Giá tiêu tăng cao, xuất khẩu hạt tiêu có chạm được mốc tỷ USD?
“Giá tiêu có thể đạt mức 100.000 đồng/kg và tăng ở mức chấp nhận được để có thể duy trì lâu dài, tạo thu nhập cho người nông dân, vì bây giờ bà con cũng đã tính toán cụ thể chứ không ồ ạt đẩy mạnh diện tích khiến cung lớn hơn cầu dẫn đến sụp đổ như trước đây” - Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Hải Nam, Chủ tịch hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) với BizLIVE.
Sau khi đi ngang vào ngày 1/12 thì đến sáng ngày 2/12, tại các tỉnh trọng điểm giá hạt tiêu đồng loạt tăng 1.000 đồng/kg.
Hiện tại tỉnh Gia Lai có mức giá thấp nhất là 83.000 đồng/kg, và tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có mức giá thu mua cao nhất 86.000 đồng/kg.
Tình hình logictics phập phù, giá tiêu sẽ còn tăng đến quý 1/2022
Ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch Hiệp hội Hạt tiêu Việt Nam (VPA) cho biết, hiện nay giá tiêu đang giao dịch từ 83.000 - 86.000 đồng/kg là hợp lý, vì ngoài nhu cầu từ các nước nhập khẩu nguyên nhân đẩy giá tiêu tăng là do đứt gãy chuỗi cung ứng làm hàng tới nới chậm.
“Đứt gãy chuỗi cung ứng khiến lượng tiêu nhập khẩu vào các nước không đồng đều, có những container tiêu xuất đi từ tháng 9 tới nay vẫn chưa cập cảng nước nhập khẩu nên không đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của nước mua hàng.
Thứ hai, doanh nghiệp muốn xuất khẩu mà không có container nên nước mua vừa phải chịu nhận hàng chậm vừa phải đẩy giá mua lên để hút nguồn hàng.
Khi dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp và khi tình hình logictics vẫn còn phập phù như hiện nay thì giá tiêu sẽ còn tăng đến quý 1/2022, nhưng tăng đến mức nào thì chưa thể đoán định được.
Hy vọng giá tiêu có thể đạt mức 100.000 đồng/kg và tăng ở mức chấp nhận được để có thể duy trì lâu dài, tạo thu nhập cho người nông dân, vì bây giờ bà con cũng đã tính toán cụ thể chứ không ồ ạt đẩy mạnh diện tích khiến cung lớn hơn cầu dẫn đến sụp đổ như trước đây”, Chủ tịch VPA nhận định.
Số liệu thống kê công bố ngày hôm nay (2/12) của Tổng cục Hải quan cho biết, xuất khẩu hạt tiêu trong tháng 11 đạt 17 nghìn tấn, trị giá 77 triệu USD. 11 tháng đầu năm, xuất khẩu hạt tiêu đạt 247 nghìn tấn, trị giá 868 triệu USD, giảm 6,7% về lượng nhưng tăng 44% về giá trị.
Theo dự kiến của VPA, năm 2021 ước xuất khẩu trên dưới 260 ngàn tấn hạt tiêu, với trên 900 triệu USD, so với cùng kỳ năm ngoái khối lượng thì tương đương nhưng kim ngạch tăng mạnh.
Các thị trường xuất khẩu chủ lực của hạt tiêu Việt Nam là Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ và một số nước châu Á khác, trong đó thị trường Ấn Độ.
Tháng 10/2021, xuất khẩu hạt tiêu sang nhiều thị trường chủ lực tăng so với tháng 10/2020, ngoại trừ Hoa Kỳ và Ấn Độ.
Theo số liệu thống kê từ Bộ Thương mại Ấn Độ, nhập khẩu hạt tiêu của nước này trong 9 tháng đầu năm 2021 đạt 29 nghìn tấn, trị giá 123,96 triệu USD, tăng 43% về lượng và tăng 108,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
Giá nhập khẩu bình quân hạt tiêu đạt 4.274 USD/tấn, tăng 45,8% so với cùng kỳ năm 2020 và tăng từ tất cả các nguồn cung chính; mức tăng cao nhất 51% từ Việt Nam, lên mức 3.332 USD/tấn.
Trong 9 tháng đầu năm nay, Ấn Độ tăng mạnh nhập khẩu hạt tiêu từ hầu hết các nguồn cung chính nhằm đáp ứng nhu cầu của ngành công nghiệp nhựa dầu nước này.
Đáng chú ý, nhập khẩu hạt tiêu của Ấn Độ từ Sri Lanka và Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất tăng mạnh. Sri Lanka vượt qua Việt Nam trở thành nhà cung cấp hạt tiêu lớn nhất cho Ấn Độ.
Trong 9 tháng đầu năm nay, Ấn Độ nhập khẩu hạt tiêu từ Việt Nam đạt 9,53 nghìn tấn, trị giá 31,74 triệu USD, tăng 5,2% về lượng và tăng 58,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Thị phần hạt tiêu của Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của Ấn Độ giảm từ 44,64% trong 9 tháng đầu năm 2020, xuống 32,85% trong 9 tháng đầu năm 2021.
Lo thiếu nhân công thu hoạch vụ tiêu mới
Chủ tịch VPA cho biết, vụ tiêu năm 2022 các loại chi phí đầu vào như vật tư phân bón ... đều tăng cao trong khi tăng giá tiêu không tương xứng nên thu nhập của bà con có thể không tăng nhiều. Bên cạnh đó còn nỗi lo thiếu nhân công thu hoạch.
Vụ tiêu mới bắt đầu từ khoảng tháng 1/2022, một số tỉnh trồng tiêu sẽ thu hoạch tiêu chín sớm và đến tháng 3/2022 thu hoạch rộ.
Trước khi có dịch bệnh, mỗi khi tới mùa thu hoạch tiêu và cà phê thì nhân công từ các tỉnh Miền Trung, Miền Bắc vào Tây Nguyên thu hái cà phê, tiêu nhưng năm nay do dịch bệnh nên thiếu trầm trọng nhân công thu hoạch.
“Ngày trước, bà con các tỉnh đổ về Tây nguyên thu hoạch cà phê xong thì quay sang thu hoạch tiêu, bây giờ khu vực này đang thiếu nhân công thu hoạch cà phê thì sẽ thiếu nhân công thu hoạch tiêu”, ông Hải cho biết.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận