Giá thành sản xuất, giá vốn hàng bán
Hàng ngày ta tiêu xài nhiều loại hàng hoá và dịch vụ. Mua thì theo giá thị trường, thuận mua vừa bán. Giá bán một loại sản phẩm, dịch vụ luôn được xây dựng dựa trên hao phí làm ra nó (quy luật giá trị). Tuy nhiên, giá bán còn phụ thuộc tình hình cung cầu (quy luật cung cầu) và tình trạng cạnh tranh (quy luật cạnh tranh).
Bình thường không mấy ai để ý sản phẩm được làm ra như thế nào. Gần đây giá thịt lợn tăng, hoá đơn tiền điện tăng, nên có những tiếng nói đòi hỏi minh bạch chi phí sản xuất. Thực tế, trên thị trường chẳng ai bán hàng nói vốn bao nhiêu, lãi bao nhiêu cả. Những ngày Black Friday hay mùa Sale Off người ta mua ào ào mà chẳng cần biết bán giá đấy nhà sản xuất hay đại lý, cửa hàng có sống được không.
Khi nói giá thành sản xuất là nói về các chi phí làm ra sản phẩm ở phạm vi công xưởng sản xuất. Khi bán sản phẩm ấy thì giá thành sản xuất là giá vốn hàng bán (632). Doanh thu (511) trừ đi giá vốn là lợi nhuận gộp (LNG). LNG trừ đi chi phí tài chính (635), chi phí bán hàng (641), chi phí quản lý doanh nghiệp (642) mới ra lợi nhuận trước thuế (421). Trường hợp hàng hoá bán qua nhà phân phối như siêu thị, đại lý, thì giá bán từ nhà sản xuất lại thành giá vốn của siêu thị, đại lý.
Ví dụ, nhà máy điện bán điện cho doanh nghiệp truyền tải và bán điện thì giá vốn hàng bán chính là giá thành sản xuất ra điện phát lên lưới. Giả sử nhà máy điện lại đầu tư đường dây truyền tải đến lưới điện của người mua, thì chi phí truyền tải từ nhà máy đến nơi giao hàng lại là chi phí bán hàng. Đến lượt doanh nghiệp mua điện bán điện cho người tiêu dùng sẽ hạch toán toàn bộ chi phí mua điện là giá vốn hàng bán.
Chi phí sản xuất bao gồm chi phí nguyên vật liệu (621), chi phí nhân công (622) và chi phí sản xuất chung (627). Để tiết kiệm nguyên vật liệu thường phải đầu tư công nghệ, máy móc tiên tiến. Để giảm chi phí nhân công có thể đầu tư tự động hoá. Đầu tư máy móc thì lại tăng chi phí khấu hao trong chi phí sản xuất chung. Sản xuất mà quan tâm môi trường thì phải đầu tư xử lý. Việc đầu tư này làm tăng giá thành sản xuất mà thực tế không tham gia vào quá trình tạo ra sản phẩm.
Với các con số chỉ mã hiệu tài khoản kế toán trong ngoặc ở trên có thể biểu diễn thành các đẳng thức sau:
(154 + 155 + 157)đk + 621 + 622 + 627 = 632 + (154 + 155 + 157)ck
511 - 632 - 635 - 641 - 642 = 421
Quá trình sản xuất là liên tục, nên thường có khoản tồn kho đầu kì (đk) và cuối kì (ck) gồm bán thành phẩm dở dang (154), thành phẩm (155), hàng gửi đi bán (157).
Tỉ suất LNG (gross margin) được tính theo công thức (511 - 632)/511. Tỉ suất này có thể tham khảo ở một số sản phẩm theo báo cáo hợp nhất một số công ty 2019 như sau (thứ tự từ cao xuống thấp):
Vinhomes 53,4%
Vinamilk 47,2%
Vingroup 28,9%
VNPT 27,2% (số 2018)
Sabeco 25,2%
Tập đoàn cao su 23,3%
Tổng công ty thuốc lá 20,3% (số 2018)
Tập đoàn than khoáng sản 18,6% (số 2018)
Tổng công ty giấy 17,9% (số 2018)
Tổng công ty xi măng 17,6% (số 2018)
Hoà Phát 17,3%
PVN 16,3%
Tập đoàn hoá chất 15,6% (số 2018)
EVN 12,9%
Vietnamairlines 11,2%
HAGL 11%
Licogi 9,2%
Vinatex 8%
Petrolimex 7,5%
Lilama 5,9%
Tổng công ty thép 4%
FLC -6,4% (âm)
Với các công ty sản xuất mà LNG dưới 10% thì khó có lãi, vì thông thường chi phí lãi vay chiếm 2%, chi phí bán hàng 2%, chi phí quản lý chung 6% tính trên giá bán. Công ty như FLC chỉ riêng giá thành đã âm rồi thì âm luôn các chi phí lãi vay, bán hàng và quản lý.
Các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán và một số công ty khác đều công khai báo cáo tài chính. Người hiểu về báo cáo tài chính thì sẽ không đòi gì “minh bạch” thêm nữa. Trường hợp BĐS và sữa có lãi cực lớn mà người tiêu dùng vẫn rất vui vẻ mua, thì bắt người nông dân khốn khổ phải khai chi phí nuôi lợn để rồi ép nhập khẩu có phải là người yếu đuối dễ bị bắt nạt không.
Theo dõi người đăng bài
Tiếp cận các chuyên gia VIP/PRO hàng đầu của 24HMONEY
Nhận ngay bài viết tài chính chuyên sâu
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận