Giá bất động sản Việt Nam tăng bất chấp dịch, ở các nước khác thế nào?
Không chỉ ở Việt Nam, rất nhiều quốc gia trên thế giới ghi nhận mức tăng trưởng về giá ở thị trường bất động sản bất chấp đại dịch phức tạp.
Tại Hà Nội, trước những diễn biến của dịch Covid-19 hiện nay, các chuyên gia cho rằng tình hình hoạt động của thị trường sẽ chậm hơn so với cùng kỳ năm ngoái.Trong báo cáo mới công bố, Savills - đơn vị chuyên nghiên cứu thị trường bất động sản - cho biết bất động sản nhà ở toàn cầu những tháng đầu năm nay ghi nhận sự hồi phục khả quan với mức tăng trưởng giá trung bình đạt 3,9%.
Tuy nhiên, giá bất động sản, đặc biệt là bất động sản đô thị từ nay tới cuối năm dự kiến sẽ không giảm mặc dù đang có áp lực gia tăng về dòng tiền và việc chi trả của các nhà đầu tư. Trước đó thị trường này cũng đã trải qua nhiều lần tăng liên tiếp bất chấp khó khăn của dịch bệnh.
Đáng chú ý không chỉ ở Việt Nam, rất nhiều quốc gia trên thế giới ghi nhận mức tăng trưởng về giá ở thị trường bất động sản.
Vừa qua, Savills cho biết đã tiến hành cuộc khảo sát tốc độ hồi phục của thị trường nhà ở tại 30 thành phố trên toàn cầu. Kết quả cho thấy trong khoảng thời gian từ giữa năm 2018 đến cuối năm 2020, thị trường nhà ở tại những thành phố này chỉ ghi nhận mức tăng trưởng giá nhẹ khoảng 0,7%, phần lớn là bởi các lý do về bất ổn xã hội, những thay đổi về chính sách và thuế quan tại nhiều quốc gia và sau đó là đại dịch Covid-19.
Tuy nhiên, trong nửa đầu năm nay, thị trường bất động sản cao cấp tại nhiều nước đã cho thấy sự phục hồi, bằng chứng là tăng trưởng giá trung bình đạt mức 3,9%, mức tăng trưởng nhanh nhất kể từ tháng 12/2016.
Những yếu tố tác động tích cực đối với thị trường có thể kể đến là lãi suất thấp, cải thiện trong niềm tin của người mua, sự gia tăng số lượng giao dịch có giá trị cao cũng như các biện pháp kích cầu kinh tế.
Với việc nhiều nước hiện nay đang dần mở cửa biên giới, thị trường có thể kỳ vọng vào nhu cầu lớn hơn. Tuy nhiên, bất ổn do diễn biến dịch Covid-19 có thể vẫn kéo dài, song, những tín hiệu hồi phục nền kinh tế sẽ tăng thêm sự tự tin từ phía nhà đầu tư, từ đó thúc đẩy nhu cầu bất động sản từ nay đến cuối năm.
Cụ thể theo báo cáo, trong 6 tháng đầu năm nay, hơn 70% các thành phố trong khảo sát ghi nhận tăng trưởng trong giá trị bất động sản nhà ở.
Còn những thành phố ghi nhận tăng trưởng âm là những thị trường trước đó chủ yếu phụ thuộc vào nhu cầu từ khách hàng quốc tế, một phân khúc gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận khi bị hạn chế đi lại và du lịch.
Tại Mỹ, Los Angeles và Miami dẫn đầu với mức tăng trưởng trên 9% trong nửa đầu năm 2021, nhờ lợi thế về diện tích lớn cũng như thời tiết thuận lợi. Thị trường Miami đã ghi nhận mức tăng khá lớn trong nhu cầu, khi hầu hết mọi người phải làm việc tại nhà.
Thêm vào đó, thị trường này cũng sở hữu chính sách thuế quan ưu đãi, sự gia tăng trong số lượng các công ty công nghệ và tài chính và lãi suất cho vay thấp, khiến lực mua gia tăng. New York cũng ghi nhận số lượng giao dịch tăng, dù giá bất động sản giảm liên tục trong vòng 4 năm trước.
Đối với thị trường châu Á, Trung Quốc là quốc gia ghi nhận sự tăng trưởng rõ rệt về giá bất động sản nhà ở trong năm 2021, mặc dù đã có những quy định tài chính được thắt chặt và nhiều thay đổi trong chính sách của địa phương để hạ nhiệt thị trường.
Trong đó, mức tăng tại Quảng Châu được ghi nhận là 7,9%, trong khi tại Thượng Hải lên tới 13,7%. Những giao dịch mua với mục đích cho thuê đã dẫn dắt mức tăng giá của thị trường trong năm qua. Hầu hết nhà đầu tư vẫn giữ niềm tin rằng bất động sản tại đây là kênh trú ẩn an toàn của dòng tiền.
Một vài thành phố như Singapore, Bangkok và Kuala Lumpur cũng ghi nhận tăng trưởng giá trong thời gian vừa qua, phần lớn là bởi nhu cầu gia tăng nhưng nguồn cung lại hạn chế.
Tại Hồng Kông, giá bất động sản nhà ở đã ghi nhận mức giảm từ năm 2019 đến nửa đầu năm 2020 bởi những bất ổn trong tình hình xã hội. Tuy nhiên, thị trường này bắt đầu có dấu hiệu hồi phục với mức tăng 1,9% trong 6 tháng đầu năm nay, nhờ lãi suất thấp và các hoạt động du lịch được cho phép hoạt động trở lại.
Còn tại châu Âu, giá trị bất động sản tại London ổn định trong năm 2020 và tăng 1,1% trong 6 tháng đầu năm nay.
Trong khi đó, thị trường nhà ở tại Paris ghi nhận mức giá giảm và số lượng giao dịch giảm khá lớn so với năm trước. Nguyên nhân chính nằm ở lệnh giãn cách xã hội kéo dài, từ đó tác động tiêu cực tới niềm tin của người mua tại thị trường này.
Không chỉ ghi nhận mức tăng trưởng về giá, số lượng giao dịch tại nhiều thành phố cũng ghi nhận mức tăng đáng kể, đặc biệt khi so sánh với cùng kỳ năm 2020, thời điểm lệnh giãn cách xã hội được áp dụng tại nhiều nơi.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận