Giá thuê đất rẻ giúp miền Bắc trở thành điểm sáng của thị trường bất động sản khu công nghiệp
Hiện nay, giá đất khu công nghiệp tại miền Bắc là lợi thế lớn, với mức trung bình khoảng 138 USD/m2, thấp hơn 20% so với miền Nam
Theo nghiên cứu của Savills Việt Nam, tại khu vực miền Bắc, với các tỉnh trọng điểm như Bắc Ninh, Hải Phòng, và Thái Nguyên, đang trở thành điểm đến hàng đầu của các dự án FDI trong lĩnh vực sản xuất. Đặc biệt, Bắc Ninh, với vị trí gần Hà Nội và cơ sở hạ tầng phát triển, đã thu hút được nhiều dự án quy mô lớn từ các tập đoàn đa quốc gia.
Còn ở phía Nam, Bình Dương cũng nổi lên như một trung tâm công nghiệp quan trọng, với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp FDI trong lĩnh vực sản xuất và chế biến.
Tuy nhiên, miền Bắc vẫn vượt trội hơn về số lượng và quy mô các dự án mới nhờ lợi thế về chi phí, hạ tầng giao thông hoàn thiện. Giá đất công nghiệp tại miền Bắc là lợi thế lớn, với mức trung bình khoảng 138 USD/m2, thấp hơn 20% so với miền Nam.
Cụ thể, hiện tại ở miền Nam, để thuê được các vị trí chiến lược thuộc các khu vực cấp 1, như Bình Dương hay TP.HCM, giá đất có thể lên tới 300 USD/m2. Trong khi đó, thị trường phía Bắc chỉ có giá trung bình 180 USD/m2 cho các khu vực cấp 1 như Bắc Ninh.
“Hiện nay, cơ sở hạ tầng tại miền Bắc được đánh giá phát triển mạnh, với 10 tuyến đường cao tốc đã hoàn thành và 4 dự án khác đang được triển khai. Trong khi đó, miền Nam có khoảng 7 tuyến cao tốc”, Savills cho hay.
Chia sẻ tại sự kiện “Bối Cảnh Phát Triển Công Nghiệp Khu Vực Hà Nội Và Bắc Bộ”, bà Phạm Thị Thu Trang, Quản lý cấp cao, Bộ phận Phát triển Kinh doanh Công nghiệp tại Core5 – Indochina Kajima, chia sẻ, tại Việt Nam, giao thông đường bộ vẫn là phương thức vận tải chính, vì vậy khả năng di chuyển thuận lợi từ các khu sản xuất đến các thị trường tiêu thụ giúp doanh nghiệp tối ưu hóa chi phí logistics.
“Đáng chú ý, các tuyến đường cao tốc kết nối khu công nghiệp với Hà Nội và biên giới Trung Quốc càng làm tăng sức hút của miền Bắc đối với nhà đầu tư nước ngoài”, bà Trang phân tích.
Đánh giá về thị trường trong 3 năm tới, bà Nguyễn Hoài An, Giám đốc cấp cao CBRE tại Hà Nội cho rằng, giá thuê đất công nghiệp dự kiến tăng 5 - 8%/năm ở miền Bắc và tăng 3 - 7%/năm ở miền Nam. Trong khi đó, giá thuê của nhà kho,nhà xưởng xây sẵn được dự báo sẽ tăng nhẹ từ 1 - 4%/năm với phân khúc xưởng xây sẵn sẽ có tốc độ tăng giá cao hơn trong ba năm tới.
Bà An cho biết thêm, với sự phát triển của hạ tầng giao thông, thị trường bất động sản khu công nghiệp đang lan ra những khu vực mới như các thị trường cấp 2 hay các khu kinh tế cửa khẩu. Bên cạnh đó, sự mở rộng của các chủ đầu tư hiện hữu hay gia nhập thị trường của các chủ đầu tư mới khiến cho bức tranh bất động sản công nghiệp thời gian tới càng trở nên sôi động.
Mặc dù thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam đang có tiềm năng lớn, nhưng một trong những thách thức chính vẫn là sự thiếu hụt nguồn lao động có tay nghề cao.
Theo ông Thomas, Quản lý Cấp cao, Dịch vụ Tư vấn Bất động sản, Savills Hà Nội, điều này đặc biệt quan trọng khi Việt Nam đang hướng đến việc nâng cao giá trị gia tăng trong các ngành sản xuất. Dù lực lượng lao động dồi dào, đặc biệt ở miền Bắc, nhưng phần lớn vẫn là lao động có tay nghề thấp. Để khắc phục vấn đề này, việc cải cách giáo dục và đào tạo nhằm nâng cao tay nghề lao động là cần thiết.
Ông Thomas cũng nhấn mạnh phát triển cơ sở hạ tầng cũng là một yếu tố quan trọng để nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam. Hiện tại, các dự án hạ tầng đang được triển khai chủ yếu tập trung ở một số khu vực, nhưng cần có sự mở rộng và phát triển đồng bộ trên toàn quốc.
Đặc biệt, việc cải thiện mạng lưới giao thông kết nối giữa các khu công nghiệp và các thị trường tiêu thụ sẽ giúp tối ưu hóa chi phí logistics, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp. Cơ sở hạ tầng mạnh mẽ sẽ không chỉ hỗ trợ việc di chuyển và vận chuyển hàng hóa mà còn tăng cường khả năng thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường