Giá kim loại quý sẽ còn tăng vào cuối năm
Kết thúc chuỗi đi ngang, thị trường kim loại quý dần sôi động trở lại kể từ đầu tháng 3 năm nay và bứt phá mạnh mẽ vào cuối tháng 5. Giá bạc liên tục tăng cao và leo lên mức đỉnh cao nhất 11 năm, giá bạch kim cũng tăng chạm mức cao nhất một năm. Tuy nhiên, sang tháng 6, giá kim loại quý lại đảo chiều giảm trở lại. Vậy đây chỉ là nhịp điều chỉnh giảm ngắn hạn hay xu hướng tăng giá đã chấm dứt?
Sau hai tháng đầu năm diễn biến trầm lắng, giá bạc và giá bạch kim dần lấy lại đà tăng kể từ đầu tháng 3. Cho đến cuối tháng 5, giá bạc đã tăng gần 40% so đầu năm nay và vượt qua mốc 32 USD/ounce, vững vàng neo đỉnh 11 năm. Giá bạch kim cũng tăng 15% lên mức cao nhất một năm. Đáng chú ý, nhờ đà bứt phá này, giá bạc và giá bạch kim đã thoát khỏi giai đoạn tích lũy kéo dài và chính thức bước vào xu hướng tăng giá mới.
Bạc và bạch kim đều là những kim loại nhạy cảm với yếu tố vĩ mô và thường có xu hướng tăng giá khi lãi suất giảm. Do đó, giá hai mặt hàng đã được hưởng lợi khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) phát đi những thông điệp “ôn hòa”, thuận chiều với kịch bản hạ lãi suất. Quay lại cuộc họp chính sách hồi tháng 3, FED đã giữ nguyên dự báo sẽ có ba lần cắt giảm lãi suất trong năm nay, đồng thời cho biết FED không cần phải đợi cho tới khi lạm phát giảm về đúng mục tiêu 2% mới bắt đầu hạ lãi suất.
Bên cạnh đó, nhóm kim loại quý còn được biết đến như một loại tài sản trú ẩn mỗi khi nền kinh tế có biến động. Do vậy, nhóm này đã phát huy tốt vai trò là kênh đầu tư an toàn khi căng thẳng địa chính trị ngày càng gia tăng. Vào hồi tháng 4, đợt tập kích quy mô lớn của Iran vào Israel đã đánh dấu sự leo thang đáng kể trong quan hệ giữa hai nước này, đồng thời đẩy khu vực Trung Đông tới ngưỡng cửa một cuộc xung đột rộng lớn hơn. Cùng với đó, căng thẳng giữa Nga và Ukraine vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Tuy nhiên, bước sang tháng 6, giá bạc và giá bạch kim lại đảo chiều suy yếu do hoạt động chốt lời của nhà đầu tư ở vùng giá cao. Hơn nữa, sự thay đổi quan điểm từ “ôn hòa” sang “cứng rắn” của các quan chức FED đã tác động tiêu cực đến tâm lý nhà đầu tư, kéo dòng tiền rời khỏi thị trường. Xung đột địa chính trị hạ nhiệt so với thời điểm hồi tháng 4, càng làm hạn chế nhu cầu đầu tư vào kim loại quý. Đáng chú ý hơn, nhịp điều chỉnh giảm này đồng thời cũng đưa nhóm kim loại quý đứng trước ngã rẽ quan trọng.
Liệu đà tăng giá của nhóm này đã kết thúc hay đây chỉ là bước đệm chuẩn bị cho chu kỳ tăng giá dài hạn hơn?
====================
Dương Quỳnh
Đầu tư hàng hoá thông qua Sở giao dịch hàng hoá Việt Nam
Theo dõi người đăng bài
Tiếp cận các chuyên gia VIP/PRO hàng đầu của 24HMONEY
Nhận ngay bài viết tài chính chuyên sâu
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận