Giá khí đốt châu Âu giảm nhờ dự trữ tăng và kiểm soát tiêu thụ
Các kho dự trữ nhiên liệu của châu Âu đã đầy khoảng 70%.
Giá khí đốt tự nhiên châu Âu giảm trong bối cảnh lượng tồn kho tăng, nhu cầu giảm, nguồn cung từ Nga vẫn ổn định ở mức thấp. Giá các hợp đồng khí đốt tương lai dao động quanh mức cao nhất từ đầu tháng 3, tuần đầu tiên sau khi xung đột Nga – Ukraine bắt đầu.
Tuần trước, giá khí đốt lại tăng khi Gazprom PJSC giảm công suất qua đường ống Nord Stream đến Đức còn 20%. Châu Âu đang chạy đua để dự trữ nhiên liệu quan trọng này trước mùa Đông nhằm hạn chế những thiệt hại kinh tế từ việc khan hiếm nguồn cung.
Các quốc gia khu vực này cũng đang tìm kiếm phương án, cơ sở hạ tầng thay thế, tăng nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG). Hiện các kho dự trữ khí đốt đã đầy khoảng 70%, gần bằng mức trung bình 5 năm.
Chuyên gia phân tích của Tập đoàn Alfa Energy Ltd cho biết tỷ lệ dự trữ khí đốt trong các kho chứa ngầm của châu Âu vẫn đang là “điểm sáng” của thị trường. Nga cắt giảm nguồn cung trong bối cảnh căng thẳng khu vực gia tăng sau xung đột tại Ukraine. Gazprom PJSC cho biết bị vướng một số thủ tục giấy tờ và bảo trì tuabin nên phải giảm khí qua đường dẫn khí Nord Stream. Sau khi Nga nhận được tuabin đang mắc kẹt trong quá trình vận chuyển do lệnh trừng phạt, tình hình sẽ được cải thiện.
Hiện các kho dự trữ khí đốt châu Âu đã gần đầy 70%. Ảnh: Bloomberg |
Thủ tướng Đức Olaf Scholz hôm thứ Tư nhắc lại rằng phía Đức không gặp trở ngại gì trong việc gửi tuabin đã sửa chữa về Nga, đồng thời đổ lỗi cho Moscow vì lấy cớ chậm trễ mà cắt giảm nguồn cung. Scholz cho biết gián đoạn nguồn khí đốt là mối đe dọa thường xuyên sau chuyến thăm tập đoàn năng lượng Siemens. Siemens Energy AG sẽ có một cuộc đối thoại với Gazprom về thiết bị tuabin này.
Gazprom đã phản ứng lại hôm thứ Tư khi cho rằng lệnh trừng phạt của Canada, EU và Anh khiến tuabin bị mắc kẹt ở Đức và đưa ra những thách thức nếu muốn tiếp tục được duy trì dòng chảy qua Nord Stream như bình thường.
Vấn đề kỹ thuật với tuabin Nord Stream là có thật nhưng việc cắt giảm nguồn cung là để Nga gây áp lực với châu Âu vì các lệnh trừng phạt và sự hỗ trợ của EU với Ukraine, theo Kremlin.
Các chuyến hàng khí đốt qua tuyến đường trung chuyển chính từ Nga tới châu Âu qua Ukraine đã bị giới hạn trong hai tháng qua. Giá khí đốt châu Âu trên sàn TTF của Hà Lan là 199,195 EUR/mwh (203,87 USD/mwh), giảm 2,9%.
Theo các nhà phân tích tại Morgan Stanley, tháng 7, sử dụng khí đốt công nghiệp của châu Âu đã giảm 19% so với cùng kỳ năm trước và ở Đức giảm 24%.
“Cần giảm tiêu thụ hơn nữa và tăng nhập khẩu LNG để bù đắp cho sự sụt giảm dòng chảy khí đốt từ Nga”, trong một báo cáo nghiên cứu của Morgan Stanley cho biết. Dự kiến, giá khí đốt của Hà Lan sẽ khoảng 209 EUR trong quý III và IV.
Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu cũng đã cho phép các nhà máy nhiệt điện than hoạt động trở lại. Ông Scholz cho biết Chính phủ Đức đang làm việc với các nhà máy về công suất được phép sau khi hoạt động trở lại. Việc kéo dài tuổi thọ của các nhà máy hạt nhân cũng “hợp lý”, và Thủ tướng Đức đang chờ kết quả nghiên cứu trước khi đưa ra quyết định.
Một số dự án khí đốt ở châu Âu với hi vọng bổ sung thêm nguồn thiếu hụt lại đang phải đối mặt với những trở ngại. Một cơ sở của tập đoàn dầu khí đa quốc gia Pháp, TotalEnergies SE cho biết, khai thác khí đốt ở mỏ Tyra ở biển Bắc Đan Mạch sẽ bị trì hoãn cho đến mùa đông năm 2023-2024 do gián đoạn sản xuất và chuỗi cung ứng. Tyra dự kiến sẽ trở lại khai thác vào mùa hè năm sau . Gazprom đã ngừng cung cấp cho Đan Mạch vào tháng 6 do không thanh toán bằng đồng rúp.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận