menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Nguyễn Phong

Giá gạo neo cao, biến động: Thị trường khó dự báo

Giá lúa gạo trong nước tăng vọt theo đà tăng giá xuất khẩu nên doanh nghiệp phân phối phải liên tục điều chỉnh theo tình hình thực tế.

Giá lúa tăng, giá gạo tăng theo

Đầu tháng 9/2023, đà tăng giá gạo thị trường Việt Nam vẫn tiếp tục theo diễn biến tình hình thế giới. Thị trường lúa gạo giao dịch chậm lại do vào kỳ nghỉ lễ 2/9, các kho ngưng mua.

Tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Số lượng lúa Hè Thu gần cạn nguồn nên vững giá trong khi giá lúa Thu đông có xu hướng tăng.

Ghi nhận ở các chợ lẻ khu vực tỉnh An Giang cho thấy, nếp ruột giá 16.000 - 20.000 đồng/kg; gạo thường ở mức 12.500 - 14.000 đồng/kg, gạo Nàng Nhen giá 23.000 đồng/kg; gạo thơm thái hạt dài dao động từ 18.000 - 20.000 đồng/kg; gạo thơm Jasmine ở mức 16.000 - 18.500 đồng/kg.

Còn gạo Hương Lài 19.500 đồng/kg; gạo trắng thông dụng 15.500 đồng/kg; Nàng Hoa 19.000 đồng/kg; gạo Sóc thường giá 16.500 - 17.000 đồng/kg; gạo Sóc Thái 18.500 đồng/kg; gạo thơm Đài Loan 21.000 đồng/kg; gạo Nhật 22.000 đồng/kg…

Chính từ biến động này nên thị trường Tp.HCM đã điều chỉnh giá bán gạo thuộc chương trình bình ổn theo mức tăng 1.500-2.000 đồng/kg.

Giá gạo trắng, gạo Jasmine tăng 1.500-2.000 đồng/kg. Cụ thể, gạo trắng thường 5% tấm (bao bì PP, túi 5kg, 10kg, 25kg) từ 14.500 đồng lên 16.000 đồng/kg; gạo trắng thường 5% tấm (bao bì PA/PE, túi 5kg) từ 15.500 đồng tăng lên 17.000 đồng/kg.

Theo báo cáo của Sở Tài Chính Tp.HCM, các doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong thu mua lúa để sản xuất vì người nông dân cũng nắm bắt được tình hình biến động hiện nay nên giá lúa nguyên liệu tăng liên tục đạt mức 8.000-8.600 đồng/kg.

Giá gạo neo cao, biến động: Thị trường khó dự báo
Giá biến động tăng đã gây áp lực cho chuỗi cung ứng từ nông dân, thương lái đến nhà máy xay xát chế biến và doanh nghiệp xuất khẩu gạo.

Ông Nguyễn Văn Đôn, Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng (tỉnh Tiền Giang), cho hay xuất khẩu gạo hiện nay chủ yếu là doanh nghiệp trả nợ đơn hàng cũ, giá cũ.

“Thông thường, vụ hè thu lúa gạo giá thấp nên các doanh nghiệp ký giá bán thấp, bất ngờ Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo nên giá lên chóng mặt khiến nhiều doanh nghiệp phải hoãn, thậm chí hủy giao hàng vì không mua được hàng giá cũ. Trong đợt tăng giá gạo này, chỉ một số ít doanh nghiệp có tiềm lực, có gạo trong kho hưởng lợi, còn lại phải chịu lỗ vì mua gạo giá cao để thực hiện những đơn hàng giá thấp đã ký trước đó”, ông Đôn phân tích.

Doanh nghiệp của ông Đôn đang xuất khẩu một số loại gạo thơm nhẹ với đơn giá 690 - 700 USD/tấn, cao hơn 1 tháng trước 120 USD/tấn. Còn lại, doanh nghiệp rất thận trọng trong từng đơn hàng, không dám ký hợp đồng lớn, giao xa vì lo ngại rủi ro.

Ông Phạm Thái Bình, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An, nhìn nhận giá gạo xác lập mặt bằng giá mới, ở mức 630 USD/tấn là tin vui cho ngành lúa gạo Việt Nam.

"Mừng nhất là nông dân tiêu thụ hết được lúa gạo với giá cao, có lãi. Đối với doanh nghiệp, tùy tình hình, nếu có lãi thì xuất khẩu, còn không thì ngưng", ông Bình nêu quan điểm.

Theo ông Phạm Thái Bình, hiện giá lúa trong nước nhiều nơi vẫn giữ 7.800 - 7.900 đồng/kg (loại thông dụng), tương ứng với giá xuất khẩu khoảng 700 USD/tấn. Do đó, sắp tới thị trường phải có sự điều chỉnh nhưng không đáng ngại vì từ nay đến cuối năm sản lượng lúa của Việt Nam không có nhiều.

Xuất khẩu linh hoạt theo thực tế

Số liệu thống kê Hải quan cho thấy, từ ngày 1 – 15/8/2023, xuất khẩu gạo đạt 456.768 tấn, trị giá 155 triệu USD. Lũy kế từ đầu năm đến ngày 15/8, xuất khẩu đạt sản lượng 5,35 triệu tấn và trị giá gần 2,9 tỉ USD; tăng 22% về số lượng và 35% về giá trị.

Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo hiện nay cho biết giá gạo trong nước ở mức cao khiến họ phải ngừng thu mua lẫn xuất khẩu. Một số doanh nghiệp ký hợp đồng với khách hàng cách đây một tháng giờ chấp nhận bồi thường hợp đồng chứ không thể giao hàng.

Theo tính toán của doanh nghiệp, hợp đồng đã ký có giá khoảng 550 USD/tấn, nếu không giao hàng thì mỗi tấn gạo, doanh nghiệp phải bồi thường 10%, tính ra khoảng 55 USD/tấn. Trong khi nếu mua gạo trong nước với giá cao hiện nay để giao hàng thì doanh nghiệp lỗ hơn 150 USD/tấn.

Theo ông Nguyễn Thanh Long, chuyên gia ngành gạo, khâu trung gian từ thương lái thu mua lúa nông dân đẩy giá lên một mức, qua nhà máy xay xát chế biến ra gạo thành phẩm đẩy lên một mức nữa, rồi đến doanh nghiệp xuất khẩu thì giá gạo đã quá cao.

Thị trường trong nước biến động tạo ra tâm lý kỳ vọng giá gạo sẽ tăng cao hơn nữa, thương lái ôm hàng đẩy giá gạo tăng nhanh quá mức. Điều đó lý giải nghịch lý hiện nay của ngành lúa gạo Việt Nam là giá gạo nội địa cao hơn giá gạo xuất khẩu.

“Cụ thể, với giá lúa tươi ở mức 8.000 đồng/kg thì qua các công đoạn chế biến, chi phí khác để ra gạo thành phẩm xuất khẩu loại gạo trắng 5% tấm phải ở mức 680-690 USD/tấn. Thế nhưng giá gạo xuất khẩu loại 5% tấm hiện nay được chào cao nhất cũng chỉ 650 USD/tấn”, ông Long chia sẻ.

Trong khi đó, bà Phan Mai Hương, đồng sáng lập Công ty SSResource Media Pte.Ltd (Singapore), chuyên cung cấp thông tin và phân tích thị trường lúa gạo thế giới - nhìn nhận, cơn sốt giá gạo chủ yếu do các khâu trung gian.

"Đa số các doanh nghiệp xuất khẩu, không chỉ tại Việt Nam mà Thái Lan, Ấn Độ đều gặp nhiều khó khăn bởi giá cả biến động quá lớn, nhiều doanh nghiệp thua lỗ vì mua vào giá cao để thực hiện hợp đồng giá thấp", bà Hương nhận xét.

Bà Hương lý giải, nguyên nhân giá gạo Việt Nam cao hơn Thái Lan là do nguồn cung vẫn hạn chế trong khi Thái Lan đang vào vụ thu hoạch mới. Những năm gần đây, trong nhiều thời điểm, giá gạo Việt Nam đã vượt Thái Lan, dẫn đầu thế giới.

Theo bà Phan Mai Hương, cơn sốt giá gạo năm nay không phải do thiếu gạo mà do lưu thông bị nghẽn. Ấn Độ dù cấm xuất khẩu gạo nhưng vẫn mở kênh đàm phán Chính phủ để tiêu thụ lúa gạo nên gạo không thiếu nhiều.

Thậm chí có một nhóm trung gian kỳ vọng giá gạo còn tăng cao nên găm hàng nhưng chờ lâu không bán được, áp lực thanh khoản bắt buộc họ phải giảm giá.

Bà Hương cho rằng, bối cảnh hiện nay khó dự báo giá gạo bởi phụ thuộc nhiều yếu tố như: diễn biến thời tiết tại Ấn Độ để biết nước này có mất mùa hay không và thời điểm nào quay lại thị trường xuất khẩu gạo. Dù vậy, thị trường gạo đã thiết lập mức giá mới, không dưới 600 USD/tấn - mức giá tốt hơn 10 năm qua và có thể duy trì trong năm nay.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
2 Yêu thích
2 Chia sẻ
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại