các đồng tiền cơ bản trên thế giới, nhất là các đồng tiền trong khu vực ASEAN đều mất giá rất lớn.
Ví dụ Nhân dân tệ mất giá 5,3%; Won Hàn Quốc mất 4,7%, Đô la Đài Loan mất giá 6%, Bạt Thái 3,4%, cá biệt đồng Yên Nhật Bản mất giá đến gần 16%. Đây là những đối tác có mối quan hệ thương mại, đầu tư rất lớn với Việt Nam - theo ông Quang.
Trong bối cảnh đó, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã duy trì kiểm soát thị trường ngoại tệ rất ổn định, VND chỉ mất giá rất nhẹ, khoảng 1,8% .
Để giữ tỷ giá ổn định trong bức tranh tổng thể như vậy, ông Quang cho biết, Ngân hàng Nhà nước thực hiện đúng chủ trương "dĩ bất biến, ứng vạn biến". Trong đó, mục tiêu hàng đầu là ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát theo đúng Nghị quyết 43 của Quốc hội.
"Để đảm bảo điều đó, những biện pháp ứng phó Ngân hàng Nhà nước rất đa dạng, sử dụng đồng bộ các công cụ, từ lãi suất, thanh khoản, tín dụng, tỷ giá...", ông Quang nhấn mạnh.
Trên thực tế, theo bộ phận nghiên cứu tại Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), ngoài động thái nâng giá bán USD thêm 200 đồng lên 23.250 đồng vào ngày 12/5, thì số liệu không chính thức cho thấy Ngân hàng Nhà nước đã bán ra khoảng 7 tỷ USD để cân đối cung cầu ngoại tệ trong 5 tháng đầu năm nay.
Dự trữ ngoại hối của Việt Nam hiện tại khoảng hơn 100 tỷ USD, tương đương 3,1 tháng nhập khẩu. Số liệu bán ròng USD của Ngân hàng Nhà nước nếu so với quy mô tăng thêm khoảng 13 tỷ USD trong năm 2021 hay so với quy mô bán ròng tỷ giá biến động mạnh vào năm 2015 ở một bối cảnh kinh tế vĩ mô khác cũng đều là rất đáng kể - theo VDSC.
Số liệu không chính thức cho thấy Ngân hàng Nhà nước đã bán ra khoảng 7 tỷ USD để cân đối cung cầu ngoại tệ trong 5 tháng đầu năm nay. (Ảnh: TBKD)
Cán cân thanh toán năm 2022 đối diện nhiều làn gió "ngược"
Cũng theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước và các chuyên gia VDSC, áp lực điều hành tỷ giá từ nay đến cuối năm được đánh giá là vẫn còn rất lớn trong bối cảnh Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vừa tăng thêm 0,75 điểm % lãi suất, đồng thời lộ trình tăng lãi suất của Fed được dự báo sẽ nhanh và mạnh mẽ hơn.
Đặc biệt, diễn biến cán cân thương mại và cung/cầu USD trong nước có thể tạo áp lực lên tỷ giá trong một số thời điểm. Tuy nhiên Ngân hàng Nhà nước vẫn có khả năng can thiệp để cân bằng lại khi cần thiết.
Theo số liệu của Tổng cục Hải Quan, tăng trưởng xuất nhập khẩu trong tháng 5/2022 vẫn duy trì ở mức khá cao, trong đó, xuất khẩu tăng 18,1% so với cùng kỳ và nhập khẩu tăng 14,3%. Cán cân thương mại thâm hụt khoảng 1,7 tỷ USD trong tháng 5, và lũy kế 5 tháng thì thặng dư thương mại đạt 632 triệu USD.
Cán cân thanh toán của Việt Nam năm 2022 sẽ đối diện với nhiều làn gió "ngược".
Về cơ bản, VDSC cho rằng, cán cân thanh toán của Việt Nam năm 2022 sẽ đối diện với nhiều làn gió "ngược".
Thứ nhất, tình hình giá nguyên liệu và nhập khẩu xăng dầu tăng cao là yếu tố không khả quan đối với cán cân thương mại.
Hai là, dòng vốn đầu tư nước ngoài trực tiếp giải ngân dù tăng nhẹ so với cùng kỳ nhưng đồng thời áp lực chuyển lợi nhuận về nước của doanh nghiệp FDI khi lãi suất tăng ở các nền kinh tế phát triển và xu hướng rút ròng vốn đầu tư gián tiếp khiến mất cân đối cung/cầu USD.
Trong hai tuần đầu tháng 6/2022, lãi suất cho vay USD qua đêm đã vượt lãi suất tiền đồng cùng kỳ hạn với khối lượng giao dịch bình quân tăng 31,1% so với mức trung bình trong tháng 5.
Ba là, triển vọng nâng lãi suất của Fed và đồng USD neo ở mức cao khiến nhu cầu tích trữ USD tăng và đẩy giá USD trên thị trường tự do lên mức cao kỷ lục.
Dù vậy, VDSC kỳ vọng tiền đồng mất giá khoảng 2,0-2,5% trong năm 2022, cao hơn 1 điểm % so với dự báo hồi đầu năm.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận