24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Trần Bằng An
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Giá gạo: Biến động trên thị trường thế giới và thời cơ của gạo Việt

Sau lệnh cấm xuất khẩu gạo từ Ấn Độ, UAE, thị trường lúa gạo Việt Nam cũng biến động theo, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam lên vùng giá cao nhất 12 năm qua.

Sau lệnh cấm xuất khẩu gạo từ Ấn Độ, UAE, giá gạo có thể tiếp tục tăng

Thời gian gần đây giá gạo Việt Nam và Thái Lan đang tăng lên mức cao nhất trong một thập kỷ qua. Cụ thể, tính đến ngày 27/7, giá gạo 5% tấm, 25% tấm xuất khẩu của nước ta tăng lần lượt 35,1% và 36,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là tín hiệu tích cực để ngành nông nghiệp kỳ vọng vào những tháng tiếp theo.

Đặc biệt việc Nga chính thức rút khỏi Thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc Biển Đen, Ấn Độ - quốc gia chiếm thị phần khoảng 40% thị trường xuất khẩu gạo, cấm xuất khẩu mặt hàng này, các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) cũng tạm dừng xuất khẩu gạo... đã khiến giá gạo trên thị trường thế giới tăng mạnh, do nguồn cung bị thu hẹp đáng kể.

Ngay lập tức, thị trường lúa gạo Việt Nam cũng biến động theo, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam lên vùng giá cao nhất 12 năm qua. Những ngày gần đây, giá lúa tăng hàng chục USD mỗi ngày.

Giá gạo xuất khẩu tăng cao kéo theo giá lúa trong nước cũng neo ở mức cao. Tính riêng ngày 2/8 tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, giá lúa và giá gạo đều có sự điều chỉnh. Theo đó, giá lúa OM 5451 tăng 200 đồng/kg lên mức 6.800 - 7.000 đồng/kg, lúa IR 504 ở mức 6.600 - 6.800 đồng/kg.

Trên thị trường xuất khẩu gạo, giá gạo xuất khẩu của Việt tiếp tục tăng mạnh 20 USD/tấn so với ngày 1/8. Cụ thể, gạo 5% tấm giao dịch ở mức 588 USD/tấn; gạo 25% tấm ở mức 568 USD/tấn.

Mặc dù giá tăng cao, nhưng theo nhiều thương nhân xuất khẩu gạo, hiện đang rất khó thu mua lúa, vì hầu hết lúa đã được thương lái cọc mua từ đầu vụ. Trong khi doanh nghiệp phải gom hàng để trả đơn đã ký với giá thấp trước đó. Một số doanh nghiệp khác không có đơn, nhưng hiện họ cũng không muốn bán ra do mỗi ngày giá lên 2 - 3 đợt. Điều này khiến giá lúa, gạo liên tục được đẩy lên cao.

Trước những tác động thời tiết và các bên, thời cơ xuất khẩu, gia tăng giá trị cho gạo Việt đang lớn tới mức, chính Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan đã phải lên tiếng: “Thời cơ không chờ đợi chúng ta. Đừng để mất cơ hội”.

Giá gạo: Biến động trên thị trường thế giới và thời cơ của gạo Việt
Sau lệnh cấm xuất khẩu gạo từ Ấn Độ, UAE, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đã lên vùng giá cao nhất 12 năm qua. Giá lúa cũng tăng hàng chục USD mỗi ngày. Ảnh minh họa.

Muốn tận dụng cơ hội này cần có liên kết bền vững với người trồng lúa

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), dự kiến trong vài ngày tới, tại Tp.Cần Thơ, Bộ Công Thương sẽ tổ chức Hội nghị liên quan đến công tác điều hành xuất khẩu gạo. Hội nghị sẽ bàn về các giải pháp xuất khẩu gạo trong bối cảnh khó khăn hiện nay.

Những ngày gần đây giá lúa tăng cao, nhưng theo nhiều doanh nghiệp xuất khẩu, họ cho rằng đây là cơ hội để người trồng lúa gia tăng thu nhập, còn doanh nghiệp xuất khẩu muốn tận dụng cơ hội này cần có liên kết bền vững với người trồng lúa.

Theo doanh nghiệp giá lúa hiện 7.000 đồng/kg, giá gạo xuất khẩu phải tương ứng 640 USD/tấn mới tương xứng, doanh nghiệp mới có lãi và thúc đẩy được đơn hàng từ nay đến cuối năm.

Trao đổi với VTV, ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc, Công ty CP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An, cho biết: "Chúng ta phải cẩn trọng giữa sản xuất và tiêu dùng gắn kết với nhau, không để giá lúa lên cao quá sẽ ảnh hưởng đến xuất khẩu gạo của doanh nghiệp".

Khi có mối liên kết chặt chẽ với người nông dân, doanh nghiệp sẽ luôn duy trì được tồn kho, giá ổn định, đảm bảo giao hàng đúng thời hạn cho khách hàng.

"Lượng tồn kho của chúng tôi là 22.000 tấn gạo và chúng tôi có hợp đồng để sẵn sàng xuất khẩu từ nay đến hết tháng 11", ông Nguyễn Duy Thuận, Tổng giám đốc, Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời, cho hay.

Cũng theo các doanh nghiệp, hiện nay nhiều thương nhân tìm đến thị trường Việt Nam để tìm kiếm nguồn cung cho dịp lễ hội cuối năm. Do vậy trong thời gian tới, giá gạo có thể vẫn tiếp tục tăng và neo ở vùng giá cao.

Giá gạo tăng cần chớp thời cơ xuất khẩu gạo

Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) thừa nhận, giá gạo những ngày gần đây tăng rất mạnh. Các đối tác nhập khẩu chủ động tìm đến doanh nghiệp Việt Nam hỏi mua gạo và trả giá cao hơn 10-25 USD/tấn so với thời điểm trước khi Ấn Độ cấm xuất khẩu mặt hàng này.

Hiện, các thị trường Trung Quốc, Philipiness, Indonesia đều hướng nhập khẩu về thị trường Việt Nam. Số liệu từ Tổng cục Thống kê, 7 tháng đầu năm xuất khẩu gạo đạt hơn 4,83 triệu tấn, trị giá 2,58 tỷ USD, tăng 18,7% về lượng và tăng 29,6% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.

Chia sẻ xoay quanh vấn đề này, ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt, năm nay diện tích sản xuất lúa vụ Thu Đông ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) tăng so với kế hoạch đầu năm 50.000 ha (lên 700.000 ha), góp phần tích cực vào việc vào nắm bắt thời cơ giá gạo tăng.

“Trong bối cảnh nhu cầu và giá gạo trên thế giới tăng cao, Cục Trồng trọt sẽ cơ cấu tăng 50.000 ha gieo trồng lúa vụ thu đông ở khu vực ĐBSCL”, ông Cường nói.

Ông Cường cũng khẳng định, thị trường lúa gạo hiện nay đang rất khởi sắc, qua đó đem lại lợi ích cho cả người nông dân lẫn các doanh nghiệp xuất khẩu.

Theo kế hoạch của năm 2023, cả nước gieo trồng khoảng 7,1 triệu ha, tương đương sản lượng dự kiến trên 43 triệu tấn. Cho đến thời điểm này, qua quá trình kiểm tra, nắm tình hình tại các vùng trồng trên cả nước, lúa đang sinh trưởng phát triển tốt. Nếu không có thiên tai nghiêm trọng và dịch bệnh trên diện rộng thì chắc chắn 2023 sẽ là một năm được mùa lúa gạo, sản lượng đạt trên 43 triệu tấn.

Lãnh đạo Cục Trồng trọt cũng cho biết thêm, đơn vị đã phối hợp với các địa phương để giải quyết các vấn đề liên quan đến sản xuất từ nay đến cuối năm và sẵn sàng cho vụ đông xuân vào đầu năm 2024.

Để tận dụng thời cơ giá cả và nhu cầu tiêu thụ đều tăng, theo ông Cường, Cục Trồng trọt đã nâng diện tích trồng lúa vụ thu đông ở khu vực ĐBSCL từ 650.000 ha lên 700.000 ha để đón thời cơ.

Ngoài ra, Bộ NN&PTNT cũng đã tham mưu cho Chính phủ để ra chỉ thị tăng cường xuất khẩu gạo trong giai đoạn này, theo đó, các bộ ngành và địa phương liên quan cùng phối hợp với Bộ NN&PTNT để tận dụng tốt cơ hội của ngành hàng lúa gạo.

Với sản lượng ước đạt trên 43 triệu tấn lúa như hiện nay, Việt Nam hoàn toàn có thể đẩy mạnh xuất khẩu lúa gạo mà vẫn đảm bảo được nhu cầu tiêu thụ trong nước.

Thời gian tới, không chỉ Việt Nam mà các nước khác cũng cần bám sát, phân tích, đánh giá tình hình, diễn biến cụ thể của thị trường gạo thế giới. Bên cạnh đó, phải có định hướng với các doanh nghiệp trồng, chế biến, xuất khẩu ngoài việc mua, tiêu thụ về việc dự trữ…Do vậy, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ phối hợp với Bộ Công Thương cập nhật, cung cấp tình hình sản xuất nguồn hàng.

Trao đổi với phóng viên báo Tin Tức, GS.TS Võ Tòng Xuân nhận định, biến đổi khí hậu đã và đang tác động mạnh mẽ trên toàn cầu khiến an ninh lương thực bị đe dọa. Việc một số nước ra lệnh cấm xuất khẩu gạo đã đã đẩy giá gạo toàn cầu tăng chóng mặt bởi cầu đang lớn hơn cung và nhiều nước đẩy mạnh thu mua gạo để phục vụ nhu cầu trong nước.

“Giá gạo trên thế giới sẽ còn tăng. Đây là thời cơ vàng cho chúng ta và Việt Nam phải tận dụng xuất khẩu, để hạt gạo của Việt Nam vươn xa, vươn cao với giá trị cao hơn. Về nguồn cung lúa gạo cho xuất khẩu cũng như đảm bảo an ninh lương thực cho thị trường trong nước, chúng ta hoàn toàn có thể yên tâm. Chúng ta luôn luôn dư gạo để bán ra”, GS.TS Võ Tòng Xuân khẳng định.

Chuyên gia nông nghiệp này cho biết, cách Việt Nam bố trí quy hoạch vùng trồng lúa rất an toàn. Cụ thể đối với lúa phục vụ thị trường trong nước, chúng ta lấy diện tích dọc theo biên giới Campuchia (vùng phía Bắc của An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp) với khoảng hơn 1,5 triệu ha. Nước ở vùng này lúc nào cũng có và không bao giờ bị nước mặn dâng lên.

Về giải pháp lâu dài trong thời gian tới, GS.TS Võ Tòng Xuân cho rằng, tận dụng cơ hội để xuất khẩu gạo giá cao nhưng đây cũng là thời điểm để chúng ta nhìn nhận lại vấn đề xuất khẩu gạo hiện nay. Do đó Việt Nam cần có chiến lược trong dài hạn để cung cấp gạo cho các nước với giá cao hơn, lập mặt bằng giá gạo mới.

“Doanh nghiệp nên chấm dứt việc đợi có người đặt mới đi thu mua của thương lái về xay xát. Doanh nghiệp khi xuất khẩu phải tính đường dài, tìm cách ký hợp đồng xuất khẩu dài hạn. Khi có hợp đồng dài hạn, doanh nghiệp sẽ chắc chắn được đầu ra và bàn bạc với địa phương xây dựng vùng nguyên liệu. Theo đó, người nông dân sẽ là những xã viên, cùng một giống lúa, một quy trình theo hợp đồng thì nông dân sẽ thấy không phải lệ thuộc vào thương lái mà chắc chắn có người mua với giá tốt”, GS.TS Võ Tòng Xuân cho biết.

Thông tin thêm trên Người Lao Động vừa qua, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân vừa có văn bản gửi VFA và các thương nhân xuất khẩu gạo, đề nghị báo cáo trước ngày 3/8 về tình hình lượng lúa, gạo tồn kho; tình hình ký hợp đồng và thực hiện hợp đồng xuất khẩu gạo theo quy định tại Nghị định 107/2018 về kinh doanh, xuất khẩu gạo.

Các thương nhân được yêu cầu chủ động theo dõi sát tình hình thị trường thương mại gạo toàn cầu và trao đổi với VFA, nhằm kịp thời báo cáo Bộ Công Thương và Bộ NN-PTNT liên quan hoạt động xuất khẩu gạo, đồng thời đề xuất giải pháp phù hợp. Văn bản cũng nhắc lại yêu cầu trước đó đối với các thương nhân xuất khẩu gạo là thực hiện nghiêm túc nội dung duy trì mức dự trữ lưu thông tối thiểu theo quy định tại Nghị định 107/2018.

Theo số liệu VTV, trong 7 tháng năm nay, tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm thủy sản ước đạt hơn 29 tỷ USD, giảm 9% so với cùng kỳ năm trước. Dù vậy, nhóm nông sản tăng hơn 13%, chủ yếu là hàng rau quả, gạo, hạt điều, cà phê. Đáng chú ý, riêng kim ngạch xuất khẩu gạo tăng gần 30%, giá cũng tăng khoảng 9%. Tuy nhiên, trước những biến động của thị trường và lệnh cấm xuất khẩu gạo của một số quốc gia như Ấn Độ, Nga, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Bộ Nông nghiệp đã chủ động nhiều giải pháp nhằm vừa đảm bảo an ninh lương thực quốc gia vừa chớp thời cơ xuất khẩu.

Bộ Nông nghiệp thông tin thêm, năm ngoái, sản lượng lúa gạo của nước ta là 42,7 triệu tấn thì xuất khẩu 7,13 triệu tấn gạo. Năm nay sản lượng lúa gạo ước tính trên 43 triệu tấn nên chúng ta có thể xuất khẩu vượt năm ngoái. Bộ Nông nghiệp nhận định việc xuất khẩu gạo cơ bản sẽ không ảnh hưởng gì đến nguồn cung trong nước.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả