Giá nhà tại Việt Nam và cả châu Á đang bị thổi phồng quá mức
Các thành phố tại châu Á - Thái Bình Dương đều chứng kiến giá nhà tăng vọt trong năm nay, được thúc đẩy bởi lãi suất thấp kỷ lục trong bối cảnh đại dịch.
Thị trường nhà đất “trên trời”
Theo Victoria Garrett, người đứng đầu về thị trường nhà ở tại châu Á - Thái Bình Dương của Knight Frank, mức tăng trưởng trung bình hàng năm ở khu vực này đang đạt 6,4% so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng cao nhất trong vòng 4 năm.
Tốc độ tiêm chủng mở rộng đang cải thiện tâm lý lạc quan của nhà đầu tư và thúc đẩy một số quốc gia bước vào quá trình phục hồi. Trong khi đó, các công ty chuyển sang mô hình kết hợp giữa làm việc từ xa và tại văn phòng khiến nhu cầu về những ngôi nhà có diện tích lớn hơn cũng tăng lên.
Các nhà phân tích và đại lý bất động sản cho biết đã có sự cạnh tranh gay gắt giữa những người mua nhà, dẫn đến những cuộc đấu giá điên rồ và giá bán vượt xa định giá thị trường.
Sean Coghlan, Giám đốc toàn cầu về chiến lược và nghiên cứu thị trường vốn tại JLL, cho biết: “Có nhiều người mua hơn so với số lượng bất động sản rao bán, khiến quá trình đấu thầu trở nên khốc liệt”.
Kenneth Tan của đại lý bất động sản PropertyLimBrothers, cho biết: “Một số người mua thậm chí không cần xem nhà. Họ đấu giá sau khi thăm quan bên ngoài hoặc chỉ xem qua video hình ảnh ngôi nhà”.
Những cuộc đấu thầu diễn ra vô cùng điên rồ. Cứ 10 người mua thì chỉ có 3 người đi xem nhà. Việc thanh toán hoàn toàn bằng tiền mặt cũng tăng lên. Tại Singapore, nhiều người còn chấp nhận mức giá cao hơn tới 800.000 đô la Singapore cho các bất động sản có giá trên 2 triệu đô la Singapore.
Theo Mohamed Ismail Gafoor, Giám đốc điều hành của Propnex, một trong những đại lý bất động sản lớn nhất tại Singapore, thì chính việc các nhà đầu tư tranh giành với nhau càng đẩy giá nhà lên cao hơn.
Ông nói: “Năm tới, giá nhà còn cao hơn nhiều do giá đất và chi phí xây dựng không hề giảm. Đó là lý do mọi người muốn mua nhà ngay bây giờ”.
Tình trạng tương tự cũng xảy ra ở Việt Nam. Thống kê cho thấy bất chấp đại dịch đang lan rộng và thanh khoản sụt giảm thì giá nhà trên thị trường sơ cấp vẫn tăng. Giá bán các căn hộ sơ cấp trong năm 2021 trung bình tăng hơn 5% so với năm 2020. Thậm chí đầu năm 2021, đã có rất nhiều cơn sốt đất diễn ra nhiều địa phương trong cả nước. Khảo sát cho thấy hiện giá nhà tại Tp HCM cao gấp khoảng 26 lần thu nhập bình quân 1 hộ gia đình. Nếu lấy tiêu chí này để so sánh thì Tp HCM nằm trong top 20 thành phố có giá nhà cao nhất trên thế giới.
Bao giờ giá nhà giảm?
Regina Lim, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu thị trường vốn của JLL tại Châu Á - Thái Bình Dương, cho biết sự bùng nổ của thị trường nhà ở trong khu vực một phần là do lãi suất thấp, chính sách tiền tệ nới lỏng và “sự phân bổ của cải không đồng đều” trong thời kỳ đại dịch.
Bà nói: “Giá nhà có thể tiếp tục tăng, trừ khi chính phủ kiềm chế đầu tư vào nhà đất. Nhiều người cho rằng các gia đình cần thêm không gian để làm việc tại nhà, nhưng chúng tôi nhận thấy mọi loại hình nhà ở với mọi quy mô diện tích đều tăng giá”.
Sự phát triển quá nóng này khiến nhiều người lo ngại rằng chính phủ sẽ đưa ra các biện pháp hạn chế, hoặc trực tiếp tác động đến thị trường nhà ở, hoặc gián tiếp qua các chính sách tài khóa và tiền tệ.
Koichiro Obu, trưởng bộ phận nghiên cứu bất động sản khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của công ty DWS, cho biết: “Một số quốc gia trong khu vực đang tăng cường kiểm soát thị trường nhà ở và thúc đẩy nguồn cung mới do lo ngại về khả năng chi trả của người dân. Mức độ can thiệp của chính phủ cũng như sự thay đổi trong kỳ vọng kinh tế vĩ mô có thể là những yếu tố có thể ảnh hưởng lớn đến giá nhà và doanh số bán nhà”.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận