Giá bất động sản Hà Nội sẽ khó giảm nhưng không còn sốt
Nhu cầu mua nhà luôn ở mức cao trong khi nguồn cung khan hiếm đã khiến giá nhà tăng cao.
Trong hơn 20 năm qua, giá chung cư tại Hà Nội không ngừng tăng. Báo cáo của Hội môi giới bất động sản Việt Nam (VARs) cho thấy nếu giai đoạn 2000-2010, giá chung cư Hà Nội dao động khoảng 10 - 20 triệu đồng/m2 thì tới giai đoạn 2010 - 2020 đã tăng lên 20 - 50 triệu đồng/m2. Đặc biệt, giai đoạn từ sau 2020 đến nay, giá chung cư đã tăng đến ngưỡng "khó kham nổi" của đại đa số người dân là từ 50 - trên 100 triệu đồng/m2 tùy khu vực.
Tại Hội thảo thị trường căn hộ Hà Nội “Đâu là lựa chọn sống và đầu tư” vừa diễn ra, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - chuyên gia kinh tế cao cấp cho hay năm 2024 là năm phân khúc chung cư Hà Nội chứng kiến sự tăng nhanh vượt bậc về giá.
Tổng hợp từ báo cáo thị trường của các đơn vị nghiên cứu cho thấy giá chung cư từ mức trung bình 40 triệu/m2 năm 2022 đã tăng lên mức hơn 70 triệu/m2 vào cuối quý III-2024. Thị trường không còn dự án có giá dưới 60 triệu/m2, nhiều dự án trung cấp thậm chí có mức giá trên 100 triệu đồng/m2.
“Giá căn hộ tăng cả ở thị trường sơ cấp và thứ cấp, những dự án cũ cũng không ngoại lệ. Thời điểm sốt nóng, giá còn tăng theo ngày, theo tuần. Đáng nói là dù giá cao nhưng theo ghi nhận, thanh khoản vẫn tốt, vẫn có người mua” - PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nói.
Ông Đinh Trọng Thịnh nhận định giá chung cư khó giảm nhưng sẽ ổn định hơn. Ảnh: MINH TRÚC
Ở góc nhìn tích cực, điều này cho thấy tâm lý thị trường Hà Nội đang tốt lên một cách bất ngờ. Tuy nhiên, khi nhu cầu bùng nổ, nguồn cung vẫn khan hiếm càng khiến giá nhà đất phi mã.
Trong thời gian tới, theo nhận định của chúng tôi, giá chung cư sẽ khó giảm, tuy nhiên đà tăng giá cho đến thời điểm này đã chậm lại, theo xu hướng ổn định hơn, không còn tình trạng sốt nóng như nhiều tháng trước đó.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh
Đồng quan điểm, ông Ngô Hữu Trường - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Hưng Thịnh cho rằng bất động sản từ lâu đã được coi là tài sản tích lũy giá trị, đặc biệt tại các nước châu Á, nơi có tâm lý đất đai, nhà cửa là của để dành rất phổ biến.
Tại Việt Nam, trong khoảng 3 năm gần đây có 3 yếu tố dẫn đến việc giá nhà tăng.
Thứ nhất, thời gian hoàn thiện pháp lý kéo dài, theo đó quy trình phê duyệt dự án tại Việt Nam thường mất khá nhiều thời gian, từ khâu giải phóng mặt bằng đến hoàn tất các thủ tục pháp lý. Điều này làm gia tăng chi phí đầu tư, từ đó đẩy giá bán bất động sản lên cao.
Thứ hai, theo quy định hiện hành, việc đấu giá đất phải tuân theo giá thị trường. Điều này khiến giá trị đầu vào của các dự án cao hơn, kéo theo giá thành bất động sản tăng lên.
Thứ ba là ảnh hưởng của lạm phát và tỉ giá. Mặc dù lạm phát tại Việt Nam được kiểm soát tốt nhưng sự tăng giá của vàng và USD so với VND đã tạo áp lực tăng giá lên bất động sản vì nhiều nhà đầu tư sử dụng các tài sản này như cơ sở tích lũy giá trị.
“Chính vì vậy, tôi cho rằng giá bất động sản sẽ rất khó giảm trong giai đoạn tới”-ông Trường nói.
Giá bất động sản được dự báo có thể tăng nhưng tốc độ sẽ chậm lại. Ảnh: MINH TRÚC
Ông Nguyễn Văn Ngọc - Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn RB - cho rằng tại Hà Nội, chung cư có giá trị sử dụng thật (để ở hoặc cho thuê) ghi nhận tăng mạnh trong những năm qua.
Các khu vực như Đông Anh, Hoài Đức, dù thuộc ngoại thành vẫn ghi nhận mức tăng từ 30-40 triệu đồng/m2 lên đến 70-80 triệu đồng/m2.
Các yếu tố tác động chính thúc đẩy giá bất động sản có thể kể đến như bảng giá đất mới đẩy giá lên cao; chi phí vật liệu xây dựng tăng và việc chủ đầu tư nâng cấp tiện ích để đáp ứng nhu cầu người mua.
“Theo tôi, giá bất động sản tại Việt Nam được dự báo tiếp tục tăng nhưng tốc độ có thể chậm lại do sức mua có dấu hiệu chững lại. Các nguyên nhân bao gồm nguồn cung mới hạn chế do cần thêm thời gian tháo gỡ vướng mắc pháp lý nên giá mới cao làm tăng chi phí giao dịch và đầu tư” - ông Ngọc nói.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường