Giá tăng, nhiều doanh nghiệp than không mấy lạc quan về triển vọng kinh doanh năm 2022
Giá than thế giới được dự báo sẽ tăng mạnh, thế nhưng các công ty khai thác than đang niêm yết, giao dịch cổ phiếu trên thị trường chứng khoán không mấy lạc quan về triển vọng kinh doanh năm 2022.
Giá than toàn cầu đã đạt mức cao kỷ lục khi cuộc khủng hoảng địa chính trị Nga - Ukraine làm gia tăng kỳ vọng rằng các nước châu Âu sẽ bắt đầu mua nhiên liệu hóa thạch vì lo ngại rằng sự bế tắc giữa Nga và các quốc gia phương Tây sẽ cắt đứt nguồn cung cấp khí đốt. Ở thị trường trong nước, giới phân tích nhận định, nhu cầu về năng lượng nhiệt bắt đầu phục hồi hậu Covid-19, giá than dự báo sẽ được điều chỉnh tăng từ 10 - 15% trong năm nay.
Tuy vậy, các công ty khai thác than đang niêm yết, giao dịch cổ phiếu trên thị trường chứng khoán không mấy lạc quan về triển vọng kinh doanh năm nay, thậm chí đặt mục tiêu lợi nhuận giảm mạnh.
Theo Đầu tư chứng khoán, CTCP Than Vàng Danh (TVD) mới đây đã chốt kế hoạch doanh thu 5.331 tỷ đồng, đi ngang so với năm 2021; chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế giảm gần một nửa YoY còn với 55,8 tỷ đồng.
Năm nay, CTCP Than Hà Tu (THT) đặt kế hoạch doanh thu đạt 3.826 tỷ đồng, tăng 6,5% so với thực hiện năm 2021. Tuy vậy, mục tiêu lợi nhuận sau thuế lại giảm tới 41% còn 30,2 tỷ đồng.
Tương tự, Tổng Công ty Công nghiệp mỏ Việt Bắc (MVB) cũng đặt kế hoạch kinh doanh năm 2022 với mục tiêu đạt 1.948 tỷ đồng doanh thu và 130 tỷ đồng lợi nhuận, giảm lần lượt 14,4% và 48% so với mức thực hiện của năm ngoái.
Được biết, cơ sở của kế hoạch kinh doanh thấp được Than Vàng Danh giải thích, năm 2022, công ty sẽ tiếp tục gặp khó khăn bởi đại dịch COVID-19; xung đột địa chính trị khiến một số nhiên liệu đầu vào phục vụ sản xuất của công ty tăng cao. Bên cạnh đó, tình hình thời tiết dự báo có nhiều diễn biến bất thường. Điều kiện khai thác mỏ của công ty ngày càng khó khăn do xuống sâu, vào xa.
Với Than Hà Tu, ngoài khó khăn chung về tình hình dịch bệnh, căng thẳng Nga - Ukraina, nguy cơ khủng hoảng tài chính toàn cầu, công ty còn phải đối diện với khó khăn riêng là công tác đền bù giải phóng mặt bằng, chi phí nhiên nguyên vật liệu tăng.
Báo cáo phân tích của Công ty Chứng khoán Sacombank cũng lý giải về việc doanh nghiệp ngành than không được hưởng lợi từ biến động giá than trên thị trường quốc tế cũng như việc điều chỉnh giá than trong năm nay.
Theo lý giải, ngành than hoạt động theo cơ chế đặc thù, các doanh nghiệp khai thác than không được Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) cho phép xuất khẩu và áp giá trực tiếp với khách hàng mua mà chỉ có chức năng khai thác theo định mức sản lượng được giao hàng năm. Định mức tỷ suất lợi nhuận cũng thường được ấn định theo con số dự toán trước và được điều chỉnh không quá nhiều, dù giá cả thị trường tăng mạnh.
Kết thúc quý 1/2022, Than Hà Tu ghi nhận doanh thu trên 1.000 tỷ đồng, bằng 26,3% kế hoạch năm; lợi nhuận đạt hơn 10 tỷ đồng - tương đương 33% kế hoạch năm.
Trong khi đó, Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) cho biết, trong quý 1/2022 tiêu thụ 11 triệu tấn than, ghi nhận doanh thu ước đạt 32.873 tỷ đồng - tăng hơn 24% so với cùng kỳ năm ngoái; lợi nhuận dự kiến đạt 600 tỷ đồng - bằng 17% kế hoạch năm.
Thực tế trong quý, dù không hưởng lợi diễn biến giá than trên thị trường thế giới, không có sự tăng trưởng mạnh mẽ về doanh thu và lợi nhuận song không thể phủ nhận nhiều doanh nghiệp trong ngành vẫn duy trì được kết quả kinh doanh ổn định như Than Hà Tu, Mỏ Việt Bắc, Than Vàng Danh. Các doanh nghiệp này đều đặn trả cổ tức bằng tiền mặt hàng năm và việc đầu tư cổ phiếu để “ăn” cổ tức cũng là một lựa chọn của những nhà đầu tư không có nhu cầu trading liên tục.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận