Giá nhiều mặt hàng tiêu dùng đã giảm
Ngày 16.4 là ngày đầu tiên của đợt 2 thực hiện cách ly xã hội tại một số tỉnh thành. Khác với lần trước, tại TP.HCM hàng hóa dồi dào, nhiều mặt hàng có giá giảm do siêu thị chạy các chương trình khuyến mãi.
Thực phẩm, đồ khô, giấy vệ sinh... giảm nhẹ
Tại siêu thị Big C Tô Hiến Thành (Q.10, TP.HCM) trưa 16.4, lượng khách đến mua hàng vẫn như những ngày trước đó, hàng hóa đầy ắp các quầy kệ. Khu vực thực phẩm tươi sống vẫn là nơi thu hút đông nhất khách hàng. Bà Lan (65 tuổi, ngụ Q.10, TP.HCM) đang chọn mua thịt gà, nói: “Gia đình có 7 người ăn nên thành ra mua cái gì cũng nhiều hơn chứ tôi không sợ siêu thị hết hàng. Sau 14 ngày giãn cách, nay lại tăng thêm 1 tuần nữa, cũng hơi lo không biết bao lâu hết dịch”.
Cô nhân viên thanh toán tiền tại Big C Tô Hiến Thành cho hay: “Hôm nay là ngày đầu tiên thực hiện giãn cách lần 2, nhưng không có tình trạng người dân đổ xô đi mua như đợt thực hiện đầu tiên. Ngược lại, khách mua hàng hôm nay lại vắng hơn mấy ngày trước. Có thể mọi người đã có kinh nghiệm không mua dự trữ quá nhiều”.
Tại siêu thị Co.op Mart (Nguyễn Đình Chiểu, Q.3, TP.HCM), tình trạng cũng tương tự. Hầu hết các quầy, kệ đều đầy ắp hàng hóa. Những nhu yếu phẩm “hot” nhất trong thời gian dịch bệnh như mì gói, khăn giấy, giấy vệ sinh, bột giặt... liên tục được bổ sung nên lúc nào cũng chật kín.
Nguồn hàng trong siêu thị không những dồi dào mà giá cả thực phẩm, đồ khô còn giảm khá mạnh. Đơn cử tại Big C, gà ta giảm từ 138.900 đồng/kg còn 132.000 đồng/kg, gà ta VN Bình Minh (loại 1) giảm từ 97.000 đồng/kg xuống còn 79.000 đồng/kg, gà thả vườn Bình Minh giảm từ 75.000 đồng/kg xuống 65.000 đồng/kg...
Đặc biệt, dù giá heo hơi vẫn đang leo dốc, nhưng trong Big C, một số mặt hàng cũng điều chỉnh giảm như bắp giò heo có xương VietGap giảm từ 135.000 đồng/kg xuống 128.000 đồng/kg; móng heo VietGap giảm từ 139.000 đồng/kg xuống còn 128.000 đồng/kg. Các tủ thịt heo sạch Meat Deli đầy ắp hàng các loại với giá ba rọi 235.000 đồng/kg, thịt đùi heo 149.900 đồng/kg, nạc đùi heo 154.000 đồng/kg, cốt lết heo 131.900 đồng/kg, sườn non heo 290.900 đồng/kg...
Nhiều loại thực phẩm khô giá cũng bắt đầu giảm như mì giấy Vifon loại 75 gr giảm từ 3.200 đồng/gói xuống 2.600 đồng/gói, dầu ăn đậu nành Meizan 2 lít giảm từ 69.700 đồng xuống 64.900 đồng, dầu hướng dương Simply 2 lít từ 109.800 đồng xuống 89.900 đồng, bánh Custas từ 55.600 đồng xuống 49.900 đồng, bánh Marie Gold giảm từ 33.000 đồng xuống 26.900 đồng, sữa Milo lúa mạch giá 294.000 đồng/thùng được tặng bộ ly 6 cái...
Tại Co.op Nguyễn Đình Chiểu, khăn giấy đa năng thương hiệu Bless You giảm từ 21.900 đồng xuống còn 18.900 đồng/gói loại 250 tờ; giấy vệ sinh cao cấp loại 10 cuộn/lốc của hãng này giữ giá 84.500 đồng/lốc nhưng tặng kèm 2 cuộn cùng loại; khăn giấy rút Pulppy loại 2 lớp 180 tờ từ 15.300 đồng/hộp giảm còn 13.300 đồng/hộp. Giấy vệ sinh của Pulppy giảm mạnh hơn 10.000 đồng/lốc 10 cuộn, từ 80.000 đồng/lốc xuống còn 69.500 đồng/ lốc. Tương tự, hầu hết các nhu yếu phẩm như bột giặt, nước xả vải, dầu ăn đều đang được áp dụng nhiều chương trình khuyến mãi giảm giá hoặc tặng kèm sản phẩm khác.
Nguyên liệu chế biến tại nhà hút hàng
Theo quan sát, bên cạnh các loại nhu yếu phẩm, gần như trong giỏ đồ của khách hàng nào cũng có 1 - 2 hộp cà phê hòa tan. Tại quầy cà phê, rất nhiều sản phẩm mới được bày bán như cà phê cappuccino vị dừa của Trung Nguyên, cà phê vị tequila của Nescafe…
“Đợt này chắc các quán cà phê đóng cửa hết nên khách mua về uống ở nhà nhiều. Khoảng 2 tuần trở lại đây, số lượng tăng khoảng 30 - 40%”, nhân viên quầy cà phê nói trong khi liên tục sắp xếp, kiểm hàng trên kệ và ghi chép vào cuốn sổ tay. Giá cà phê cũng giảm chung theo chương trình khuyến mãi. Cụ thể, cà phê sữa đá tươi Nuti (Nutifood) hộp 10 gói giá bán bình thường 46.500 đồng/hộp, từ ngày 9 - 22.4 giảm 9.000 đồng, còn 37.500 đồng/hộp. Cũng loại này nhưng dạng bịch 24 gói giảm từ 104.000 đồng/bịch xuống còn 88.000 đồng/bịch. Cà phê sữa Chất Vina hộp giấy giá 35.900 đồng/hộp, giảm gần 7.000 đồng so với giá bán thường ngày 42.500 đồng/hộp.
Đặc biệt, có lẽ chưa bao giờ quầy bột làm bánh được các mẹ, các bà nội trợ ghé nhiều như mùa dịch bệnh này. Từ khi có lệnh giới nghiêm, rất nhiều người hào hứng với việc chế biến món này, thử nghiệm món kia. Loay hoay khá lâu tại kệ bột làm bánh, một bà nội trợ phân vân nhấc lên đặt xuống liên tục các loại bột và đọc rất kỹ thông tin sản phẩm.
“Hôm trước định mua bột mì về làm bánh bao mà mua nhầm phải bột gạo, thất bại thảm hại nên nay phải nhìn cho kỹ. Giờ được nghỉ ở nhà nhiều, bày ra làm giết thời gian, cũng để có trò cho mấy đứa nhỏ ở nhà vừa chơi vừa học nữ công gia chánh. Cũng vui!”, chị này cười, khoe mới chọn được thêm cả bột làm bánh flan và khay làm rau câu.
Chị Bảo Ngọc (ngụ Q.2, TP.HCM) cũng quyết định chiều nay sẽ cùng con trai làm bánh bông lan. “Tôi mới được chia sẻ kinh nghiệm, chỉ cần nướng bằng nồi cơm điện chứ không cần lò nướng. Chiều nay mẹ con tôi thử nghiệm. Nghĩ thế thôi là hào hứng rồi”, chị Ngọc cho biết.
Tương tự, quầy đồ nguội, thực phẩm đông lạnh cũng nhận được sự quan tâm của khá nhiều người. Mới chỉ sau mấy tiếng mở bán, nhiều loại giò, chả, nem chua, xúc xích tại siêu thị Co.op Mart đã chỉ còn vài túi trên khay. Trong đó, nem chua Huế, nem Huế là 2 mặt hàng vơi nhanh nhất. Giá 1 cây nem chua Huế loại 200 gr là 39.400 đồng, nem Huế 1 cây 500 gr giá 85.000 đồng. Xúc xích Đức Legour loại 200 gr/gói giá 46.500 đồng/gói, xúc xích Việt Mỹ Legour giá rẻ hơn, 28.500 đồng/gói cùng khối lượng. Trong khi đó, xúc xích heo xông khói của Co.op loại 250 gr đang có chương trình khuyến mãi, giảm từ 44.900 đồng/gói xuống còn 41.500 đồng/gói.
Giá hàng hóa sẽ tiếp tục giảm
Có một điều dễ nhận thấy là việc giảm giá nói trên chưa đồng bộ và chủ yếu dựa vào việc các siêu thị triển khai chương trình khuyến mãi. Trong khi thực tế, giá đầu vào một số sản phẩm dịch vụ thiết yếu đã giảm rất mạnh. Đơn cử xăng, từ 15 giờ ngày 13.4, giá xăng trong nước được điều chỉnh giảm tiếp hơn 600 đồng/lít; dầu hỏa, dầu diesel giảm hơn 400 - 500 đồng/lít. Đây là lần thứ 7 liên tiếp xăng dầu giảm giá, kể từ đầu năm. Tính cả hai lần điều chỉnh trong nửa tháng, giá xăng giảm gần 5.000 đồng/lít, chỉ còn gần một nửa so với 6 tháng trước.
Mới đây, ngày 16.4, Bộ Công thương cũng đã ra quyết định giảm 10% giá điện cho nhiều đối tượng bao gồm cả doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh sản xuất và người dân. Cùng với việc Chính phủ nới lỏng quy định cách ly toàn xã hội tại một số tỉnh thành giúp giao thương, vận chuyển dễ dàng hơn được kỳ vọng sẽ kéo giảm giá các mặt hàng tiêu dùng trong thời gian tới.
Ông Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và phát triển TP.HCM, nhận xét giá các mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, điện, nước... hiện nay đã giảm nhiều. Tuy nhiên, việc này sẽ tác động đến những hàng hóa dịch vụ khác trong thời gian tới như thế nào còn phụ thuộc nhiều vào việc kiểm soát dịch bệnh Covid-19, các hoạt động sản xuất kinh doanh trở lại ổn định hay không.
Ông Ngân dự báo giá hàng hóa sẽ không tăng mà ở mức ổn định thấp như hiện nay cho đến cuối năm để có thể kiểm soát chỉ số lạm phát dưới mức 4% theo như kế hoạch đề ra. Riêng đối với thực phẩm như thịt gà, thịt heo..., nguồn cung hàng trên thị trường sẽ gia tăng trở lại khi dịch bệnh được kiểm soát, các doanh nghiệp nhập khẩu hàng cùng với lượng heo nuôi trong nước nhiều hơn sẽ giúp giá giảm.
Đồng tình, TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế T.Ư, phân tích giá xăng dầu, giá điện giảm sẽ giúp giảm chi phí sản xuất, giá thành các sản phẩm chắc chắn sẽ giảm. Tuy nhiên đó chỉ là giá thành, giá sản phẩm trên thị trường giảm hay không còn phục thuộc cung - cầu và sức mua. “Hiện nay các siêu thị, điểm bán hàng lớn phải thực hiện các chính sách bình ổn giá, khuyến mãi vì sức mua giảm rõ rệt. Không chỉ hạn chế ra ngoài, kinh tế khó khăn nên các gia đình sẽ hạn chế chi tiêu, chỉ mua đáp ứng nhu cầu tối thiểu. Để kích thích nhu cầu, bán được hàng và duy trì kinh doanh, nhà sản xuất sẽ phải giảm giá để cạnh tranh. Có thể sắp tới, chỉ số giá cả sẽ được điều chỉnh giảm, tác động tốt hơn đối với người tiêu dùng”, ông Doanh nhận định.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận