Giá thu mua cao su biến động những ngày đầu năm 2023
Bộ Công Thương cho biết từ đầu tháng 1/2023 đến nay, giá thu mua mủ cao su nguyên liệu tại thị trường trong nước biến động không đồng nhất, tại Bình Phước có xu hướng giảm, trong khi tăng tại Đồng Nai và ổn định tại Gia Lai.
Theo đó, tại Bình Phước, giá mủ cao su nguyên liệu được Công ty cao su Phú Riềng thu mua ở mức 270-280 đồng/TSC, giảm 5 đồng/TSC so với cuối tháng 12/2022. Trong khi đó, tại Bình Dương, giá thu mua mủ cao su nguyên liệu của Công ty cao su Phước Hòa được giữ ở mức 281-283 đồng/TSC, tăng 8-10 đồng/TSC so với cuối tháng trước. Tại Gia Lai, giá mủ cao su nguyên liệu được Công ty cao su Mang Yang thu mua với giá 230-240 đồng/TSC, ổn định so với cuối tháng 12/2022.
Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) cho biết, năm 2022, sản lượng cao su của Tập đoàn đạt 429,852 tấn (đạt 106% kế hoạch), tăng 7% so với năm 2021; tiêu thụ đạt 501,322 tấn (đạt 100% kế hoạch); thu mua đạt 80,150 tấn (đạt 100% kế hoạch). VRG đưa ra kế hoạch năm 2023: Sản lượng cao su khai thác khoảng 425 ngàn tấn, tiêu thụ 500 ngàn tấn.
Năm 2022, mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng xuất khẩu cao su vẫn tăng trưởng tốt so với năm 2021. Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, năm 2022, Việt Nam xuất khẩu được 2.14 triệu tấn cao su, trị giá 3.31 tỷ USD, tăng 9.7% về lượng và tăng 1.1% về trị giá so với năm 2021. Giá bình quân xuất khẩu cao su của Việt Nam trong năm 2022 ở mức 1,546 USD/tấn, giảm 7.8% so với năm 2021.
Năm 2022, Trung Quốc tiếp tục là thị trường đứng đầu về tiêu thụ cao su của Việt Nam, chiếm 74.62% tổng lượng cao su xuất khẩu của cả nước, với 1.6 triệu tấn, trị giá 2.38 tỷ USD, tăng 14.6% về lượng và tăng 4.3% về trị giá so với năm 2021; giá xuất khẩu bình quân tới thị trường này đạt 1,490 USD/tấn, giảm 9% so với năm 2021.
Thời gian tới, việc Trung Quốc dỡ bỏ hầu hết các biện pháp hạn chế về COVID-19 và mở cửa biên giới sẽ là cơ hội tốt cho xuất khẩu cao su hồi phục, trong bối cảnh nhu cầu nhập khẩu từ Mỹ và Trung Quốc sẽ tăng lên trong thời gian tới.
Theo số liệu thống kê của Cơ quan Hải quan Trung Quốc, trong 11 tháng năm 2022, kim ngạch nhập khẩu cao su của Trung Quốc đạt 11.,88 tỷ USD, tăng 4.7% so với cùng kỳ năm 2021. Thái Lan, Việt Nam, Malaysia, Nhật Bản và Hàn Quốc là 5 thị trường lớn nhất cung cấp cao su cho Trung Quốc. Trong đó, trừ Thái Lan và Việt Nam, kim ngạch nhập khẩu cao su từ các thị trường này đều giảm so với cùng kỳ năm 2021.
Trong 11 tháng năm 2022, Việt Nam là thị trường cung cấp cao su lớn thứ 2 cho Trung Quốc với 2.03 tỷ USD, tăng 1.4% so với cùng kỳ năm 2021. Thị phần cao su Việt Nam trong tổng kim ngạch nhập khẩu của Trung Quốc trong 11 tháng năm 2022 chiếm 17.12%, thấp hơn so với mức 17.67% của 11 tháng năm 2021.
Thống kê mới đây của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cũng cho thấy, trong năm 2022, xuất khẩu cao su sang một số thị trường lớn đều tăng trưởng tốt cả về lượng và trị giá so với năm 2021, trong đó đáng chú ý như: Nga, Brazil, Malaysia.. Tuy nhiên xuất khẩu sang một số trường khác vẫn sụt giảm như: Ấn Độ, Hàn Quốc, Mỹ, Đài Loan (Trung Quốc), Đức...
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận