Giá kim loại đổ xô lập đỉnh vì khủng hoảng thiếu điện
Giá đồng lập đỉnh 10 năm, trong khi các kim loại công nghiệp từ kẽm cho tới nhôm liên tục tăng vì nỗi lo cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu sẽ tác động tới sản xuất.
Giá đồng tăng vượt 10,000 USD/tấn trong tuần này khi các trader tụ họp ở London nhân sự kiện thường niên Tuần LME. Trong khi đó, giá kẽm tăng tới 10% và lập đỉnh 15 năm, còn giá nhôm tăng vượt 3,170 US/tấn, cao nhất kể từ cuộc khủng hoảng năm 2008.
Giá kim loại công nghiệp đang hưởng lợi từ nhu cầu mạnh mẽ và sự gián đoạn nguồn cung. Điều này là do đà tăng nhanh chóng của giá khí và than đá – vốn làm tăng chi phí cho các công ty khai khoáng và lọc dầu từ Chile cho tới Trung Quốc.
Tuần này, Nyrstar, một trong những nhà sản xuất kẽm lớn nhất thế giới, cho biết sẽ cắt giảm sản lượng tới 50% tại 3 nhà máy luyện kim của họ tại châu Âu. Trong khi đó, Glencore cho biết đang tính “điều chỉnh sản xuất để giảm bớt giờ hoạt động trong giai đoạn giá điện cao nhất trong ngày” ở các nhà máy luyện kim tại châu Âu. Các đợt cắt giảm tiêu thụ điện ở Trung Quốc cũng tác động tới sản xuất nhôm.
Kẽm thường sử dụng để tạo lớp chống gỉ, trong khi nhôm sử dụng trong mọi thứ, từ xe hơi cho tới lon nhôm.
Tình trạng thiếu hụt nguồn cung đang lấn át nỗi lo về tăng trưởng kinh tế toàn cầu hoặc nỗi lo về khả năng nâng lãi suất, theo các chuyên viên phân tích.
“Các nhà đầu tư đặt cược vào kim loại với kỳ vọng các đợt cắt giảm sản lượng – vì giá điện ngày càng tăng – sẽ lấn át tác động từ chuyện suy giảm nhu cầu", John Browning, Chuyên viên phân tích tại BANDS Financial ở Thượng Hải, cho hay.
Tuần trước, lượng hàng tồn kho đồng vật chất trên Sàn giao dịch kim loại London (LME) giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 1974, theo Kingdom Futures, qua đó phản ánh nhu cầu mạnh mẽ tại thời điểm này. Trong báo cáo gần đây, Goldman Sachs cho biết hàng tồn kho kim loại có thể chạm mức thấp nhất mọi thời đại vào cuối năm 2021 và “hết sạch” trước quý 2/2022.
Hàng tồn kho nhôm của các công ty đăng ký trên LME ở mức chỉ 14,150 tấn, giảm từ mức hơn 200,000 tấn trong tháng 9/2021. Đặt ở góc nhìn khác, khoảng 25 triệu tấn đồng (đã qua xử lý) được tiêu thụ hàng năm.
Đồng cũng đang hưởng lợi từ việc sử dụng những công nghệ năng lượng sạch, từ tua bin gió cho tới xe điện. Nhờ đó, kim loại này trở thành mục tiêu cho các nhà đầu cơ và công ty khai khoáng.
CRU ước tính trong giai đoạn 2030-2039, việc sử dụng đồng trong tua bin gió, xe điện và các công nghệ xanh khác sẽ chạm mức 6 triệu tấn, chiếm 20% lượng tiêu thụ toàn cầu.
“Nhiều dữ liệu đang cho thấy xu hướng chuyển dịch sang năng lượng xanh đang tác động tích cực tới nhu cầu đồng”, Davidson nói thêm.
Tuần trước, công ty khai khoáng Australia South32 đã chi 2 tỷ USD để mua 45% cổ phần tại dự án đồng ở Chile. Điều này cho thấy mong muốn tập trung vào kim loại này từ phía các công ty khai khoáng.
Juan Benavides, Chủ tịch của nhà sản xuất đồng quốc doanh Codelco ở Chile, cho biết giá năng lượng ngày càng tăng sẽ kéo chi phí sản xuất tăng thêm 6%. Ông cũng nói thêm nhu cầu vẫn còn rất mạnh.
“Rõ ràng, hiện có nỗi lo về lạm phát, năng lượng và logistics. Song song đó là mức tồn kho rất thấp và các điều kiện tài chính của người tiêu dùng ngày nay đang rất lành mạnh. Thanh khoản đang rất dồi dào trên khắp thế giới”, Benavides nói với Financial Times.
Nhu cầu đồng có thể tăng 2-3% trong năm 2022, Benavides nói thêm, qua đó gây ra sự thiếu hụt 6 triệu tấn vào cuối thập niên này.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận