Gia hạn nợ, giữ nguyên nhóm nợ - “phao cứu sinh” cho doanh nghiệp
Việc NHNN cho phép các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được cơ cấu thời gian trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ với một số khách vay được ví như “phao cứu sinh” cho doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn.
Trước những diễn biến khó khăn, thách thức tác động tới hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư số 02/2023/TT-NHNN quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn.
Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước cho phép các tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ với một số khách vay, tối đa 12 tháng.
Điều kiện áp dụng là các khách hàng gặp khó trong hoạt động sản xuất kinh doanh và khách hàng khó trả nợ khoản vay phục vụ đời sống, tiêu dùng. Các khoản vay được cơ cấu thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ là các khoản cho vay và cho thuê tài chính.
Việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho khách hàng được thực hiện từ nay đến hết 30/6/2024. Các khách hàng diện này cũng được giữ nguyên nhóm nợ (không nhảy nhóm nợ).
Các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được toàn quyền xem xét, đánh giá khó khăn của khách hàng để quyết định việc cơ cấu nợ. Thời gian cơ cấu không vượt quá 12 tháng kể từ ngày khoản nợ đến hạn.
Sau khi cơ cấu, các ngân hàng sẽ phải trích lập dự phòng rủi ro theo lộ trình. Trong đó, dự phòng phải trích bổ sung với các khoản nợ cơ cấu lại thời hạn được thực hiện theo hai giai đoạn, tối thiểu 50% vào ngày 31/12/2023 và trích dự phòng thêm cho đủ 100% cuối năm 2024.
Theo Ngân hàng Nhà nước, sự ra đời của Thông tư 02 sẽ góp phần trực tiếp tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, kéo dài thời gian vay và trả nợ ngân hàng, tạo điều kiện tiếp tục vòng quay vốn và tiếp cận vốn vay mới.
Đây là lần thứ hai trong ba năm qua Ngân hàng Nhà nước đưa ra chính sách cơ cấu nợ. Giải pháp này từng được ban hành trong giai đoạn cao điểm của dịch Covid-19 và kết thúc cuối tháng 6/2022.
Bình luận về Thông tư 02, TS. Nguyễn Hữu Huân, Trưởng bộ môn Thị trường Tài chính, Đại học Kinh tế TP.HCM cho rằng, đây là giải pháp tình thế để gỡ khó cho doanh nghiệp và cả ngân hàng, đồng thời giúp ổn định tâm lý thị trường.
“Nếu hiện tại chuyển nhóm nợ thì tỷ lệ nợ xấu của hệ thống sẽ tăng lên rất nhanh bởi nợ xấu của nhiều ngân hàng đã tăng cao. Điều này sẽ gây rủi ro cho hệ thống và tác động tiêu cực đến tâm lý của thị trường, có thể dẫn tới hiện tượng rút tiền hàng loạt”, TS. Huân giải thích.
Bởi vậy, Thông tư 02 có ý nghĩa như biện pháp “câu giờ” để doanh nghiệp có thêm 1 năm xoay xở dòng tiền; còn các ngân hàng có thể gia hạn nợ cho một số khách hàng có tiềm năng trả nợ để nợ xấu không bị tăng lên và ảnh hưởng đến báo cáo tài chính của ngân hàng.
Nói rõ hơn về thời hạn 1 năm mà Thông tư 02 quy định, theo vị chuyên gia, đây là quãng thời gian để các chính sách tiền tệ có độ ngấm.
“Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất điều hành vào quý I thì khoảng quý III, quý IV mới phát huy tác dụng”, TS. Huân nói.
Đánh giá về yêu cầu trích lập dự phòng rủi ro đối với các khoản vay được gia hạn, không bị chuyển nhóm nợ, TS. Nguyễn Hữu Huân cho rằng, quy định này là hợp lý, đảm bảo được an toàn vốn cho các tổ chức tín dụng.
“Bản chất các khoản vay đó là nợ xấu, đương nhiên phải trích lập dự phòng. Nếu không trích lập mà ghi nhận lợi nhuận cho ngân hàng thì sẽ mang lại rủi ro lớn vì năm sau các nhà băng không có nguồn mà dự phòng cho các khoản nợ. Lợi nhuận thì cổ đông ngân hàng hưởng nhưng khi nợ xấu tăng, Ngân hàng Nhà nước lại phải giải cứu là bất hợp lý. Bởi vậy, phải trích lập dự phòng, thậm chí là trích lập cao”, ông Huân nêu quan điểm.
Nhìn nhận ở một khía cạnh khác, TS. Nguyễn Hữu Huân đánh giá Thông tư 02 chỉ là giải pháp tình thế, bởi nếu cứ khó khăn lại hỗ trợ thì sẽ hình thành tâm lý ỷ lại cho doanh nghiệp. “Khác với chính sách cơ cấu nợ hỗ trợ doanh nghiệp trong giai đoạn Covid-19, là do yếu tố khách quan, sự khó khăn của nhiều doanh nghiệp hiện nay tới từ bản thân họ do phát triển nhiều dự án ồ ạt khi tiềm lực tài chính chưa đủ mạnh. Thêm nữa, họ không dự báo hết những rủi ro, và khi rủi ro xảy ra thì lại kêu gọi sự giúp đỡ từ ngân hàng”, TS. Huân chia sẻ.
Bởi vậy, theo vị chuyên gia, việc nhìn nhận chu kỳ kinh tế và đưa ra chiến lược kinh doanh theo chu kỳ đó mới là biện pháp bền vững nhất mà các doanh nghiệp phải làm./.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận