Giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, người nuôi lỗ nặng
Dù Chính phủ quyết định giảm thuế nhập khẩu một số nguyên liệu như ngô, đậu tương… nhưng từ sau Tết Nguyên đán, giá thức ăn chăn nuôi tiếp tục tăng cao khiến người chăn nuôi đối mặt thua lỗ nặng, nhiều hộ không dám tái đàn vì càng nuôi càng lỗ.
Tăng liên tiếp lần thứ 10
Chia sẻ với phóng viên Tiền Phong, anh Nguyễn Quang Sáng (xã Đông Tảo, huyện Khoái Châu, Hưng Yên), cho biết, hàng chục năm chăn nuôi lợn chưa lúc nào lại gặp nhiều khó khăn như 3 năm gần đây.
Từ sau Tết Nguyên đán, giá thức ăn chăn nuôi tiếp tục tăng cao khiến gia đình anh xoay chóng mặt. Giá cám tiếp tục tăng khoảng 25.000-30.000 đồng/bao (loại 25 kg) lên 270.000-290.000 đồng/bao đối với thức ăn dành cho lợn nái. Giá cám dành cho lợn thịt ở mức 330.000-360.000 đồng/bao. Riêng một số loại thức ăn đậm đặc có giá lên đến 600.000-700.000 đồng/bao. Anh Sáng cho biết, bình thường, để nuôi một con lợn xuất chuồng, riêng tiền thức ăn mất khoảng 3-3,3 triệu đồng.
Từ cuối năm 2020 đến nay, theo tính toán của anh, giá cám tăng khoảng 50% với hơn 10 lần tăng liên tiếp. “Riêng tiền thức ăn hiện nay, mỗi tháng chúng tôi phải chi hơn 500 triệu đồng. Tính ra, nhiều hơn trước khoảng 1,5 triệu đồng/con. Chưa kể, tiền con giống, điện, nước… cũng đang tăng cao. Với giá lợn hơi bấp bênh như hiện nay, người nuôi rất khó có lãi, thậm chí lỗ”, anh Sáng nói.
Ông Đào Quang Tiến, chủ trang trại lợn tại xã Tân Ước (Thanh Oai, Hà Nội), cho biết, trang trại vừa phải sớm xuất chuồng 120 con lợn thịt vì không đủ sức gánh giá cám. Khoảng một tháng nay, vì không xoay kịp tiền cám, gia đình ông phải chạy khắp nơi để nhập ngô và khoai đậm đặc… về trộn lẫn để lợn ăn tạm.
“Năm ngoái, khi giá lợn hơi giảm kỷ lục, chúng tôi lỗ nặng. Nhiều hộ dân trong xã đến giờ còn sợ nên bỏ trống chuồng. Chúng tôi đang tính từ tháng sau sẽ giảm đàn lợn nái từ 150 con xuống còn 50 con. Với đà tăng của giá cám như hiện nay, không ai dám nuôi”, ông Tiến nói.
Ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam, cho biết, năm 2021, trước đà tăng phi mã của giá thức ăn chăn nuôi, Chính phủ quyết định giảm thuế nhập khẩu một số nguyên liệu từ ngày 30/12/2021 như lúa mì từ 3% xuống 0%, ngô từ 5% xuống 2% để hỗ trợ người chăn nuôi. Tuy nhiên, đến nay, giá thức ăn chăn nuôi không những không giảm mà còn tăng cao, khiến người chăn nuôi từ nuôi lợn đến gia cầm, thủy sản đều rất chật vật.
Theo tìm hiểu của phóng viên Tiền Phong, một loạt doanh nghiệp lớn ngành chăn nuôi vừa thông báo tiếp tục tăng giá thức ăn chăn nuôi. Công ty CP MMS Feed (hệ thống Nhà máy Proconco & Anco) tăng giá bán thức ăn nuôi lợn và gà thịt thêm 300 đồng/kg, thức ăn gia cầm và lợn con tăng 240 đồng/kg, các loại khác tăng 200 đồng/kg. Công ty TNHH De Heus thông báo tăng giá bán 300 đồng/kg với các sản phẩm thức ăn đậm đặc dành cho lợn và gà; tăng 240 đồng/kg thức ăn dành cho lợn con và gia cầm đẻ; tăng 200 đồng/kg cho các loại thức ăn còn lại (không áp dụng cho thức ăn thủy sản).
Ông Nguyễn Văn Minh, Giám đốc kinh doanh miền Bắc Công ty TNHH De Heus, cho biết, hiện giá nguyên liệu của công ty nhập về tăng gần như 100%. Việc nhập khẩu từ các thị trường đang rất khó nên từ nay đến hết quý II, giá các loại nguyên liệu nhập khẩu sẽ còn tăng cao.
Theo ông Sơn, nhu cầu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi của Việt Nam được dự báo vào khoảng 28-30 triệu tấn/năm trong 5 năm tới với trị giá 12-13 tỷ USD. Tuy nhiên, hiện 85% nguyên liệu thức ăn chăn nuôi của Việt Nam phụ thuộc vào nguồn cung từ bên ngoài.
“Nếu không có chính sách, giải pháp để hướng tới tự chủ nguồn thức ăn hoặc tận dụng các nguyên liệu trong nông nghiệp để thay thế, ngành chăn nuôi sẽ luôn rơi vào tình trạng bấp bênh, rủi ro”, ông Sơn nói.
Nguồn cung bị thu hẹp
Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, ông Dương Tất Thắng, Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), cho biết, từ sau Tết Nguyên đán, ngành chăn nuôi tiếp tục đối mặt nhiều khó khăn khi giá các loại nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi liên tục tăng cao. Giá dầu đậu tương tăng khoảng 22%, đậu tương tăng khoảng 21%, ngô tăng khoảng 9%... dẫn tới giá thức ăn chăn nuôi cho gia súc, gia cầm, thủy sản thành phẩm cũng tăng từ 3-13%.
Theo ông Thắng, nguyên nhân giá nguyên liệu thức ăn tiếp tục tăng mạnh chủ yếu do ảnh hưởng của thời tiết bất lợi từ các khu vực trồng chính trên thế giới tại các nước Nam Mỹ. Đồng thời, căng thẳng giữa Nga và Ukraine (nhà xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất và thứ tư trên thế giới) cũng tác động lớn đến giá ngô và lúa mỳ trên thị trường.
Thống kê cho thấy, trong 2 tháng đầu năm, Việt Nam nhập khẩu khoảng 551 triệu USD thức ăn chăn nuôi, và nguyên liệu (giảm 19% so với cùng kỳ), chủ yếu nhập từ Argentina, Brazil và Mỹ. Ngoài ra, mỗi năm Việt Nam nhập khẩu khoảng 1 triệu tấn lúa mỳ (khoảng 20% tổng sản lượng nhập khẩu) và 3% tổng sản lượng ngô từ Nga và Ukraine, nhưng hiện thị trường này đang tắc, ảnh hưởng đến nguồn cung.
Ông Thắng cho biết, những nguyên liệu này hiện không phải là thế mạnh của Việt Nam nên phần lớn vẫn phải nhập khẩu. Trước mắt, Cục đề nghị các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi rà soát lại nguồn cung, chủ động tìm kiếm nguồn nguyên liệu mới, tránh tình trạng tăng giá sốc.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, trước tình trạng giá thức ăn chăn nuôi tiếp tục tăng cao trở lại, Bộ yêu cầu các đơn vị liên quan khẩn trương phối hợp để ra các giải pháp phát triển các loại thức ăn thay thế thức ăn công nghiệp.
“Bộ NN&PTNT đang xây dựng đề án công nghiệp hóa sản xuất thức ăn chăn nuôi. Trong đó, ngành nông nghiệp sẽ quy hoạch vùng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, xây dựng cánh đồng mẫu lớn để sản xuất ngô, đậu tương, ngô sinh khối…, đồng thời cơ cấu sản phẩm chăn nuôi theo hướng giảm tỉ trọng thịt lợn, tăng thịt gia cầm, thịt gia súc ăn cỏ”, ông Tiến cho hay.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận