Gelex kỳ vọng hợp nhất Viglacera, đẩy mạnh phát triển khu công nghiệp
Dù không đề cập rõ, song có thể thấy Gelex không đặt mục tiêu lợi nhuận lên đầu, mà ưu tiên mở rộng, hoàn thiện hệ sinh thái kinh doanh trên hai cột trụ là sản xuất công nghiệp và phát triển hạ tầng.
Tổng công ty CP Thiết bị điện Việt Nam (Gelex) vừa công bố tài liệu chuẩn bị cho Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2020, dự kiến diễn ra vào sáng ngày 18/6 tới đây tại Hà Nội.
Biến động nhân sự HĐQT
ĐHĐCĐ thường niên sẽ xem xét nhiều nội dung quan trọng. Liên quan đến nhân sự, Đại hội dự kiến bầu bổ sung hai thành viên HĐQT thay thế cho Phó Chủ tịch HĐQT Đỗ Thị Phương Lan và Thành viên HĐQT độc lập Nguyễn Thị Bích Ngọc có đơn từ nhiệm. Trong khi trường hợp của bà Bích Ngọc đã được dự đoán từ trước, thì việc bà Phương Lan rút lui khỏi Gelex phần nào mang tới sự bất ngờ.
Bà Đỗ Thị Phương Lan tham gia HĐQT Gelex vào tháng 4/2018, 4 tháng sau được bầu làm Phó Chủ tịch HĐQT, và là một nhân vật quan trọng trong Tập đoàn. Nữ doanh nhân sinh năm 1980 hiện còn đảm trách vai trò Thành viên HĐQT CTCP Kho vận Miền Nam (Sotrans), Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Gelex Land và cùng với Chủ tịch Nguyễn Văn Tuấn là hai đại diện của Gelex trong HĐQT Tổng công ty Viglacera.
Ít biết hơn, bà Phương Lan còn là Thành viên HĐQT CTCP Phát triển và Tài trợ Địa ốc RC (Refico) của đại gia Sài thành Trần Quyết Thắng. Theo tìm hiểu của Nhadautu.vn, một trong những nguyên do bà Phương Lan gia nhập Gelex là bởi doanh nghiệp này muốn phát triển mảng bất động sản vốn không có nhiều kinh nghiệm. Biết rằng Sotrans - công ty con của Gelex và Refico cùng bà Đỗ Thị Phương Lan năm 2016 đã góp vốn thành lập CTCP Phát triển Bất động sản The Pier, ít lâu sau được chấp thuận đầu tư dự án 2,4ha tại khu K5, K6, Quận 4, TP.HCM.
Nếu được ĐHĐCĐ thống nhất miễn nhiệm, HĐQT Gelex còn lại 4 người là Chủ tịch Nguyễn Văn Tuấn, Phó Chủ tịch Nguyễn Trọng Tiếu cùng hai Thành viên Nguyễn Hoa Cương và Võ Anh Linh, trong đó các ông Nguyễn Trọng Tiếu và Nguyễn Hoa Cương là các lãnh đạo cũ của Gelex từ thời Bộ Công thương. Theo Điều lệ hiện hành, Gelex còn khuyết hai vị trí và sẽ trình ĐHĐCĐ bầu bổ sung.
Ở một nội dung khác, HĐQT sẽ trình thông qua cho phép Chủ tịch Nguyễn Văn Tuấn và người có liên quan được tăng tỷ lệ sở hữu lên tới 36% mà không phải chào mua công khai. Ông Nguyễn Văn Tuấn vừa qua đã đăng ký mua 15 triệu cổ phiếu, tương đương khoảng 3,07% vốn Gelex. Doanh nhân sinh năm 1984 trước đó không sở hữu cổ phần GEX nào, song được đánh giá là có sức ảnh hưởng rất lớn, thể hiện qua việc đảm trách vai trò Tổng giám đốc từ năm 2016 và nắm luôn Chủ tịch HĐQT từ năm 2018.
Hai vị trí được bầu bổ sung trong Đại hội tới đây sẽ giúp mang tới hình dung cụ thể hơn về quyền lực của doanh nhân gốc Hà Nam tại Gelex.
Bỏ mảng logistics, tập trung năng lượng, khu công nghiệp
Đầu tháng 5/2020, HĐQT Gelex có Nghị quyết về việc thoái toàn bộ vốn tại CTCP Cảng Đồng Nai và Công ty TNHH MTV Gelex Logistics - công ty mẹ của Sotrans. Không khó hiểu khi thông tin này dẫn tới đồn đoán về việc Gelex bỏ mảng logistics. Tuy nhiên một vấn đề đặt ra là dòng tiền thu về sẽ được Gelex đầu tư vào đâu.
Mảng logistics năm 2019 mang về 1.638 tỷ đồng doanh thu, chiếm 10,7% tổng doanh thu cả tập đoàn. Lợi nhuận gộp đạt 361 tỷ đồng, đóng góp 13,2% vào tổng lợi nhuận. Tỷ suất lợi nhuận gộp/ doanh thu là 22%, cao hơn đáng kể so với mảng thiết bị điện (15,7%). Các chỉ số này đều tăng trưởng tích cực trong năm 2019.
Dù được đánh giá là lĩnh vực có tiềm năng, song Gelex trong báo cáo gửi ĐHĐCĐ mới đây cho biết sẽ thoái hết vốn khỏi mảng logistics để tập trung nguồn lực vào đầu tư hạ tầng và công nghiệp, mở rộng thêm lĩnh vực phát triển khu công nghiệp.
Trong năm 2020, công ty mẹ Gelex định hướng thành công ty quản lý vốn (holdings) tư nhân chuẩn mực với hai khối kinh doanh chính, là: Sản xuất công nghiệp gồm thiết bị điện và vật liệu xây dựng; và hạ tầng gồm sản xuất điện, nước, khu công nghiệp và hệ sinh thái quanh khu công nghiệp.
Ở khối hạ tầng, Gelex sẽ tiếp tục đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo với mục tiêu 5 năm tới đạt tổng công suất 500MW. Với nước sạch, tiếp tục triển khai đầu tư giai đoạn 2, nâng công suất Nhà máy nước sông Đà lên 600.000 m3/ngđ. Đáng chú ý, Gelex sẽ đẩy mạnh đầu tư khu công nghiệp thông qua Viglacera hoặc trực tiếp phát triển dự án; chuẩn bị đầu tư khu công nghiệp Tây Ninh giai đoạn 1 (100ha), khả năng mở rộng giai đoạn 2 (600ha).
Dù không phải lĩnh vực mũi nhọn, song bất động sản thương mại cũng là một nhánh đáng chú ý trong hệ thống kinh doanh của Gelex. Tập đoàn này đang sở hữu dự án Khách sạn Bình Minh số 10 Trần Nguyên Hãn, Hà Nội, dự án toà nhà văn phòng số 70-72 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 1 và dự án 209 Kinh Dương Vương, Quận 6, TP.HCM cùng của Cadivi.
Trong năm 2020, Gelex sẽ tiếp tục hoàn tất các thương vụ đầu tư chiến lược đang được thực hiện, gồm mua và sở hữu chi phối Viglacera và Tổng công ty Thiết bị điện Đông Anh, mua và sở hữu 100% Công ty Dây đồng Việt Nam CFT.
Về kế hoạch kinh doanh, Gelex đưa ra hai phương án. Nếu hợp nhất được Viglacera từ đầu quý IV/2020, doanh thu toàn tập đoàn là 19.600 tỷ đồng, lãi trước thuế 975 tỷ đồng; trong trường hợp không hợp nhất Viglacera, doanh thu là 17.500 tỷ đồng, lãi trước thuế 735 tỷ đồng.
Bổ sung thêm nguyên nhân kế hoạch lợi nhuận suy giảm so với các năm trước, Gelex cho hay chi phí vốn phục vụ M&A tăng cao cùng chi phí khấu hao và lãi vay của các dự án mở rộng đầu tư nâng cao năng lực sản xuất đã hoàn thành sẽ ảnh hưởng tới chỉ tiêu lợi nhuận của tổng công ty mẹ và các đơn vị thành viên.
Không chia cổ tức, mua thêm cổ phiếu quỹ
Tại tờ trình phân phối lợi nhuận năm 2019, Gelex cho biết trong số 420 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế phân phối, dự kiến dành 300 tỷ đồng mua cổ phiếu quỹ, 3 tỷ đồng bổ sung quỹ khen thưởng, phúc lợi và để lại 117 tỷ đồng. Nếu được thông qua, đây sẽ là lần đầu tiên Gelex không chia cổ tức kể từ khi Bộ Công thương thoái vốn cuối năm 2016, sau hai năm 2017-2018 chia cổ tức bằng tiền và cổ phiếu và năm 2019 bằng cổ phiếu.
Gelex vừa qua đã chi gần 300 tỷ đồng để mua lại 18,3 triệu cổ phiếu quỹ, cùng với thông tin Chủ tịch Nguyễn Văn Tuấn đăng ký mua 15 triệu cổ phần đã kéo cổ phiếu GEX từ vùng giá 13.500 đồng/CP đầu tháng 4 lên khoảng 17.500 đồng/CP hiện nay, tương đương biên độ tăng 30%.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận