24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Tô Đông Pha
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Giá dầu liệu quay lại đỉnh 120 USD mỗi thùng?

Căng thẳng ở Trung Đông tăng nhưng nhu cầu không mạnh và cung dồi dào khiến kịch bản giá dầu quay lại đỉnh 120 USD mỗi thùng khó xảy ra.

Trên khắp thế giới, người tiêu dùng, tài xế và chính trị gia đều lo lắng về giá dầu. Xung đột giữa Israel và Hamas đang lan rộng. Nếu chiến tranh toàn diện bùng nổ giữa Israel và Iran tại Trung Đông – khu vực sản xuất một phần ba lượng dầu thô trên thế giới – rõ ràng là đáng sợ.

Sau khi Israel tấn công Hezbollah và Iran đáp trả bằng khoảng 200 tên lửa, giá dầu đạt 81 USD mỗi thùng hôm 7/10 rồi giảm nhẹ. Đến cuối ngày thứ sáu (11/10), giá dầu Brent còn 79,04 USD trong khi dầu WTI về mức 75,56 USD.

Tính chung cả tuần qua, giá hai loại dầu này vẫn tăng hơn 1%. Các nhà đầu tư đã tăng vị thế mua ròng dầu thô Brent lên 165.008 hợp đồng trong tuần tính đến ngày 11/10, theo Intercontinental Exchange

Tim Snyder, Kinh tế trưởng tại Matador Economics, đánh giá thị trường có thể cảm nhận được căng thẳng khi Israel xem xét quy mô và hình thức phản ứng trước cuộc tấn công tên lửa của Iran. "Nếu Israel phá hủy cơ sở hạ tầng dầu khí của Iran, giá sẽ tăng", ông nói.

Cách đây hai năm rưỡi, xung đột Nga và Ukraine từng đẩy giá dầu lên hơn 120 USD một thùng, khi phương Tây áp đặt các lệnh trừng phạt lên Nga, gây lo ngại gián đoạn nguồn cung từ nhà xuất khẩu dầu lớn thứ hai thế giới.

Lần này điều gì có thể xảy ra? Nếu cuộc chiến tệ hơn, cú sốc dầu nghiêm trọng có thể xảy ra. Nhưng do nguồn cung dồi dào, thị trường dầu ít bị tổn thương bởi cú sốc như vậy hơn so với năm 2022.

Israel vẫn chưa trả đũa Iran. Vào ngày 3/10, Tổng thống Mỹ Joe Biden gây chấn động thị trường khi ám chỉ rằng cơ sở hạ tầng dầu mỏ của Iran có thể nằm trong tầm ngắm của Israel. Tuy nhiên, đó chỉ là một trong nhiều mục tiêu có thể xảy ra. Ngay cả khi sản lượng dầu của Iran bị gián đoạn, Iran không phải là nhà sản xuất lớn như Nga. Iran xuất khẩu gần 2 triệu thùng mỗi ngày, tương đương khoảng 2% nguồn cung toàn cầu. Trong khi đó, Nga xuất khẩu gần 5 triệu thùng mỗi ngày.

Bức tranh toàn cầu cũng khác biệt rõ rệt so với năm 2022. Khi Nga tiến quân vào Ukraine, dầu đang khan hiếm và nhu cầu tăng vọt khi các nền kinh tế trên thế giới thoát khỏi các đợt phong tỏa vì Covid. Trong khi, thế giới giờ tràn ngập dầu.

Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) đã tìm cách giữ giá dầu ở mức cao bằng cách hạn chế nguồn cung nhưng không thành. OPEC định tăng sản lượng vào tháng 12. Ngay cả Arab Saudi, quốc gia dẫn dắt khối và cần giá dầu ở mức cao cũng bỏ cuộc. Nước này được cho là đã từ bỏ mục tiêu giá đầu 100 USD mỗi thùng để có thể duy trì thị phần.

OPEC+ có công suất dự phòng hơn 5 triệu thùng mỗi ngày, riêng Arab Saudi có thể tăng sản lượng thêm 3 triệu. Hôm thứ sáu (11/10), Tập đoàn dầu mỏ quốc gia Libya (NOC) cho biết đã khôi phục sản lượng dầu về mức 1,25 triệu thùng.

Ngoài ra, nguồn cung dầu đã có thay đổi cơ bản. Hiện gần 60% sản lượng thế giới được cung cấp bởi các nước ngoài OPEC+, tăng từ mức 44% vào năm 2019. Các nhà sản xuất dầu đá phiến của Mỹ đã trở thành nhà sản xuất lớn nhất thế giới. "75 USD mỗi thùng đối với dầu WTI là khoảng giá hợp lý khi căng thẳng gia tăng", John Kilduff, chuyên gia tại Again Capital (New York) cho biết.

Brazil, Canada và Guyana đều đã tăng sản lượng những năm gần đây. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, dầu từ các quốc gia ngoài OPEC sẽ tăng 1,5 triệu thùng mỗi năm thời gian tới. Trong khi, nhu cầu vẫn thấp. Kinh tế Mỹ và châu Âu đang chậm lại. Trung Quốc cũng giảm tốc do khủng hoảng bất động sản.

Hôm 8/10, Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ đã điều chỉnh giảm dự báo nhu cầu dầu toàn cầu năm 2025 do hoạt động sản xuất trên thế giới suy yếu. Trước khi tình hình Trung Đông leo thang gần đây, các nhà giao dịch thậm chí từng lo ngại thừa dầu vào năm 2025 do tăng trưởng nhu cầu yếu và nguồn cung mở rộng.

Nguồn cung dồi dào đang tạo khả năng chống sốc địa chính trị nhưng không hoàn toàn. Nếu Israel tấn công vào cơ sở hạ tầng dầu mỏ của Iran, nước này có thể nhắm mục tiêu các nhà sản xuất dầu đã ký kết các thỏa thuận kinh tế với Israel tại Bahrain hoặc UAE. Hoặc Iran có thể chặn eo biển Hormuz, nơi vận chuyển phần lớn lượng dầu của Vùng Vịnh. Trong kịch bản này, giá dầu vẫn có khả năng lên mức cao gần bằng năm 2022.

Nhưng ngay cả có gián đoạn lớn đối với dòng dầu và khí đốt từ Trung Đông do xung đột toàn diện giữa Israel và Iran, các chuyên gia cho rằng kinh tế toàn cầu vẫn sẽ không vượt khỏi tầm kiểm soát. Điều này phần lớn là do sự trỗi dậy của Mỹ với tư cách là nhà cung cấp lớn cũng như sự phụ thuộc toàn cầu vào nhiên liệu hóa thạch ngày càng giảm.

Yeap Jun Rong, chiến lược gia thị trường tại công ty tài chính IG (Anh) cho rằng người tiêu dùng phương Tây sẽ cảm nhận được giá xăng dầu tăng trong kinh huống này. "Nhưng mức độ cũng ít hơn nhiều so với thời kỳ trước", ông nói.

Phiên An (theo The Economist, Reuters)
Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Mã chứng khoán liên quan bài viết
71.25 +1.15 (+1.64%)
2.07 +0.03 (+1.25%)
75.22 +0.99 (+1.33%)
prev
next

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả