"Ghế nóng" của SHB liệu có thay đổi sau đại hội cổ đông thường niên?
Dự kiến tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông tới đây, Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB) sẽ tiến hành bầu thành viên Hội đồng quản trị nhiệm kỳ mới 2022-2027.
Dự kiến tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông diễn ra vào ngày 20/4 tới đây, Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB) sẽ trình cổ đông thông qua cơ cấu, số lượng nhân sự và bầu thành viên Hội đồng quản trị nhiệm kỳ mới 2022-2027.
Cụ thể, danh sách nhân sự bầu vào Hội đồng quản trị kỳ này ngoài những cái tên quen thuộc là ông Đỗ Quang Hiển, ông Võ Đức Tiến, ông Nguyễn Văn Lê, ông Thái Quốc Minh, thì còn xuất hiện 3 thành viên mới là ông Đỗ Quang Vinh, bà Nguyễn Thị Mai Sương và ông Đỗ Văn Sinh.
Trong đó, đáng chú ý là ông Đỗ Quang Vinh, thành viên trẻ tuổi nhất trong danh sách bầu thành viên Hội đồng quản trị của SHB và là một trong những lãnh đạo trẻ nhất ngành ngân hàng hiện nay.
Ông Đỗ Quang Vinh là con trai ông Đỗ Quang Hiển, sinh năm 1989, là Thạc sỹ Tài chính - Quản trị. Ông Vinh hiện giữ nhiều chức vụ quan trọng tại SHB như Phó Tổng Giám đốc SHB, Giám đốc Khối ngân hàng số kiêm Phó Giám đốc Khối Ngân hàng Bán lẻ SHB, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng thành viên Công ty Tài chính TNHH MTV Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội.
Cũng tại đại hội lần này, ông Đỗ Quang Hiển, người đang ngồi "ghế nóng" Chủ tịch Hội đồng quản trị SHB, nếu tiếp tục được bầu vào vị trí này, sẽ phải đưa ra quyết định lựa chọn giữa việc tiếp tục làm Chủ tịch SHB hay Chủ tịch Tập đoàn T&T và các công ty khác.
Bởi theo Luật các tổ chức tín dụng sửa đổi năm 2017, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc (Giám đốc) của tổ chức tín dụng không được đồng thời là Chủ tịch Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng giám đốc (Phó giám đốc) hoặc các chức danh tương đương của doanh nghiệp khác.
Một nội dung đáng chú ý khác trong tài liệu dự thảo đại hội là kế hoạch tăng mạnh vốn điều lệ năm 2022 của SHB. Theo đó, SHB lên phương án tăng vốn điều lệ từ 26.673 tỷ đồng lên 36.007 tỷ đồng thông qua việc phát hành cổ phiếu để trả cổ tức từ lợi nhuận năm 2021 và chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu.
Cụ thể, SHB sẽ phát hành hơn 400 triệu cổ phiếu để trả cổ tức cho cổ đông, tương ứng với tỷ lệ cổ tức là 15% trên mệnh giá, cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu sẽ được nhận thêm 15 cổ phiếu mới. Nguồn vốn từ lợi nhuận năm 2021. Thời gian dự kiến phát hành trong quý III/2022.
Với phương án chào bán, dự kiến sẽ có hơn 533 triệu cổ phiếu được chào bán cho cổ đông hiện hữu, tỷ lệ thực hiện quyền là 20%, cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu tại ngày chốt danh sách thì có 1 quyền mua, cứ 100 quyền mua thì được mua thêm 20 cổ phiếu mới.
Như vậy, nếu hoàn thành kế hoạch trên, vốn điều lệ của SHB sẽ lên đứng vị trí thứ 6 trong hệ thống ngân hàng. Trước đó, trong năm 2021, SHB cũng đã tăng mạnh hơn 9.000 tỷ đồng vốn điều lệ.
Năm 2022, SHB dự kiến lợi nhuận trước thuế đạt 11.686 tỷ đồng, tăng tới 87% so với năm 2021; tổng tài sản tăng trên 12%; tỷ lệ nợ xấu giảm xuống dưới 1,3%; chia cổ tức năm 2022 từ 18%./.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận