Giá căn hộ tại TP. HCM và Hà Nội vẫn tăng
Nguyên nhân khiến giá căn hộ tăng, một phần do chi phí đầu vào, lãi suất, lạm phát ngày càng tăng cao. Bên cạnh đó, nhu cầu về loại nhà ở này luôn có và tăng không ngừng cùng quá trình đô thị hóa, nhất là sản phẩm đáp ứng nhu cầu thực, trong khi nguồn cung dự án căn hộ lại khan hiếm…
Tại báo cáo thị trường bất động sản nhà ở TP.HCM và vùng phụ cận năm 2022 của Công ty DKRA, TP.HCM đã ghi nhận giá bán sơ cấp căn hộ tăng nhẹ từ 2-4% so với cuối năm 2021. Tương tự ở thị trường Hà Nội, Savill cũng thông tin, giá căn hộ sơ cấp quý 4/2022 tăng 15% theo năm.
Lý giải nguyên nhân khiến giá căn hộ tiếp tục tăng, chuyên gia Hội Môi giới bất động sản Việt Nam chia sẻ, phân khúc nhà ở, đặc biệt với căn hộ chung cư không nằm trong xu hướng giảm giá bán. Một phần do chi phí đầu vào, lãi suất, lạm phát ngày càng tăng cao. Bên cạnh đó, mặt bằng giá sơ cấp căn hộ khó giảm còn vì nhu cầu về loại nhà ở này luôn có, và tăng không ngừng cùng quá trình đô thị hóa, nhất là sản phẩm đáp ứng nhu cầu thực, trong khi nguồn cung dự án căn hộ lại khan hiếm.
Về vấn đề này, chuyên gia Savill cho biết điển hình như tại Hà Nội, thành phố dự kiến bố trí 1.868 ha cho phát triển nhà ở, bao gồm 1.384 ha ở đô thị và 484 ha tại nông thôn. Thành phố sẽ cần thêm 19,69 triệu m2 căn hộ (tương đương 166.600 căn) đến năm 2025 để đáp ứng nguồn cầu. Tuy nhiên chỉ có thêm 70.000 căn dự kiến được mở bán tới năm 2025. Từ đó thấy được việc thiếu hụt nguồn cung trong thực tế so với Chương trình phát triển nhà ở ước tính khoảng 96.600 căn.
Theo chuyên gia, hiện nay vướng mắc về pháp lý là vướng mắc lớn nhất, chiếm 70% khó khăn của dự án bất động sản, nhà ở trong quá trình chuẩn bị đầu tư, xây dựng, kinh doanh. Mặt khác, thủ tục hành chính rắc rối, phức tạp, thiếu đồng bộ, liên thông đã kéo dài thời gian thực hiện thủ tục của dự án bất động sản. Ngoài ra, hệ thống pháp luật liên quan đến đầu tư, kinh doanh bất động sản cũng còn tồn tại một số bất cập.
Vì vậy, thời gian tới cần khẩn trương có kết luận với các dự án đã, đang rà soát thủ tục pháp lý để các dự án sớm được triển khai, nhất là dự án lớn, đẩy nhanh thời gian giải quyết thủ tục hành chính, tháo gỡ ngay vướng mắc khó khăn về pháp lý của dự án thuộc thẩm quyền địa phương nhằm tạo cú hích cũng như sự lan tỏa; tập trung đẩy mạnh việc chấp thuận chủ trương đầu tư, giao đất cho thuê đất chuyển đổi mục đích sử dụng đất… nhất là việc xác định giá đất, tính tiền sử dụng đất để sớm đưa vào thực hiện.
Đồng thời, rà soát xử lý những dự án phát triển đô thị, phát triển nhà ở đang triển khai và đã giao dự án nhưng chưa triển khai để phân loại dự án được tiếp tục triển khai, dự án cần tạm dừng, dự án cần điều chỉnh cơ cấu, loại hình nhà ở phù hợp nhu cầu thị trường lẫn nguồn lực xã hội.
Nhấn mạnh thêm, chuyên gia khẳng định, sự khôi phục của thị trường căn hộ đang rất cần sự điều chỉnh vĩ mô từ Chính phủ, mà một trong những thông tin, lạc quan cho thị trường căn hộ nói riêng, thị trường bất động sản nói chung chính là giữa tháng 12/2022, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo bộ ngành, địa phương phối hợp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản. Tuy nhiên, kết hợp với biện pháp điều chỉnh của Chính phủ, doanh nghiệp bất động sản phải cơ cấu lại doanh nghiệp, điều chỉnh lại cơ cấu sản phẩm, dòng tiền giúp phục hồi, phát triển lành mạnh, minh bạch hơn. Qua đó hy vọng sẽ khởi sắc, hồi phục từ giữa năm 2023, khi các biện pháp được thực hiện và niềm tin của người mua, nhà đầu tư được củng cố.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận